10/05/2017 - 10:59

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

TP Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL và có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp với nhiều loại cây trồng chủ lực. Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm khoa học, kỹ thuật của vùng, thành phố đang đẩy mạnh phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho toàn vùng. Đây là những lợi thế lớn để thành phố tiến tới việc xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thu hút các doanh nghiệp vào tham gia đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Nhu cầu tất yếu

Xuất phát từ yêu cầu phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu và xu thế hội nhập, TP Cần Thơ đã xây dựng Đề án "Thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ" do Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Miền Nam là đơn vị tư vấn xây dựng. Mục tiêu tổng quát của Đề án là thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Theo quy hoạch, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ có tổng diện tích 244,17ha, đặt tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Trong đó, bao gồm các khu chức năng như: khu trung tâm; khu thu hút đầu tư sản xuất; khu vực chế biến, bảo quản, khu vực xử lý chất thải, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi)... Đơn vị tư vấn ước tính, tổng vốn đầu tư toàn khu trên 1.874,5 tỉ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 439,8 tỉ đồng, ngân sách thành phố trên 218 tỉ đồng; còn lại là vốn huy động từ doanh nghiệp.

Mô hình trồng chuối cấy mô xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ sẽ là nơi nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm, trình diễn và cung cấp sản phẩm giống công nghệ cao phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp của thành phố và vùng ĐBSCL, như: lúa, cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh, giống chăn nuôi và giống thủy sản, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và sản xuất các chế phẩm sinh học. Đồng thời du nhập công nghệ mới và ứng dụng để sản xuất các sản phẩm giống nông nghiệp có chất lượng và giá trị cao. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là nơi hình thành và phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; cung ứng các dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp kiêm Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Miền Nam, để Đề án triển khai thuận lợi, ở giai đoạn đầu cần thành lập Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trực thuộc UBND thành phố để đủ chức năng giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, thu hút mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Giai đoạn đi vào hoạt động ổn định, Ban Quản lý sẽ chuyển sang tự chủ 1 phần kinh phí và chuyển dần sang các mô hình quản lý phù hợp với tình hình thực tế.

Phân kỳ đầu tư hợp lý

Trong giai đoạn 2017-2020, Đề án "Thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ" tập trung chủ yếu vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phấn đấu mời gọi, hình thành và phát triển từ 5-10 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn 2021-2025 triển khai nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao các quy trình công nghệ và sản xuất đại trà giống cây-con, chủ yếu là lúa, rau, hoa, cây ăn trái, heo, bò, gà, vịt và thủy sản đặc sản. Theo các sở, ngành hữu quan của TP Cần Thơ, đơn vị tư vấn cần xem xét lựa chọn mô hình quản lý phù hợp đối với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong từng giai đoạn cụ thể. Cần tính toán suất đầu tư và khả năng thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Ông Đỗ Sỹ Khoa, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, cho rằng: Bên cạnh việc giải quyết bài toán mô hình, tổ chức quản lý của Khu nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao, trong quá trình hoàn thiện đề án, đơn vị tư vấn cần xác định cụ thể những nguồn thu từ hoạt động của Khu này để đảm bảo hiệu quả kinh tế, tiến dần đến việc tự chủ về tài chính, tạo nguồn thu cho ngân sách. Việc bố trí mặt bằng từng phân khu phải đảm bảo tính khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả vị thế và vai trò chức năng của toàn khu.

TP Cần Thơ có nhiều điều kiện để phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cung ứng cho vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Phòng Thí nghiệm nuôi cấy mô của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, khẳng định: Trong quá trình hoàn thiện Đề án, đơn vị tư vấn cần rà soát lại các sản phẩm chủ lực của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp của thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Đặc biệt, cần xem xét phân kỳ hợp lý các giai đoạn triển khai của Đề án để tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, địa phương và doanh nghiệp. Về lâu dài, đơn vị tư vấn có thể nghiên cứu, đề xuất hướng gắn kết với Vườn ươm Công nghệ, công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ để thu hút các doanh nghiệp ươm tạo thành công từ Vườn ươm vào phát triển các hoạt động sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp kiêm Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Miền Nam, việc phê duyệt thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP Cần Thơ là hết sức cần thiết, bởi Cần Thơ là 1 trong 10 địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao theo Quyết định số 575 "Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Do đó, việc xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao của TP Cần Thơ rất thuận lợi và sẽ có khả năng tranh thủ được các nguồn lực đầu tư từ Trung ương. Căn cứ vào yêu cầu phát triển của TP Cần Thơ, đơn vị tư vấn sẽ nhanh chóng chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Đề án để đầu tháng 6-2017, UBND TP Cần Thơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết