26/08/2009 - 22:09

Đồng bằng sông Cửu Long

Phát triển cây ăn quả đặc sản còn thiếu bền vững

Các nhà khoa học cho rằng, đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chưa có giống cây ăn quả nhập nội nào vượt trội hơn giống bản địa về chất lượng. Tuy nhiên, do diện tích trồng manh mún và khó nhân rộng, nên giá cả của những loại trái cây đặc sản này đôi khi nhỉnh hơn trái cây nhập nội. Công tác bảo quản, đóng gói, bao bì, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng… còn nhiều bất cập. Công tác lai tạo giống bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trong khi đây là khâu đột phá để nhân rộng diện tích. Do vậy, rất cần có các công trình nghiên cứu khoa học về chủng loại cây ăn quả một cách dài hơi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Còn nhiều bất cập

Từ những năm 1990, diện tích cây ăn quả (CAQ) ở Nam bộ tăng nhanh, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Hiện nay, diện tích trồng CAQ bản địa chiếm 70-80% so với giống cây nhập nội, nhưng diện tích trồng manh mún, chưa phân bố đều ở các địa phương. Thêm vào đó, công tác lai tạo giống chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của diện tích trồng toàn vùng. Hơn 15 năm thành lập, Viện Nghiên cứu CAQ miền Nam đã tiến hành thu thập giống CAQ bản địa, lai tạo, bình tuyển, phục tráng các giống cây. Đến nay, Viện được Bộ NN&PTNT công nhận 6 giống CAQ và 33 cây đầu dòng của hầu hết các chủng loại đang trồng phổ biến ở Nam bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu CAQ miền Nam, nói: “Những loại trái cây đặc sản như: sầu riêng Ri6, 9 Hóa, xuồng cơm vàng, thanh long, măng cụt... tại ĐBSCL còn trụ vững 10-15 năm nữa, bởi công tác lai tạo giống mới tốn nhiều thời gian và để có cây giống ngon, chất lượng cao hơn giống bản địa phải mất 18-20 năm”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, ở một số nước như: Nhật, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc thời gian lai tạo giống CAQ cũng mất 18-20 năm. Hiện nay, một số loại trái cây xuất khẩu của những quốc gia này đều là giống bản địa. Cụ thể Thái Lan đã lai tạo giống sầu riêng, chôm chôm nhưng không thương mại hóa được do những giống mới này không có mùi; Malaysia (với các loại cây đu đủ, khóm, sầu riêng) cũng tương tự như Thái Lan; Trung Quốc trong 10 năm gần đây chưa có nhiều giống CAQ lai tạo... Tuy nhiên, những quốc gia này, công tác giống được thực hiện rất bài bản, chỉ có một Viện nghiên cứu và dưới viện là các trung tâm trực thuộc, chịu trách nhiệm nghiên cứu từng loại giống cụ thể. Còn tại Việt Nam có đến 2 viện nghiên cứu và việc phê duyệt đề tài lai tạo giống CAQ quá ngắn (5 năm) trong khi chương trình lai tạo cần 18-20 năm để ra giống mới.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu (người đứng bên phải) trao đổi với đại biểu tại hội thảo  “Tăng hiệu quả sản xuất trái cây” ngày 25-8-2009. 

Mặt khác, bản quyền nghiên cứu cũng chưa được tôn trọng và kiểm soát chặt chẽ nên không khuyến khích nhà tạo giống. Chẳng hạn như giống thanh long ruột đỏ Long Định 1, Viện Nghiên cứu CAQ miền Nam mất 11 năm dài thu thập cây đầu dòng, lai tạo, bình tuyển giống và đến khi được Bộ NN&PTNT công nhận giống tạm thời (năm 2005) thì giống đã được trồng đại trà trong dân. Với đặc tính dễ trồng và trong quá trình thí điểm mô hình tại hộ dân, nhiều nhà vườn phát hiện được cây trồng chất lượng, đang có giá trên thị trường nên lén lấy giống đem về trồng.

Có thể nói, hiệu quả trong phát triển sản xuất trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL chưa cao và thiếu tính ổn định. Ngoài bất cập trong lai tạo, nhân giống, sự thiếu liên kết của nhà vườn cùng với qui hoạch thiếu đồng bộ... ở các địa phương đã trở thành “lực cản” cho sự phát triển diện tích CAQ cũng như xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam.

Đảm bảo tính bền vững

Từ đầu năm 2009 đến nay, Việt Nam xuất khẩu CAQ đạt khoảng 270 triệu USD và nhập khẩu 160 triệu USD. Trái cây Việt Nam vẫn đang xuất siêu, nhưng do diện tích trồng manh mún, chưa có vùng nguyên liệu tập trung nên sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng. Theo tính toán của Viện nghiên cứu CAQ miền Nam, trong sản xuất, lưu thông trái thanh long, người nông dân chỉ được hưởng 3,75% trên giá trị sản phẩm, người đóng gói 5,71%, nhà xuất khẩu 8% và đến 80% là của người vận chuyển, nhà phân phối.

Mặt khác, giống sạch, chất lượng trên thị trường hiện không đáp ứng nhu cầu của nhà vườn, nhiều người trồng rồi chặt, không thu hoạch được trái do cây trồng được vài năm đã bệnh, héo rũ, nhất là cây có múi. Những bất cập này cũng làm nản lòng nhà vườn, nên điệp khúc “trồng rồi chặt” hay “mất mùa được giá” luôn nóng bỏng trong những năm gần đây ở ĐBSCL. Ông Lê Văn Bảy ở ấp An Lạc, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè (Tiền Giang) nói: “Tôi có 15 công đất trồng cam sành từ năm 1982 đến nay, nhưng vì bệnh vàng lá gân xanh, tôi chặt cây trồng lại không biết bao nhiêu lần. Tám năm qua, tôi trồng ổi xá lỵ xen cam trên 5 công đất để thử nghiệm và cây ổi có thể làm hạn chế sự sinh trưởng của con rầy chổng cánh- tác nhân chính gây bệnh vàng lá gân xanh. Hằng năm, 5 công đất trồng cam xen ổi này cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Được sự giúp đỡ của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu CAQ miền Nam, tui đang mở rộng diện tích trồng cam xen ổi”. Theo ông Bảy, dù thành công với mô hình cam xen ổi và được các nhà khoa học trong, ngoài nước đánh giá cao, đầu ra của trái cam cũng ổn định. Tuy nhiên, sản lượng trái hằng năm của vườn ông chỉ 6-11 tấn, ông muốn sản phẩm của mình vươn xa hơn và có thương hiệu hẳn hoi, nên vận động nhà vườn trong khu vực tham gia nhưng chẳng ai hưởng ứng. Lẽ đó, nhiều khách hàng đặt số lượng lớn, ông đành từ chối, không dám nhận, vì không đủ sản lượng cung cấp.

Tại hội thảo “Tăng hiệu quả sản xuất trái cây” do Hội giống cây trồng Nam bộ tổ chức mới đây ở Tiền Giang, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, Phó Chủ tịch Hội giống cây trồng Nam bộ, cho rằng: “Cần có đề tài nghiên cứu chuỗi ngành hàng và thương hiệu cho trái cây Việt Nam. Mặt khác, cần tôn vinh những người làm vườn có công phát hiện và gìn giữ những cây đầu dòng tổ tiên đặc sản. Tăng cường liên kết “4 nhà” đảm bảo cho người trồng cây ăn trái gắn bó chặt với mảnh vườn của mình. Trên cơ sở đó, qui hoạch vùng trồng, dựa vào lợi thế của từng địa phương để phát triển loại giống phù hợp. Tuy nhiên, các địa phương cần thống nhất các phương án liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng”. Một số nhà khoa học cũng đồng tình với nhận xét của Tiến sĩ Lê Văn Bảnh và cho rằng, lâu nay công tác lai tạo giống chỉ phục vụ qui hoạch tổng thể chung mà chưa tính đúng, tính đủ và có đánh giá xác thực về đặc điểm sinh thái của từng tiểu vùng để chọn cây trồng phù hợp. Một vị tiến sĩ nêu quan điểm: Trái thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ, EU... và hiện được trồng ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, nhưng vì sao 3 địa phương này không ngồi lại với nhau để tính toán, đưa ra qui trình sản xuất hợp lý. Khi đã có sự thống nhất chung thì việc xây dựng thương hiệu sẽ dễ dàng hơn, có thương hiệu, sản xuất đúng qui trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là “giấy thông hành” để trái cây Việt Nam, ĐBSCL vươn xa trên trường quốc tế. Do vậy, công tác lai tạo không chỉ là chuyện của nhà khoa học về CAQ mà phải có sự tham gia của nhà bảo vệ thực vật, địa chất, khí hậu...

Làm thế nào để trái cây Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng phát triển ổn định và bền vững? Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu CAQ miền Nam cho rằng, cần phải giải quyết từ gốc: công tác lai tạo, chọn giống và qui hoạch vùng trồng, đồng thời hỗ trợ nhà vườn trong sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường khó tính. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho công tác nghiên cứu giống thời gian qua không đáp ứng nhu cầu, Viện cần được cấp 2-3 tỉ đồng/năm trong ít nhất 10 năm thì mới ổn định công việc lai tạo giống đến năm 2020. Nguồn kinh phí này để thực hiện đề tài nghiên cứu cải tiến một vài đặc tính của giống bản địa đặc sản chất lượng cao như: vỏ mỏng (xoài cát Hòa Lộc), nhiều hạt (quýt, cam sành), sầu riêng mẫn cảm với bệnh hại... Tại ĐBSCL cần phát triển những loại đặc sản như: xoài, nhãn, chôm chôm, cây có múi (cam, bưởi, quýt), thanh long, dứa Queen, dứa Cayenne, chuối. Để phát triển, Bộ NN&PTNT cần ưu tiên kinh phí thực hiện cho vùng, còn đối với một số loại như vú sữa, sơ ri (trồng ở Tiền Giang)... có thể tỉnh sẽ đầu tư. Có hướng giải quyết đồng bộ mới tháo gỡ những bất cập và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết