Thanh long ruột đỏ được một số hộ dân ở xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai trồng từ năm 2012-2013, với số lượng khá ít, mỗi hộ chỉ vài chục gốc. Lúc đầu, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, với giá tương đối thấp. Đến năm 2014, trái thanh long ruột đỏ trồng tại xã được mang đi chào hàng thành công và ký kết cung ứng cho một số kho thu mua thanh long xuất khẩu của doanh nghiệp đặt tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ và huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, với giá bán khá cao. Từ đó, mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.
Hiệu quả cao
Nông dân ở xã Trường Xuân B chăm sóc vườn cây thanh long ruột đỏ.
Ông Đinh Văn Son, hộ dân trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên tại xã, hiện là Tổ trưởng tổ hợp tác trồng thanh long tại ấp Trường Khương A, cho biết: "Năm 2014, chỉ có khoảng 13 hộ trồng thanh long ruột đỏ, trồng nhiều nhất là gia đình tôi với khoảng 150 gốc (tương đương hơn 1 công), những hộ khác, mỗi hộ trồng chỉ khoảng 30-50 gốc vì sợ không có đầu ra. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm được doanh nghiệp xuất khẩu thu mua với giá khá cao và có nhu cầu thu mua với số lượng rất lớn, tôi và nhiều hộ dân tại xã đã quyết định mở rộng diện tích trồng. Đến nay, có gần 50 hộ dân trồng thanh long ruột đỏ, với diện tích khoảng 30 ha. Tôi đã trồng thanh long trên toàn bộ diện tích đất của mình là 1,5ha. Mỗi héc-ta đất trồng thanh long ruột đỏ có thể cho doanh thu trên dưới 1,5 tỉ đồng/năm, trừ đi chi phí, người trồng có thể kiếm lời trên 500 triệu đồng/năm". Ông Phạm Văn Chính, ngụ xã Trường Xuân B, có hơn 2ha trồng thanh long ruột đỏ, cho biết: "Nhờ trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu, thu nhập của nhiều hộ dân được cải thiện so với trước đây trồng lúa và có cơ hội vươn lên làm giàu. Hiện vườn thanh long của tôi có thể cho doanh thu khoảng 1,5-2 tỉ đồng/năm và giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động, với thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/người/ngày. Cây thanh long có thể có thu hoạch trái tới 10 vụ/năm, có thể xông đèn xử lý cho cây ra trái 2 vụ nghịch mùa/năm".
Thời điểm nghịch mùa, thanh long ruột đỏ được nông dân Trường Xuân B bán cho doanh nghiệp xuất khẩu với giá từ 50.000-70.000 đồng/kg, còn những lúc thuận mùa (khoảng tháng 3 đến tháng 9) giá ở mức khá tốt, từ 12.000-20.000 đồng/kg trở lên. Song, trồng thanh long xuất khẩu, đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn từ 350-400 triệu đồng/ha và phải áp dụng các kỹ thuật canh tác khá phức tạp, tốn nhiều nhân công chăm sóc để trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, muốn cây thanh long cho trái nghịch mùa bán giá cao, người trồng phải tiến hành xông đèn, chi phí cao.
Phát triển bền vững
Hiện nay, các khu vực trồng thanh long ở xã Trường Xuân B đã có hệ thống đê bao, thủy lợi khá hoàn chỉnh giúp người dân chủ động được nước tưới tiêu. Hệ thống đường giao thông nông thôn tại xã được đầu tư phát triển, thuận lợi cho người trồng thanh long vận chuyển hàng đến nơi tiêu thụ và thị trường đầu ra sản phẩm cũng đang khá tốt. Do vậy, cây thanh long ruột đỏ tại xã Trường Xuân B còn nhiều triển vọng để phát triển nếu được ngành chức năng quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là việc thiếu nguồn điện để phục vụ sản xuất.
Nông dân trồng thanh long ruột đỏ ở xã Trường Xuân B cho biết, hiện nay đường dây điện tại địa phương mới đáp ứng nhu cầu điện thắp sáng và sinh hoạt thông thường, công suất chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất để mỗi hộ dân có thể thắp hàng nghìn bóng đèn xử lý thanh long ra trái nghịch mùa. Anh Nguyễn Văn Đen có 6 công đất trồng thanh long ở xã Trường Xuân B, cho biết: "Giá điện tại địa phương được tính theo mức giá bậc thang của điện tiêu dùng, dùng càng nhiều thì giá càng cao và sẽ bị quá tải nên ngành điện không cho người dân dùng điện để xông đèn cho thanh long. Gia đình tôi rất mong ngành điện đầu tư đường điện 3 pha để đảm bảo công suất điện cho nông dân xông đèn cho thanh long và giá điện được tính theo giá điện sản xuất".
Theo ông Huỳnh Văn Lẹ, dù mới trồng 1ha thanh long từ năm 2017 nhưng đến năm 2018, ông Lẹ đã thu được 850 triệu đồng và mới 7 tháng đầu năm 2019 đã thu gần 400 triệu đồng. Ông cho biết từ nhiều năm nay, bà con đã kiến nghị ngành điện và các cấp chính quyền xem xét, hỗ trợ đầu tư hệ thống đường điện công suất lớn để phục vụ phát triển trồng thanh long tại địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hiện tại, chỉ có một vài hộ dân có điều kiện tự bỏ tiền để đầu tư đường điện 3 pha cho vườn thanh long của mình. Rất mong ngành điện và các cấp chính quyền quan tâm tháo gỡ khó khăn để giải quyết nhu cầu điện phục vụ sản xuất, giúp người dân tại xã Trường Xuân B có điều kiện phát triển cây thanh long ruột đỏ.
Theo Chủ tịch UBND xã Trường Xuân B Nguyễn Thành Tích, thời gian qua, xã đã tích cực phối hợp với Điện lực Thới Lai, cùng các ngành chức năng thúc đẩy đầu tư hệ thống điện phục vụ cho sản xuất thanh long ruột đỏ tại xã, nhưng việc thực hiện vẫn còn chậm. Điện lực Thới Lai đã khảo sát 30 hộ trồng thanh long tại xã nhưng mới chỉ có 1 hộ được lắp đặt điện kế phục vụ trồng thanh long, còn lại tự đầu tư hoặc phải chờ vốn. Trước tình hình này, xã rất mong các cấp thẩm quyền quan tâm hỗ trợ giải quyết kịp thời vướng mắc để bà con sớm có nguồn điện phục vụ trồng thanh long và được sử dụng điện một giá để giảm chi phí, nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bài, ảnh: Khánh Trung