05/12/2010 - 22:13

Phát triển nông nghiệp - giải pháp chống đói nghèo cho châu Phi ?

Ưu tiên phát triển nông nghiệp có thể giúp châu Phi trở thành nhà xuất khẩu lương thực.
Ảnh: CNN

Châu Phi sẽ có thể tự cung tự cấp lương thực trong vài thập niên tới và sớm trở thành khu vực xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Đó là nhận định của Giáo sư Calestous Juma ở Đại học Harvard (Mỹ). Ông cho rằng các nhà lãnh đạo châu Phi nên lấy nông nghiệp làm trọng tâm phát triển kinh tế, giúp châu lục này mau thoát khỏi tình trạng chuyên phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu.

Trong hai ngày 2 và 3-12, lãnh đạo 5 nước gồm Tanzania, Kenya, Uganda, Rwanda và Burundi đã nhóm họp tại trụ sở của Cộng đồng Đông Phi (EAC) ở Tanzania để bàn về vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh lương thực của châu Phi. Tại đây, vị giáo sư gốc Kenya đã công bố một công trình nghiên cứu do ông làm trưởng nhóm nói về tiềm năng tự chủ lương thực của lục địa đen, được giới thiệu trong quyển sách có tựa đề The New Harvest (tạm dịch là Mùa thu hoạch Mới). Nghiên cứu được Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates tài trợ này khẳng định châu Phi có thể trở thành nhà xuất khẩu lương thực nếu kết hợp đồng bộ 3 yếu tố, đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa nông nghiệp và cải tiến kỹ thuật canh tác.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, cả thế giới hiện có gần 1 tỉ người bị thiếu ăn, trong đó châu Phi chiếm gần 24%. Trong khi sản lượng lương thực toàn cầu tăng khoảng 145% trong 40 năm qua, thì tại châu Phi lại giảm 10% - Giáo sư Juma cho biết. Và dù có đến 70% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp, số người bị thiếu ăn ở châu lục này vẫn tăng từ 100 triệu người hồi năm 1990 lên 250 triệu người. “Nạn đói tồn tại là bởi vì nhiều nước đầu tư rất ít cho lĩnh vực khuyến nông và phát triển nông thôn”, Tổ chức Lương Nông LHQ nhận định. Vì vậy, Juma cho rằng đã đến lúc lãnh đạo các quốc gia châu Phi cần thực thi các biện pháp có khả năng vừa giúp nâng cao sản lượng lương thực vừa phát triển kinh tế khu vực.

Theo Giáo sư Juma, để hiện đại hóa nền nông nghiệp, chính phủ các nước cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tại các vùng nông thôn. Thực tế cho thấy các ngành chức năng ở châu Phi hiện chỉ quan tâm phát triển đường sá ở thành thị hơn ở nông thôn, trong khi đây là cầu nối quan trọng để nông dân vận chuyển vật tư nông nghiệp và nhanh chóng đưa nông sản ra thị trường sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, mở rộng lưới điện về nông thôn cũng có ý nghĩa rất lớn bởi nó giúp nông dân có thể chế biến nông sản thành nhiều sản phẩm khác, như nước trái cây ép hoặc thực phẩm đóng hộp. Theo Grace Kimani, một nông dân từng công tác tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Kenya, nhiều nông dân chịu thiệt khi phải chứng kiến rau quả của mình hư hỏng do không kịp đem đi bán hoặc không có phương tiện để bảo quản. Điều đó vô tình tạo ra một nghịch lý đau lòng: nhiều người rơi vào cảnh thiếu ăn trong khi lương thực thì bị thối rữa. Vì vậy, phát triển mạng lưới kho chứa và các cơ sở chế biến nông sản cũng là yếu tố không thể bỏ qua.

Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp là một thành tố quan trọng có thể giúp châu Phi cải thiện sản lượng lương thực và thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu. Về mặt này, Giáo sư Juma đề nghị trồng thử nghiệm một số loại cây trồng biến đổi gien phù hợp với điều kiện ở châu Phi, chẳng hạn như bắp chịu hạn và cây bông vải kháng sâu bệnh. Ông còn cho rằng công nghệ có thể tạo thêm động lực cho cuộc cách mạng nông nghiệp. Hệ thống thông tin liên lạc hiện đại sẽ cho phép nông dân theo sát diễn biến giá cả thị trường cũng như tình hình thời tiết.

Nghiên cứu của Juma rất được George Mukkhath, Giám đốc Quỹ từ thiện Farm-Africa của Anh tại Đông Phi hoan nghênh. Ông Mukkhath khẳng định rằng nếu các nhà lãnh đạo châu Phi đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp theo các đề xuất trong nghiên cứu này, nông dân ở lục địa đen không chỉ sản xuất đủ lương thực cung cấp cho khu vực mà họ còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

THANH TRÚC (Theo BBC, CNN, AP)

Ưu tiên phát triển nông nghiệp có thể giúp châu Phi trở thành nhà xuất khẩu lương thực. Ảnh: CNN

Chia sẻ bài viết