15/01/2022 - 11:02

Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông an toàn, thông suốt 

Với tinh thần quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn, ngành Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ triển khai đồng bộ giải pháp và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021. Xác định phát triển nhanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm 2022, ngành GTVT thành phố triển khai hiệu quả, kịp thời nhiều dự án giao thông trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Hoàn thành "mục tiêu kép"

Công trình cầu Vàm Xáng, huyện Phong Điền.

Công trình cầu Vàm Xáng, huyện Phong Điền.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, Sở phối hợp tham mưu UBND thành phố hoàn thành công tác lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn về lĩnh vực GTVT giai đoạn 2021-2025 với danh mục 18 dự án đã được HĐND thành phố phê duyệt. Trong năm vừa qua, Sở GTVT thành phố được UBND thành phố giao thực hiện chuẩn bị đầu tư 16 dự án GTVT, đã có 13 dự án được HĐND và UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó có 8 dự án giao thông trọng điểm, gồm: dự án Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 đến quốc lộ 61C); dự án Đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923; dự án cầu Cờ Đỏ trên đường tỉnh 919, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ; dự án cầu Tây Đô; dự án trục đường hẻm 91 (đoạn Long Tuyền - đường Vành đai phía Tây TP); dự án Nâng cấp, cải tạo 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn thành phố; dự án Đầu tư xây dựng đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang và dự án Nâng cấp, mở rộng đường nối TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ (đoạn thuộc TP Cần Thơ). Về công tác giải ngân các dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025, đã giải ngân hơn 78 tỉ đồng, đạt 90% kế hoạch vốn năm 2021.

Năm 2021, UBND TP Cần Thơ giao gần 81 tỉ đồng, thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, đảm bảo giao thông các tuyến đường tỉnh, đường thủy nội địa do Sở GTVT thành phố quản lý. Đến ngày 31-12-2021, các công trình đã hoàn thành đúng theo tiến độ đề ra và tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp giao thông và bảo trì đường bộ đạt trên 95%. Phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố, năm 2021, đã xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa hơn 285km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 193 cây cầu với tổng kinh phí hơn 450 tỉ đồng. Ngoài ra, Sở GTVT thành phố thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng kịp thời phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở GTVT thành phố chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức các chốt kiểm soát dịch, huy động xe ô tô và lái xe để hỗ trợ, phục vụ vận chuyển công tác phòng, chống dịch của thành phố. Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức giao thông, hướng dẫn chi tiết các hoạt động vận tải đáp ứng theo từng giai đoạn, từng mức độ, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. 

Đảm bảo tiến độ dự án

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, cho biết: Ngành GTVT thành phố phấn đấu đảm bảo tiến độ triển khai các dự án theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn ngành GTVT giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND thành phố phê duyệt. Bên cạnh đó, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng đối với 3 dự án đang được UBND thành phố giao thực hiện đề xuất chủ trương đầu tư. Bao gồm: dự án đầu tư xây dựng đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang; dự án đầu tư xây dựng 14 bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu - điểm cuối xe buýt; dự án nâng cấp, mở rộng đường nối TP Vị thanh, tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ (đoạn thuộc TP Cần Thơ). Đồng thời, phấn đấu khởi công và thực hiện đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ thực hiện trên 90% theo kế hoạch đề ra đối với 13 dự án đã được HĐND và UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2021. Ngành GTVT thành phố tiếp tục tham mưu công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án giao thông, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Qua đó, thúc đẩy các loại hình hoạt động vận tải phát triển, đặc biệt là phục vụ vận chuyển, lưu thông hành khách, hàng hóa an toàn, thuận lợi, đáp ứng trong tình hình mới…

Các dự án chuẩn bị triển khai trên địa bàn thành phố sắp tới đều là các công trình lớn, trọng điểm của thành phố. Các công trình khi hoàn thành sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng, góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Do vậy, các đơn vị liên quan, UBND quận, huyện nơi có dự án đi qua quyết tâm cùng ngành GTVT thành phố đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng - khâu quan trọng trong triển khai các dự án.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Trong năm 2022, có nhiều dự án trọng điểm của thành phố trên địa bàn huyện, gồm: dự án cầu Tây Đô; dự án nâng cấp và mở rộng đường tỉnh 923, Đường Vành đai phía Tây. Huyện cam kết hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải và Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phối hợp, hỗ trợ huyện kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đảm bảo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Tấn Chương, Giám đốc Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ - Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: Đơn vị sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công các dự án. Đồng thời phối hợp với Ban quản lý dự án, Trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện và chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu: Trong năm 2022, Sở GTVT thành phố quan tâm triển khai có hiệu quả, kịp thời các dự án đã được HĐND thành phố thông qua và UBND thành phố phê duyệt. Khi giao cho chủ đầu tư, cần xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm để kiểm soát tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Ngành GTVT thành phố thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông, đảm bảo an toàn, thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa. Trong đó, đối với các tuyến đường do Sở GTVT quản lý, có kế hoạch triển khai kịp thời. Các đoạn, tuyến thuộc quận, huyện quản lý, Sở GTVT có văn bản kiến nghị với địa phương thực hiện. Riêng những tuyến thuộc Bộ GTVT quản lý, Sở GTVT kịp thời tham mưu UBND thành phố có kiến nghị Bộ để có kế hoạch triển khai…

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết