BẢO LAM
(Tổng hợp từ SCMP, Netflix, Hollywoodreporter)
Ðông Nam Á là thị trường tiềm năng của các nền tảng trực tuyến, nhất là các nội dung bản địa. Trong dữ liệu phân tích mới của Netflix thì phim kinh dị Ðông Nam Á đang có sức hút mạnh mẽ khán giả trong khu vực lẫn toàn cầu.
Dữ liệu phân tích tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Netflix cho thấy lượt xem phim kinh dị trên nền tảng này đã tăng đến 20% từ năm 2020 đến 2021. Theo đó, số giờ xem nội dung kinh dị ở Ðông Nam Á đã tăng vượt bậc đến hơn 40%. Vì sao phim kinh dị Ðông Nam Á lại có sức hút như vậy?
Các chuyên gia nhận định rằng phim kinh dị Ðông Nam Á thu hút người xem bởi có sắc thái riêng và đậm tính bản địa. Minh chứng là tác phẩm mới ra mắt gần đây của Thái Lan "School Tales the Series" (ảnh) chỉ trong tuần đầu ra mắt trên Netflix đã lọt vào Top 10 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất ở 4 thị trường Ðông Nam Á: Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. "School Tales the Series" có đến 8 câu chuyện hợp tuyển từ kho tàng văn hóa và dân gian của Thái Lan. Mỗi câu chuyện đều có màu sắc huyền bí riêng với những phong cách làm phim khác biệt. Loạt phim này do 6 đạo diễn thực hiện.
Malobika Banerji, Giám đốc nội dung của Netflix tại Ðông Nam Á, nói rằng sự đa dạng văn hóa và khả năng sáng tạo giữ vai trò quan trọng trong thành công gần đây của các phim sản xuất tại Ðông Nam Á. Ðây cũng là tiêu chí mà Netflix hướng tới khi lựa chọn phim để phát sóng. Theo đó, những câu chuyện từ văn hóa và đời sống tâm linh các quốc gia Ðông Nam Á có nhiều tiềm năng đề khai thác. Malobika Banerji phân tích trước đây những tác phẩm kinh dị trong khu vực đều bắt nguồn từ văn hóa dân gian, xoay quanh chủ đề về công lý đạo đức và sự trả thù, với niềm tin rằng mọi vật chất đều có linh hồn. Tuy nhiên, gần đây khán giả toàn cầu đã thấy những cái nhìn mới mẻ hơn. Những câu chuyện đã được khai thác đa dạng, sáng tạo hơn. Cụ thể như: "Ghost Lab", "Krasue: Inhuman Kiss" của Thái Lan đều có sự thay đổi trong cách thể hiện, tiếp cận khán giả, không chỉ có yếu tố kinh dị mà còn kết hợp yếu tố lãng mạn, hài hước, khoa học.
Khán giả Ðông Nam Á yêu thích các tác phẩm kinh dị từ nhiều nền công nghiệp phim ảnh: "All of Us Are Dead", "Kingdom: Ashin of the North" (Hàn Quốc), "Incantation" (Ðài Loan),"Blood Red Sky" (Ðức), "Don't Breathe 2", "The Texas Chain Saw Massacre", "Midnight Mass" (Mỹ) đều đạt được số lượt xem đáng kể ở khu vực. Tuy nhiên, họ vẫn thích những câu chuyện bắt nguồn từ nền văn hóa bản địa. Cụ thể tại Indonesia, "Impetigore" của đạo diễn Joko Anwar là phim kinh dị bản xứ được đánh giá cao, hay "Bóng đè" của Việt Nam cũng được người Việt yêu thích hơn. Loạt phim "Pee Nak", "The Medium" ở Thái Lan cũng tương tự, đều được người bản xứ thích hơn. Tất cả những câu chuyện này đều lấy cảm hứng từ truyền thuyết và văn hóa địa phương của chính quốc gia họ.
Bởi chất văn hóa bản địa đó, phim kinh dị Ðông Nam Á có sức hút với khán giả toàn cầu. Cụ thể như "The Medium" không chỉ có danh tiếng ở Thái Lan mà còn thống trị bảng xếp hạng Top 10 phim ở Singapore và Hàn Quốc ngay khi ra mắt trên Netflix vào năm 2021. Một phim Thái Lan khác là "The Whole Truth" cũng đã thống trị bảng xếp hạng Top 10 phim không nói tiếng Anh trên toàn cầu trong 5 tuần liên tiếp khi ra mắt vào tháng 12-2021. Những câu chuyện của Ðông Nam Á không chỉ dừng ở việc hù dọa mà còn là khai thác cả chiều sâu với nhiều lý giải về các vấn đề tâm linh, hiện tượng siêu nhiên. Ðằng sau những câu chuyện đó sẽ có nguyên nhân gây bất ngờ. Sức hút của phim kinh dị Ðông Nam Á ngày càng được biết đến qua nhiều tác phẩm như: "May the Devil Take You" (Indonesia), "Thiên thần hộ mệnh" (Việt Nam), "Roh", "Revenge of the Pontianak", "Munafik 2" (Malaysia), "Eerie", "Bliss" (Philippines)…