25/12/2008 - 09:21

Phòng bệnh đái tháo đường typ 2

Đái tháo đường (ĐTĐ) là từ chỉ bệnh lý có biểu hiện chính là gia tăng lượng đường trong máu hơn mức bình thường. Tên gọi này mang ý nghĩa tượng trưng cho triệu chứng nổi bật dễ thấy: nước tiểu có vị ngọt hoặc có kiến bu nước tiểu. Trong thực tế, tên gọi này là không phù hợp vì đợi đến khi có đường trong nước tiểu thì bệnh đã đi một chặng xa. Vì vậy, có ý kiến cho rằng nên đổi tên bệnh là “bệnh tăng glucose máu” cho chính xác hơn.

Bệnh ĐTĐ phát triển nhanh ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Số liệu thống kê của Bệnh viện Nội tiết trung ương cho thấy, ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc ĐTĐ tăng lên hàng năm và đặc biệt có trên 60% người bệnh không biết mình đang bị bệnh. ĐTĐ đang là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

Thông thường, người ta chia ĐTĐ ra làm hai loại: týp 1 và týp 2. ĐTĐ týp 1 thường xảy ra ở người trẻ, với biểu hiện thường thấy là uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều. ĐTĐ týp 2 thường xảy ra ở người trên 30 tuổi, thể trạng mập, triệu chứng xảy ra từ từ. Tuy nhiên, nếu ĐTĐ týp 2 ở người thiếu insulin thì thể trạng lại không béo. ĐTĐ týp 2 chiếm tỷ lệ cao, khoảng 90%. Ở giai đoạn cuối của týp 2, khi mà tế bào bê-ta có nhiệm vụ tiết ra insulin của tuyến tụy đã kiệt quệ, không còn sản xuất insulin được nữa thì người bệnh cũng cần phải bổ sung nguồn insulin từ ngoài vào giống như týp 1.

ĐTĐ týp 1 là một bệnh tự miễn do cơ thể vì một lý do nào đó mà sản sinh ra chất gây hủy hoại tế bào bê-ta tuyến tụy, tế bào tiết ra insulin làm giảm lượng đường trong máu. ĐTĐ týp 1 thường xảy ra ở người trẻ tuổi và hiếm gặp hơn týp 2. Những người dễ bị ĐTĐ týp 2 là:

- Béo phì. Chỉ số BMI từ 23 trở lên. Chỉ số BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét).

- Cao huyết áp.

- Con của người ĐTĐ.

- Bị ĐTĐ khi mang thai, huyết áp trên 140/ 90mmHg khi mang thai, hoặc sinh con có cân nặng trên 4kg.

- Rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đặc biệt có HDL-cholesterol thấp mà triglycerid cao.

- Trên 45 tuổi, ít hoạt động thể lực.

- Xét nghiệm thấy có rối loạn dung nạp glucose hoặc giảm dung nạp glucose lúc đói.

Các yếu tố trên gọi là các yếu tố nguy cơ. Ở người ĐTĐ, tỷ lệ tử vong sẽ tăng vượt bậc nếu càng có nhiều yếu tố nguy cơ cùng một lúc.

ĐTĐ týp 1 là một bệnh tự miễn, nguyên nhân sâu xa chưa được rõ ràng nên ở đây chỉ nói tới phòng bệnh ĐTĐ týp 2. Phòng bệnh ĐTĐ týp 2 cần được tổ chức ngay ở những người có các yếu tố nguy cơ kể ở trên. Về nguyên tắc, tất cả mọi người đều phải thực hiện phòng bệnh nhưng xét về góc độ chi phí và hiệu quả thì việc phòng bệnh tích cực, có mục đích, có theo dõi và đánh giá nghiêm ngặt nên áp dụng đối với những người có các yếu tố nguy cơ, nhất là những người có nhiều yếu tố nguy cơ cùng lúc. Các biện pháp dự phòng bao gồm:

- Kiểm soát dinh dưỡng: gồm kiểm soát cân nặng sao cho BMI từ 18,5- 22,9 là vừa. Cân đối lượng thức ăn hàng ngày, cân đối tỷ lệ chất bột, chất thịt, chất mỡ trong bữa ăn; hạn chế rượu, thuốc lá; hạn chế ăn mặn ở người cao huyết áp...

- Hoạt động thể lực: ít hoạt động thể lực (coi ti vi, chơi vi tính cả ngày...) cũng là một yếu tố nguy cơ. Hoạt động thể lực trung bình (bộ nhanh, đạp xe, làm vườn...) và mạnh vừa (chạy, bơi, cuốc đất...) luôn được khuyến khích.

- Dùng thuốc: được dùng để phòng bệnh cụ thể do thầy thuốc chỉ định.

ĐTĐ týp 2 có thể phòng ngừa được. Việc áp dụng chế độ ăn uống, luyện tập... thích hợp từ khi còn là yếu tố nguy cơ sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ ĐTĐ một cách đáng kể.

BS. DƯƠNG PHƯỚC LONG
(Trung tâm Y tế Dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết