21/07/2021 - 06:26

Phát triển mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 

Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia phối hợp với Văn phòng đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Phát triển mạng lưới nghiên cứu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tại Việt Nam”. Bên cạnh việc đánh giá các kết quả thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) của Chính phủ, đây còn là dịp kết nối mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về KNĐMST tại các bộ, ngành, địa phương, viện, trường làm nền tảng cho việc phát triển hệ sinh thái KNĐMST quốc gia.

Các startup trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức.

Các startup trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức.

Sau 5 năm thực hiện, Đề án 844 đạt được những thành tựu đáng kể. Giai đoạn 2016-2020, Đề án 844 đã tiến hành tiếp nhận hơn 200 hồ sơ của các tổ chức tham gia thực hiện nhiệm vụ, tổ chức tuyển chọn 59 đơn vị chủ trì và 56 đơn vị phối hợp có năng lực, kinh nghiệm để triển khai 94 nhiệm vụ của đề án trên toàn quốc. Đến nay, nền tảng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã từng bước hình thành. Trong đó 53 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, chương trình, đề án triển khai Đề án 844 sử dụng nguồn ngân sách địa phương; hơn 300 sự kiện về khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức hằng năm…

Các trường đại học, cao đẳng là nền tảng lý tưởng và hội đủ nhiều điều kiện để hỗ trợ hoạt động KNĐMST: cơ sở vật chất, người cố vấn, người đồng sáng lập… Vì vậy, nhiều trường đã mạnh dạn dành riêng cơ sở vật chất, nhân lực, thậm chí cả tài trợ cho hoạt động KNĐMST. Điển hình là Trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp (CSIE) thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Đây là tổ chức đầu tiên thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo vì xã hội trong các trường đại học của Việt Nam. GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết: Hoạt động của CSIE ghi dấu ấn với 3 lĩnh vực: nghiên cứu, giáo dục và ươm tạo. Trong đó, CSIE thực hiện sứ mệnh hướng dẫn nghiên cứu, xây dựng đội ngũ nghiên cứu toàn cầu; kết nối mạng lưới học giả Việt Nam về đổi mới xã hội và khởi nghiệp sáng tạo. Về đào tạo, CSIE có vai trò đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới toàn quốc người đào tạo tiêu chuẩn, giảng viên, cố vấn. Mặt khác, CSIE hoạt động như một trung tâm ươm tạo sáng tạo cho xã hội và doanh nghiệp tác động xã hội thông qua việc cung cấp không gian làm việc chung, cung cấp dịch vụ hỗ trợ…

Thực tế cho thấy, phong trào khởi nghiệp nước ta đã lan rộng và mang lại hiệu ứng khá tích cực. Song, các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST nhiều lúc, nhiều nơi vẫn hoạt động riêng lẻ, tính kết nối chưa cao và chưa huy động được sức mạnh của tất cả các thành phần vào cuộc. Vì vậy, vấn đề liên kết và tạo mạng lưới về KNĐMST là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ trong năm nay là xây dựng một mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta cần xây dựng một nền tảng mới, cách làm mới. Mọi người tham gia mạng lưới này đều tự tìm thấy lợi ích và tự tương tác, chứ không phải kết nối mang tính hành chính. Hội thảo này nhằm liên kết giữa những người ở những khu vực khác nhau, trình độ khác nhau nhưng có cùng tâm huyết và mục đích giống nhau để tạo nên một mạng lưới kết nối KNĐMST quốc gia; đồng thời, xây dựng quy chế mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Để phát triển mạng lưới nghiên cứu về KNĐMST, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ KNĐMST tham gia nghiên cứu về KNĐMST và vận dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn hoạt động về KNĐMST tại các viện, cơ sở giáo dục, đào tạo, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương…

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, dịch bệnh COVID-19 hoành hành thì việc làm việc qua nền tảng online càng phát triển và không thể thiếu trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. TS Đỗ Anh Đức, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đề xuất: Chúng ta phải xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu bởi đây là yếu tố cần phát triển để KNĐMST. Hệ cơ sở dữ liệu này là nơi mọi thành phần trong mạng lưới đổi mới sáng tạo (nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, startup…) đều có thể được tiếp cận, được chia sẻ và phục vụ cho việc nghiên cứu về khởi nghiệp. Mặt khác, Chính phủ nên mạnh dạn đầu tư hoặc cùng tham gia đầu tư với các tổ chức đầu tư tư nhân. Bởi cách làm này sẽ thu hút thêm được nguồn vốn lớn từ tư nhân cho KNĐMST; đồng thời tận dụng được kiến thức và kinh nghiệm của các nhà đầu tư tư nhân cho phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hệ sinh thái KNĐMST. Vì vậy, các nhiệm vụ của Đề án 844 trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là năm 2021 và 2022 được thiết kế trọng tâm vào các vấn đề chính. Đơn cử, triển khai tích cực các nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025, hướng tới hình thành và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, phát triển mạng lưới KNĐMST quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khuyến khích phát triển các nền tảng kết nối, đổi mới sáng tạo nhằm khai thác có hiệu quả sự phát triển của khoa học và công nghệ; ưu tiên các dự án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; huy động tối đa sự sáng tạo và nguồn lực từ khu vực tư nhân hỗ trợ, đầu tư, triển khai các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia… Như vậy, với sự linh hoạt, uyển chuyển trong tình hình mới, việc thực hiện Đề án 844 được kỳ vọng đưa hoạt động KNĐMST quốc gia lên tầm cao mới trên nền tảng tận dụng lợi thế từ công nghệ 4.0 và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết