16/06/2009 - 20:12

Phát triển ngành thủy sản bền vững

Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam.
Ảnh: THANH TÂM

Thủy sản là một trong những ngành kinh tế đem lại kim ngạch xuất khẩu cao cho Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng thủy sản đã có mặt ở khoảng 160 thị trường trên thế giới. Sau khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mặt hàng thủy sản càng có điều kiện phát triển thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng gặp phải không ít thách thức từ việc áp dụng các qui định của WTO... Việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phát triển và tăng trưởng bền vững cho ngành thủy sản là rất cần thiết và cấp bách!

THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU THỦY SẢN

Năm 2008, xuất khẩu thủy sản đạt 4,5 tỉ USD với sản lượng trên 4,5 triệu tấn. Hiện nay, trong cả nước có khoảng 120.000 tàu thuyền nghề cá. Tổng diện tích sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản toàn quốc khoảng 1,1 triệu ha, với sản lượng (năm 2008) đạt 2,3 triệu tấn, trong đó cá tra, ba sa chiếm 1,3 triệu tấn, 450.000 tấn là tôm nước ngọt và lợ, còn lại là các mặt hàng thủy, hải sản khác. Trong các nước xuất khẩu thủy sản trên thế giới, Việt Nam được coi là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng thủy sản nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn1998-2008 đạt 18%/năm. Kể từ năm 2001, Việt Nam đã có tên trong nhóm 10 nước có xuất khẩu thủy sản mạnh nhất trên thế giới.

Hiện nay, hàng thủy sản Việt Nam chiếm 3,7% thị phần trên thế giới và 0,3% tổng kim ngạch của toàn thế giới. Theo qui ước, nhóm sản phẩm nào có thị phần cao hơn chỉ số này được coi là “vượt mức” tức là có đủ năng lực cạnh tranh. Ba khối thị trường chính của xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ và EU với khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra, hàng thủy sản Việt Nam cũng đang bắt đầu thâm nhập vào thị trường mới phát triển như: Đông Âu, Trung Đông, châu Mỹ...

Tôm đông lạnh và phi-lê cá tra, ba sa đông lạnh là hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực. Năm 2008, khối lượng của hai mặt hàng này là 832.382 tấn, chiếm 67,33% tổng khối lượng xuất khẩu thủy sản, với kim ngạch đạt 3.078 triệu USD, chiếm 75,84%. Trong đó, tôm đông lạnh đạt 191.553 tấn, trị giá hơn 1,6 tỉ USD, tăng 18,8% về khối lượng và 7,7% về giá trị so với năm 2007, chiếm 31,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này là Nhật Bản, Mỹ và EU. Năm qua, Nhật Bản là nhà nhập khẩu tôm Việt Nam với khối lượng 58.533 tấn, chiếm 30,56% với trị giá gần 499 triệu USD. Tuy sau vụ kiện chống bán phá giá tôm, thị phần tại Mỹ đã bị thu hẹp, nhưng thị trường này vẫn đứng ở vị trí thứ hai trong các nhà nhập khẩu tôm. Năm ngoái, thị trường này đã nhập khẩu 46.829 tấn (14,45%), trị giá 467,279 triệu USD.

Tiếp đến là cá, đây là nhóm sản phẩm nhiều năm nay trở thành thế mạnh trong xuất khẩu thủy sản. Đặc biệt, với sản phẩm cá tra và cá ba sa đã được người tiêu dùng không chỉ tại Mỹ ưa chuộng mà ngày càng thể hiện rõ ưu thế tại thị trường các nước trong khối EU. Trong năm 2008 khối lượng xuất khẩu mặt hàng này đã tăng 65,6% so với năm 2007, đạt hơn 640 tấn, trị giá trên1,4 tỉ USD.

Nhận định về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, ông Andun Lem, cán bộ Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng: “Việt Nam hiện nay không chỉ là một nước đi đầu trong xuất khẩu nông sản với các mặt hàng như cà phê, điều... mà đã trở thành 1 trong 4 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Tôi đánh giá cao về điều này và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc hỗ trợ kỹ thuật cũng như kinh phí để phát triển nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cho những nước khác”.

GIẢI PHÁP NÀO VƯỢT QUA THÁCH THỨC?

Vấn đề lớn nhất đối với sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam hiện nay là sự mất cân đối về nhận thức cũng như hành động của các thành phần khác nhau trong chuỗi giá trị. Nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản về cơ bản vẫn được đặt trong chế độ “tiếp cận tự do”, việc quản lý chỉ là hành vi mang tính đối phó từng vụ việc. Nuôi trồng tự phát đã đe dọa đến môi trường và sự phát triển bền vững, thông tin thị trường không thông suốt, thiếu mối liên kết giữa các thành phần trong chuỗi hệ thống, gây nên nhiều trở ngại trong xuất khẩu như: nhiễm bẩn sản phẩm, dư lượng kháng sinh...

Trong hệ thống bán lẻ thủy sản hiện nay chủ yếu thông qua các chợ thông thường. Ở đó, thủy sản được bán chung với rất nhiều loại thực phẩm khác. Cho đến nay chưa có một chợ bán buôn hay trung tâm đấu giá chuyên thủy sản, kể cả sản phẩm làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu để tiêu dùng trong nước. Chính những lý do trên nên ngành thủy sản đã không ít lần gặp phải những trở ngại trên những thị trường nhập khẩu.

Chưa kể, hệ thống tổ chức quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản còn tồn tại nhiều vướng mắc như trong vấn đề chậm trễ cập nhật các văn bản pháp quy để phù hợp với các thị trường xuất khẩu, hệ thống cán bộ phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu, quản lý hàng thủy sản chưa được thực hiện bài bản... cũng tạo nhiều khó khăn, thách thức trong xuất khẩu thủy sản.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp FAO cùng xây dựng dự án “Hành động quốc gia về phát triển bền vững ngành thủy sản sau khi gia nhập WTO giai đoạn 2010-2012” với sự tham gia của các chuyên gia, tư vấn trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững cho ngành thủy sản cần tập trung vào 3 nhóm chính: rà soát, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật, khả thi phù hợp với trình độ phát triển và vị trí của Việt Nam trong cộng đồng nghề cá thế giới, bảo đảm hài hòa với hệ thống hiệp định và cam kết quốc tế về phát triển nghề cá. Kế đến là tăng cường năng lực hệ thống quản lý, xây dựng chính sách và bảo đảm thi hành luật. Cuối cùng, đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác, liên kết các thành viên trong chuỗi giá trị bởi các mối liên kết này là cơ sở để thực hiện luật và các giải pháp quản lý...

Vùng ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng khá nhanh về diện tích nuôi tôm, cá tra, ba sa nên việc tìm ra các giải pháp cho sự phát triển bền vững là một vấn đề cấp bách. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Cần Thơ, diện tích nuôi thủy sản hơn 1.300 ha, với khoảng 980 ha diện tích mặt nước với 3 loại hình nuôi là thâm canh, nuôi cá địa phương và nuôi cá trên ruộng. Đặc biệt, diện tích nuôi cá tra có tốc độ phát triển nhanh nhưng người dân chủ yếu là nuôi tự phát, vùng nuôi chưa có qui hoạch tổng thể, nên người dân luôn phải chạy theo giá, tình trạng thua lỗ ngày càng nhiều, chưa kể môi trường cũng bị ô nhiễm.

Để tìm giải pháp cho sự phát triển ngành thủy sản bền vững, Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Để hướng đến sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, hiện nay ngành đang thí điểm và hướng người dân nuôi theo qui trình sạch (GAP, SQF), với chủ trương là sẽ xây dựng sản phẩm theo khung chất lượng, sản phẩm an toàn, giá thành thấp, chi phí sản xuất thấp sẽ đối phó được các loại giá thu mua mà khó có thể lỗ và an toàn cho môi trường nước”.

Với điều kiện tự nhiên và hạ tầng cơ sở chế biến, có thể khẳng định rằng Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng có khả năng và tiềm lực rất lớn để xuất khẩu thủy, hải sản. Tuy nhiên, cần phải tạo ra một mặt bằng tốt, hệ thống giá trị đồng đều cùng với hỗ trợ của khung pháp luật để phù hợp với pháp luật của các nước nhập khẩu thì mới mở đường cho xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam ra thế giới một cách bền vững.

Trong Hội nghị chuyên đề “Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020” vừa tổ chức vào tháng 5-2009, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: giải pháp phát triển chung cho ngành thủy sản là phải chú trọng chất lượng và giá trị, mở rộng hơn về diện tích và tổng sản lượng. Phát triển một số sản phẩm chủ lực như: các sản phẩm đặc sản bản địa; đồng thời rà soát lại các chương trình dự án, từ đó đưa ra các chương trình dự án mới. Bên cạnh việc mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, nuôi sinh thái; điều chỉnh quy mô sản xuất cá tra, tôm các loại theo nhu cầu thị trường, các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống chất lượng và sạch bệnh, bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất.

KHÁNH NAM

Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam. Ảnh: THANH TÂM

Chia sẻ bài viết