01/11/2022 - 08:15

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ:

Phát triển thị trường KH&CN theo hướng đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập 

Những năm qua, thị trường KH&CN của TP Cần Thơ có sự chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành sàn giao dịch công nghệ ảo, qua đó các hoạt động giao dịch mua bán công nghệ thiết bị của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp được thuận tiện, nhanh chóng. Thành phố cũng đẩy mạnh kết nối cung cầu công nghệ thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu; chuyển giao công nghệ, thiết bị, sản phẩm KH&CN và đổi mới sáng tạo đến các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trao đổi với Báo Cần Thơ xung quanh vấn đề này, ông Ngô Anh Tín cho biết:

- Thị trường KH&CN của TP Cần Thơ thời gian qua từng bước được hình thành và phát triển rõ nét trên cơ sở phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật KH&CN, với hệ thống hơn 60 tổ chức KH&CN đang hoạt động, 14 tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 2 mạng lưới liên kết, 2 quỹ đầu tư và phát triển khởi nghiệp, 6 không gian hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung, điểm kết nối cung cầu công nghệ tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ trực tuyến (catex.vn).

Bên cạnh đó, thành phố cũng đầu tư, xây dựng mới một số cơ sở vật chất - kỹ thuật, phòng thí nghiệm không chỉ phục vụ nhu cầu của thành phố mà còn hỗ trợ cho cả vùng ÐBSCL. Trong đó, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng được đầu tư trở thành đơn vị dịch vụ về hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng đầu của khu vực; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đóng vai trò đầu mối trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới triển khai vào sản xuất và đời sống; Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực nông, thủy sản, cơ khí TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp.

Hoạt động kết nối cung cầu công nghệ tại một sự kiện do Sở KH&CN TP Cần Thơ tổ chức.

Trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022 tại TP Cần Thơ, Sở KH&CN thành phố phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức chợ Công nghệ, thiết bị chuyên ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch - Techmart Nông nghiệp 2022. Xin ông thông tin cụ thể về sự kiện này.

- Techmart Nông nghiệp 2022 diễn ra từ ngày 2 đến 6-11, với chủ đề Khoa học, công nghệ và Ðổi mới sáng tạo - Ðộng lực phát triển nông nghiệp bền vững. Sự kiện là dịp để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài nước giao lưu, gặp gỡ chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp. Ðây cũng sẽ là kênh thúc đẩy xúc tiến đầu tư, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các đơn vị có hoạt động KH&CN.

Techmart Nông nghiệp 2022 quy tụ 30 gian triển lãm, trưng bày trực tiếp và 20 gian trực tuyến tại địa chỉ khoahoccantho.vn với gần 140 công nghệ, thiết bị, sản phẩm chuyên ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, giải pháp công nghệ chuyển đổi số phục vụ phát triển nông nghiệp của 55 đơn vị đến từ TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trà Vinh, Ðồng Tháp... Nổi bật như máy sấy năng lượng mặt trời, hệ thống điều khiển từ xa 3 trong 1 TTP-D24 phục vụ tưới tiêu thủy lợi, máy bay không người lái 3 trong 1, máy cho cá ăn tự vận hành… Trong khuôn khổ sự kiện còn có khu vực trình diễn, tư vấn và chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ.

Trong khuôn khổ Techmart nông nghiệp 2022 còn diễn ra 2 hội thảo khoa học với chủ đề: Ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững; Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, các sản phẩm, ► Vậy, Sở KH&CN có những giải pháp gì để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN cũng như phát huy tốt vai trò trở thành trung tâm KH&CN của vùng ÐBSCL trong thời  gian tới, thưa ông?

- Cuối năm 2021, UBND TP Cần Thơ ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN TP Cần Thơ đến năm 2030. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN hằng năm tăng bình quân đạt 25%, trên 30% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 35% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước. Ðồng thời, hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: 3 tổ chức trung gian và 1 mạng lưới các tổ chức trung gian chuyên sâu cho 1 ngành hàng xuất khẩu chủ lực…

Sở KH&CN được UBND thành phố giao chủ trì thực hiện chương trình, chúng tôi đã bám sát các nhóm nhiệm vụ và giải pháp như xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN; tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN…

Bên cạnh đó, sở cũng đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường KH&CN thông qua các chương trình phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, nông dân. Ðồng thời, tăng cường tỷ lệ ứng dụng KH&CN vào sản xuất, phát triển thêm các vườn ươm công nghệ, các khu nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng các hoạt động hợp tác, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa TP Cần Thơ với các địa phương trong vùng…

Thành phố cũng kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ kết nối thị trường và thương mại hóa sản phẩm, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển KH&CN của TP Cần Thơ nói riêng và cả khu vực ÐBSCL nói chung thông qua các đề án, dự án như đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ, đề án thành lập Khu công nghệ cao Cần Thơ, sàn giao dịch công nghệ vùng tại TP Cần Thơ; sàn giao dịch ý tưởng và sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Tất cả những nỗ lực trên sẽ góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN của TP Cần Thơ và các tỉnh khu vực ÐBSCL phát triển theo hướng đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Xin cảm ơn ông!

            MỸ THANH (thực hiện) 

Chia sẻ bài viết