11/07/2009 - 21:16

Phim truyền hình Việt - Chạy theo hình thức, bỏ quên bản sắc

Bối cảnh sang trọng, phục trang hàng hiệu, diễn viên đẹp sành điệu, nhiều cảnh ăn chơi vũ trường… là tất cả những gì còn lại xốn xang trong lòng khán giả khi một bộ phim truyền hình Việt kết thúc. Dường như, các nhà làm phim đang dùng lớp vỏ ngoài lấp lánh để che lấp sự trống rỗng của nội dung.

Hoàng Lâm và Vân – người tình của Hoàng Lâm, ở tại văn phòng làm việc.
Nhiều nhà làm phim ra sức chăm chút về hình thức, bối cảnh đến mức gây phản tác dụng. Xem “Lập trình cho trái tim”, nhiều khán giả không khỏi “choáng” vì căn biệt thự của bố mẹ nhân chật chính Hoàng Lâm – vốn chỉ là những nhân viên văn phòng – lại có cả hồ bơi. Hay khi Hoàng Lâm và Vũ Vũ kết hôn, họ đã mua ngay một căn hộ cao cấp trị giá hàng tỉ đồng dù mới chỉ ra trường hơn một năm (!). Hay căn biệt thự bằng gỗ - bối cảnh chính của phim “Có lẽ nào ta yêu nhau” - xa hoa, lộng lẫy đến mức khó tin, lại thêm rất nhiều trường đoạn đặc tả nội thất hàng hiệu. Ngay cả trong bộ phim “rặt Nam bộ và nông dân” là “Hai Lúa lên đời”, người xem vẫn thấy những ngôi nhà được trang trí hết sức hiện đại, sành điệu.

Giữa bối cảnh xa hoa đó, các nhân vật trong phim luôn luôn là những người ăn mặc đẹp và sang trọng – dù họ có xuất thân nghèo khó và đang trong hoàn cảnh bi đát. Tiêu biểu như trong “Sóng gió thương trường”, nhân vật Diễm là bà mẹ đơn thân thất nghiệp, phải tạm trú trong ngôi nhà trọ tồi tàn. Thế nhưng, khoác trên người cô là những áo, váy hợp mốt của các nhãn hàng nổi tiếng. Hay An Khê trong “Tình yêu pha lê” là một cô gái tỉnh lẻ nghèo khó đoan trang, nhưng lại luôn mặc những chiếc đầm hai dây hàng hiệu. Còn trong “Có lẽ nào ta yêu nhau”, người ta không thể tin được nhân vật Nam An là một cô gái không cha, lớn lên từ tỉnh lẻ bởi trang phục của cô đẹp không thua các cô gái nhà giàu. Còn hàng loạt nhân vật khác là sinh viên, giáo viên, bác sĩ, công chức văn phòng... nhưng ăn mặc đẹp không kém người mẫu, ca sĩ. Các nhân vật này cũng có thói quen giải trí và giải sầu không khác các đại gia: đi vũ trường, uống rượu mạnh và nghỉ ngơi ở các resort cao cấp.

Xem phim, nhiều khán giả cứ ước ao giá như các nhà làm phim dành nhiều thời gian và tâm sức hơn cho nội dung kịch bản. Khán giả đã chứng kiến sự thoái trào của rất nhiều trào lưu phim Việt học theo các phim nước ngoài được ưa chuộng. Đó là loạt phim khai thác “tình- tiền- thù- hận” đặc trưng Thái Lan, đến mô-típ lãng mạn phi thực tế kiểu Hàn, rồi lọ lem và hoàng tử gốc Đài Loan, lại đến hài hước theo phong cách Âu Mỹ... Thế nhưng, phim Việt vẫn không tạo được dòng phim thần tượng như Đài Loan, Trung Quốc; cũng không lấy được nước mắt của người xem như phim Hàn Quốc và không đem đến nụ cười cho khán giả như phim Âu Mỹ. Nguyên nhân là tính cách nhân vật và tình tiết trong phim Việt nhạt nhòa, thiếu bản sắc, không thể thuyết phục khán giả. Các nữ nhân vật chính- được miêu tả là đáng thương và bất hạnh trong tình yêu- nhưng trên phim lại là những kẻ thứ ba đi tranh đoạt hạnh phúc của người khác. Tiêu biểu như Huyền Diệu trong “Cô gái xấu xí”, An Khê trong “Tình yêu pha lê”, Nhã Lan trong “Có lẽ nào ta yêu nhau”, Đan Thanh trong “Xin lỗi tình yêu”, Khánh Hà trong “Tôi là ngôi sao”... Còn các nhân vật nam thường là kẻ đào hoa đa tình, cứ chạy theo các cô gái đẹp như Gia Phước trong “Sóng gió thương trường”, Hoàng Hải trong “Tôi là ngôi sao”, Tiến Mạnh trong “Cô gái xấu xí”... Bên cạnh có, kịch bản phim Việt không đủ sức tạo nên những tình huống và cao trào khắc họa tính cách nhân vật. Nếu là phim có chủ đề tình yêu, thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là chuyện giận hờn, hiểu lầm, ghen tuông, cãi vã vặt vãnh kéo dài lê thê mấy mươi tập như “Một ngày không có em”, “Bỗng dưng muốn khóc”... Nếu là phim có chủ đề gia đình thì các nhân vật trong nhà đi ra đi vô, ăn cơm, nói chuyện, rồi cãi vã như “Mẹ chồng nàng dâu”, “Người đàn bà thứ hai”...

Có lẽ để che lấp sự trống rỗng về nội dung, phim Việt đang chạy theo một trào lưu khác: mua kịch bản từ nước ngoài rồi Việt hóa. “Gia đình phép thuật” (HTV9) có đạo diễn và cả biên kịch đều là người Hàn, “Cô nàng bất đắc dĩ” (VTV3) chuyển thể từ một phim Argentina, “Những người độc thân vui vẻ” (VTV3) có kịch bản gốc từ Trung Quốc... và hàng loạt “đứa con lai” khác chờ lên sóng như “Dù gió có thổi”, “Ngôi nhà hạnh phúc”... Một lần nữa khán giả thở dài tự hỏi: biết đến bao giờ phim Việt mới tạo nên bản sắc riêng?

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết