Trong những ngày đầu năm mới, người yêu sách thường dành khoảng thời gian để lắng đọng cùng những ấn phẩm đặc biệt. “Sách Tết Tân Sửu 2021” và “Tết Việt Nam xưa” sẽ mang lại những phong vị ngày xuân qua những tác phẩm văn thơ nhạc họa hoặc những bài viết, góc nhìn về Tết.

Nối tiếp thành công của “Sách Tết Kỷ Hợi 2019”, “Sách Tết Canh Tý 2020”, năm nay, Công ty CP Văn hóa Ðông A liên kết NXB Văn học tiếp tục ra mắt ấn phẩm “Sách Tết Tân Sửu 2021”. Ðây là hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết. Sách được in 2021 bản - đúng với số năm sách được ấn hành - bằng công nghệ với mực vi sinh thân thiện môi trường trên giấy chất lượng cao. Các bản được đánh số từ ST 0001 đến ST 2021, trong đó có 365 bản bìa cứng, có bìa áo, kèm hộp đựng sơn mài và tranh sơn mài dành cho người sưu tầm và 1.656 bản bìa mềm, có bìa áo.
Ấn phẩm năm nay quy tụ tác phẩm của 60 tác giả trong nhiều lĩnh vực, do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn. Sách gồm 6 phần: “Khúc dạo đầu của mùa xuân”, “Thơ”, “Văn”, “Nhạc”, “Họa và muôn màu cuộc sống”; đặc biệt, phần cuối “Vĩ thanh” là bài viết “Thú chơi sách bản đặc biệt: Những “trác tuyệt rợn ngợp” một thế kỷ qua” của nhà nghiên cứu và sưu tầm sách Nguyễn Ngọc Hoài Nam. Phần này đưa người đọc hồi tưởng một thú chơi đậm chất văn hóa thuở xưa, được khơi dậy trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh những tập tục truyền thống, nét đẹp văn hóa Việt Nam, những suy tư của người nghệ sĩ trước thời cuộc, câu chuyện thời sự về COVID-19 cũng được đề cập như một lời nhắc nhở không thể lơ là cảnh giác. Còn có 12 họa sĩ đương đại góp phần làm cho cuốn sách thêm hương sắc mùa xuân qua những bức tranh minh họa sống động, lôi cuốn.
Ðộc giả yêu thích nghiên cứu, khám phá sẽ không bỏ qua cuốn “Tết Việt Nam xưa” do MaiHaBooks và NXB Thế giới ấn hành. Sách tuyển chọn những bài viết của các học giả Việt Nam và Pháp từng đăng trên Tạp chí Ðông Dương (tạp chí tiếng Việt đầu tiên xuất bản tại Hà Nội từ năm 1913 đến năm 1919). Các bài viết xoay quanh những nghi lễ, phong tục, thú chơi mang đậm bản sắc Việt, vốn là những tư liệu quý được PGS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Nghiên cứu Việt Nam học, sưu tầm và lưu giữ trong nhiều năm qua.
Trong gần 200 trang, “Tết Việt Nam xưa” có 3 phần chính: “Nghi lễ Tết”, “Phong tục Tết” và “Thú chơi Tết”. Ðặc biệt, các bài viết được minh họa hơn 50 bức tranh Tết ngộ nghĩnh, sống động. Cuốn sách còn có những bài viết về Tết qua góc nhìn của một số nhà văn, du khách, học giả người Pháp và quốc tế hồi đầu thế kỷ 20, với cái nhìn mới mẻ, lạ lẫm, đôi khi là sự tưởng tượng xa lạ về Tết Việt.
Một trong những điểm nhấn thú vị của sách là những bài viết về nghi lễ Tết gần như không còn hoặc mới được phục dựng. Ðơn cử như Lễ Nghinh Xuân ở Huế cầu khấn các vị Thần nông nghiệp bảo vệ đất đai phì nhiêu và mang lại vụ mùa bội thu. Hay như Ðại lễ Nam Giao qua lời kể của học giả Phạm Quỳnh, buổi lễ gây ấn tượng mạnh, thu hút sự chú ý của người dân, nhưng ít người biết đến ý nghĩa sâu xa của nó. Rồi Lễ tế Ðất Trời tại Kinh đô Huế qua góc nhìn của GS - Nhà nghiên cứu người Pháp Paul Boudet cũng rất chi tiết về ý nghĩa và từng nghi thức…
CÁT ĐẰNG