* Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
Sáng 25-2, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến thăm, làm việc với Bộ Y tế và dự lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2).
|
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Ảnh: ĐINH XUÂN TUÂN - TTXVN. |
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Bộ Y tế, Tổng Bí thư đã nghe đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo kết quả ba năm ngành y tế thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị “Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới”, kết quả của công tác y tế năm 2007 và triển khai công tác năm 2008.
Phát biểu tại cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Y tế và tại lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúc tất cả các thầy thuốc và những người công tác trong ngành y tế một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành tích mới. Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra một số bất cập, yếu kém của ngành y tế trong thời gian qua. Đó là hệ thống y tế chậm đổi mới, chậm thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật. Chất lượng của dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân. Điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Năng lực sản xuất và cung ứng thuốc còn yếu, giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của nhân dân. Những việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ y tế chậm được khắc phục...
Sau khi chỉ ra những thách thức to lớn hiện nay đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, Tổng Bí thư nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong thời gian tới là: Phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch phát triển hệ thống y tế đến năm 2010 và những năm tiếp theo; tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng; triển khai mạnh mẽ các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh. Tổ chức chăm sóc thật tốt sức khỏe nhân dân, trước hết là cho những người nghèo, các đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân được chăm sóc y tế; giảm thiểu những khó khăn, phiền hà cho nhân dân. Tổng Bí thư nhắc nhở cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế; khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong các cơ sở y tế. Cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, công tác phát triển Đảng, nhất là đối với cán bộ y tế trẻ. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị ngành y tế cần tổ chức quán triệt và thực hiện thật tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vận dụng một cách sinh động và cụ thể cuộc vận động này nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong ngành, được xã hội thừa nhận.
* Ngày 22-2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Mục tiêu của Quy hoạch này là xây dựng và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2010 đạt tỷ lệ tối thiểu 20,5 giường bệnh/10.000 dân (trong đó có 2 giường bệnh tư nhân), đưa tổng số giường bệnh cả nước đạt 190.000 giường. Đến năm 2020, tỷ lệ tối thiểu là 25 giường bệnh/10.000 dân (trong đó có 5 giường bệnh tư nhân), đưa tổng số giường bệnh cả nước đạt 250.000 giường. Để đạt được mục tiêu này phải bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong hoạt động chuyên môn của từng tuyến và giữa các tuyến. Phát triển y tế phổ cập kết hợp y tế chuyên sâu, giữa y học hiện đại với y học cổ truyền.
Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh có đô thị loại I tập trung đầu tư cho các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tuyến cuối. Đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa tập trung đầu tư cả bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, bảo đảm thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh.
Nội dung Quy hoạch đề cập đến vấn đề tổ chức lại mạng lưới khám, chữa bệnh theo 3 tuyến: huyện (tuyến 1), tỉnh (tuyến 2) và tuyến Trung ương (tuyến 3). Đồng thời, tập trung đầu tư bốn trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội, Huế-Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Trong Quy hoạch này chỉ duy trì hoạt động phòng khám đa khoa khu vực thuộc địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà trạm y tế xã chưa đủ khả năng thực hiện được các kỹ thuật, dịch vụ khám, chữa bệnh thông thường. Trạm y tế xã tiếp tục được củng cố, đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, phấn đấu đến năm 2015, tất cả các trạm y tế xã trong cả nước đều đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc chú trọng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám, chữa bệnh, còn phải đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác khám, chữa bệnh và tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện Nhà nước theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh, khuyến khích mô hình khám chữa, bệnh tư nhân phát triển. Bảo đảm để các cơ sở bệnh viện Nhà nước, tư nhân đều bình đẳng nhau về mọi mặt.
ĐỨC LỢI - TTN (TTXVN)