04/03/2012 - 09:33

Ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ:

Phát triển hạ tầng giao thông thành phố hiện đại, bền vững

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg (ngày 10-2-2012) phê duyệt Qui hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, TP Cần Thơ được xem là trung tâm phát triển hệ thống giao thông của vùng, kết nối với các địa phương. Phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ xung quanh việc đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

* Hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông của TP Cần Thơ ra sao, thưa ông?

- TP Cần Thơ hiện có đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển, hàng không để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Một số công trình giao thông do Trung ương quản lý đã hoàn thành như: nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 (QL), cầu Cần Thơ, đường Nam Sông Hậu góp phần kết nối hệ thống giao thông trung tâm vùng ĐBSCL, phục vụ nhu cầu vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng. Hệ thống đường tỉnh do thành phố quản lý từng bước được đầu tư hoàn chỉnh theo qui hoạch. Trong đó, một số công trình trọng điểm đã cơ bản hoàn thành, như: đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn; đường nối thị xã Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) với TP Cần Thơ giai đoạn 1... Bên cạnh đó, tuyến đường nối các cụm kinh tế - xã hội, trung tâm hành chính quận, huyện được đầu tư xây dựng hoàn thành. Từ đó, hình thành hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối hệ thống QL với hệ thống đường tỉnh, đường quận, huyện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các cảng như: Hoàng Diệu, Trà Nóc, Cái Cui... hoạt động hiệu quả, góp phần phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa của TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ có đường hạ cất cánh dài 3.000m rộng 45m có thể tiếp nhận các loại máy bay B777, B747...; nhà ga hành khách công suất 3 triệu lượt khách/năm với trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn phục vụ hành khách quốc tế. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông trên địa bàn vẫn chưa phát triển đồng bộ. Các tuyến QL 91, QL 80 qua địa bàn thành phố đã xuống cấp, quá tải. Vẫn còn một số tuyến đường tỉnh (ĐT) có qui mô cấp thấp (ĐT 917, ĐT 918, ĐT 923- đoạn Ba Se- Phong Điền) cần được nâng cấp mở rộng; một số cầu trên tuyến ĐT 926, ĐT 922 được xây dựng đã lâu, tải trọng thấp cần được đầu tư mới để khai thác đồng bộ với phần đường. Ngoài ra, luồng cho tàu lớn trên 5.000DWT ra vào sông Hậu cũng là vấn đề bức xúc hiện nay của Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL.

* Như vậy, theo ông trong năm 2012 này, cần ưu tiên đầu tư, xây dựng những công trình giao thông trọng điểm nào?

Tuyến đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc cơ bản hoàn thành. Ảnh: TUYẾT TRINH

- Năm 2012, Sở GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình chuyển tiếp đưa vào khai thác sử dụng. Bên cạnh đó, đề xuất tạm thời dừng, giãn các dự án chưa cần thiết theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Năm 2012 chỉ khởi công các công trình cấp bách, có ý nghĩa quan trọng, như: cầu Càng Đước, cầu Ông Hào trên ĐT 926, tuyến Thới Thuận - Thạnh Lộc (dự án WB5) kết nối trung tâm phường Thới Thuận và xã Thạnh Lộc. Song song đó, tập trung chỉ đạo thực hiện một số công trình trọng điểm, gồm: mở rộng QL 91 (đoạn ngã tư Bến xe đến Trà Nóc), mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui. Hoàn thành thủ tục để chuẩn bị cho việc triển khai đầu tư các dự án mới trong thời gian tới, như: ĐT 921 (đoạn chỉnh tuyến Thốt Nốt - cầu Ngã Tư), đường nối thị xã Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) với TP Cần Thơ - giai đoạn 2. Lập dự án đầu tư xây dựng thêm một đơn nguyên cầu Quang Trung (cặp cầu hiện hữu) và xin chủ trương bố trí vốn thực hiện dự án đoạn vòng xoay cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui (giai đoạn 2) để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến cảng Cái Cui xuất khẩu đi các nước, phục vụ xây dựng đô thị và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Ngoài ra, Sở tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư và thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BT các dự án: ĐT 917, ĐT 918, ĐT 923 (đoạn từ Phong Điền - Ba Se - QL 91); đăng ký danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT: tuyến nối QL 91 với đường Nam sông Hậu, cầu qua cù lao Tân Lộc.

* Hiện thành phố còn nhiều dự án tiến độ thi công chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Theo ông, những bất cập nào trong quá trình đầu tư, xây dựng cần giải quyết để đẩy nhanh tiến độ dự án?

- TP Cần Thơ với đặc thù là vùng sông nước, hệ thống sông, rạch chằng chịt. Vì vậy, khi xây dựng các tuyến đường phải đồng thời xây dựng rất nhiều cầu, cống. Có địa hình tương đối thấp, nền đất yếu nên việc xử lý nền móng công trình phức tạp. Một số trường hợp phải đắp gia tải dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thi công công trình. Nguồn vật liệu chính phục vụ xây dựng, như: đá, cát, nhựa đường... ngày càng khan hiếm làm giá thành xây dựng công trình cao và việc triển khai đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn hơn so với các khu vực khác.

Ngoài ra, chính sách và cơ chế đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều bất cập. Quá trình giải quyết các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, trình tự thủ tục nhiều và phải qua nhiều khâu, việc điều chỉnh giá lúng túng và chưa nhất quán... làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Công tác giải phóng mặt bằng, các dự án xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng tiến độ phục vụ triển khai các dự án. Nhu cầu vốn đầu tư lớn, nhưng nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, kết quả kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong thời gian qua chưa đạt yêu cầu.

Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án, cần giải quyết dứt điểm những hạn chế, yếu kém trên. Sở GTVT sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố trong xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; đảm bảo giao thông liên hoàn, thông suốt cả về đường bộ, đường sông, đường biển và hàng không. Các quy hoạch của ngành giao thông vận tải thành phố phải đồng bộ với quy hoạch của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL để đảm bảo kết nối hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý qui hoạch, đẩy nhanh công tác rà soát, điều chỉnh và lập mới các qui hoạch phát triển ngành. Trên cơ sở các qui hoạch sẽ đưa ra định hướng chung để tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, để đạt kết quả như kế hoạch đề ra rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương trong lập qui hoạch, quản lý qui hoạch và rót kinh phí đầu tư, xây dựng các công trình, dự án theo danh mục Quyết định 366/QĐ-TTg (ngày 20-3-2009) của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện NQ 45 của Bộ Chính trị; QĐ 638/QĐ-TTg (28-4-2011) về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2015... Khi hạ tầng giao thông thành phố kết nối liên vận với nội vùng sẽ thúc đẩy kinh tế- xã hội toàn vùng phát triển lên tầm cao mới.

* Xin cảm ơn ông!

Tuyết Trinh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết