Ngày 24-2 theo giờ Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HÐBA LHQ) và Ðại hội đồng LHQ đã nhóm họp phiên đặc biệt để thảo luận về cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong khi đó, phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Binh sĩ Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Nytimes
Chiều 24-2, phát biểu tại cuộc họp HÐBA LHQ diễn ra nhân dịp 2 năm ngày bùng phát cuộc xung đột Nga - Ukraine, Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh “giờ là thời điểm thiết lập hòa bình, một nền hòa bình công bằng dựa trên Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Ðại hội đồng LHQ”. Ông Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự nguy hiểm của tình trạng xung đột leo thang và lan rộng. Ông nhấn mạnh, theo Hiến chương LHQ, mọi tranh chấp quốc tế phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tất cả các quốc gia cần kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kỳ thành viên nào khác.
Tại phiên họp đặc biệt về tình hình xung đột Nga - Ukraine của Ðại hội đồng LHQ sáng 24-2, Chủ tịch Dennis Francis bày tỏ quan ngại trước những thiệt hại và sự tàn phá sau 2 năm diễn ra xung đột. Theo ông, cuộc xung đột đang gây tác động trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực, năng lượng, đồng thời trở thành yếu tố quan trọng tái định hình bản đồ địa chính trị và địa kinh tế thế giới. Ông Francis cũng cảnh báo cuộc xung đột đang làm xói mòn nền tảng và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, phá vỡ sự cân bằng mong manh của các mối quan hệ quốc tế đúng vào thời điểm tinh thần đoàn kết, sự thống nhất và hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đa phương toàn cầu.
Trong khi đó tại Anh, Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố Luân Ðôn sẽ chi 245 triệu bảng (311 triệu USD) cho tới năm 2025 để tăng cường nguồn kho đạn pháo của Kiev. Anh đã cam kết chi hơn 8,8 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ tháng 2-2022.
Bộ Quốc phòng CH Séc cũng thông báo đã nhận được sự hỗ trợ từ Canada, Ðan Mạch và các quốc gia khác nhằm tài trợ mua gấp hàng trăm ngàn quả đạn pháo từ các nước thứ 3 để gửi đến Ukraine. Hồi tuần trước, Tổng thống CH Séc Petr Pavel đã đưa ra sáng kiến nhằm tìm nguồn cung ứng đạn dược từ các quốc gia khác để viện trợ khẩn cấp cho quân đội Ukraine. Theo ông, CH Séc đã tìm được nguồn cung cấp 500.000 quả đạn 155mm và 300.000 quả đạn 122mm có thể được giao trong vài tuần nếu nguồn tài trợ được đảm bảo. Truyền thông châu Âu đưa tin các quốc gia châu Âu cũng đang tìm cách huy động 1,5 tỉ USD tài trợ khẩn cấp để cung cấp đạn dược cho Ukraine theo sáng kiến của CH Séc.
Nguồn cung cấp đạn dược đã trở thành vấn đề quan trọng đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ukraine hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn đạn dược trầm trọng và đang nỗ lực tìm kiếm thêm viện trợ quân sự từ các nước phương Tây. Triển vọng có thêm viện trợ quân sự từ Washington, nhà tài trợ lớn nhất của Kiev, còn phải phụ thuộc vào cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ. Khi gói viện trợ quan trọng trị giá 60 tỉ USD của Mỹ bị đình trệ, sự hỗ trợ của châu Âu ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Ukraine. Ðầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý gói viện trợ mới trị giá 50 tỉ euro cho Ukraine.
Cũng trong ngày 23-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Ðan Mạch Mette Frederiksen đã ký thỏa thuận hợp tác an ninh song phương kéo dài 10 năm. Theo thỏa thuận được ký tại thành phố Lvov, miền Tây Ukraine, Copenhagen sẽ cung cấp 8,5 tỉ cho Kiev dưới dạng hỗ trợ quân sự và nhân đạo trong giai đoạn 2023-2028, bao gồm 1,8 tỉ euro viện trợ quân sự trong năm 2024.
Ðặc biệt, Ðan Mạch sẽ hỗ trợ những nỗ lực xây dựng và tăng cường các lực lượng không quân và phòng không - gồm phi đội máy bay chiến đấu F-16, an ninh trên biển, ra phá bom mìn, công nghệ máy bay không người lái - cũng như tiến trình phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Ðan Mạch là quốc gia đầu tiên ngoài Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ký thỏa thuận an ninh với Ukraine. Trước đó, Anh, Pháp và Ðức đã ký thỏa thuận tương tự với Ukraine. Tại Hội nghị An ninh Munich (Ðức) mới đây, Thủ tướng Ðan Mạch Mette Frederiksen thông báo quốc gia này sẽ tặng toàn bộ pháo đang có trong kho vũ khí cho Ukraine.
Giới chức Nga nhiều lần rằng cho rằng việc các nước phương Tây liên tục hỗ trợ các loại vũ khí sát thương cho Ukraine là “động thái thù địch” và chỉ làm kéo dài cuộc xung đột, đồng thời khẳng định hành động này sẽ không thể giúp Kiev lật ngược tình hình chiến sự hiện tại và ngăn cản Mát-xcơ-va đạt được các mục tiêu trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
TTXVN