09/06/2015 - 21:16

Phát huy vai trò “đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, TP Cần Thơ tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Trong đó, thành phố đề ra nhiều chính sách thu hút, mời gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại 36 xã XDNTM. Nỗ lực này đã mang lại những kết quả bước đầu. Song để DN tích cực chung sức XDNTM rất cần những chính sách, sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế từ phía Nhà nước, hài hòa lợi ích các bên khi tham gia XDNTM...

Những chuyển biến

 Niềm vui của người dân trong ngày khánh thành 5 cây cầu nông thôn trên địa bàn xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh.

Thực hiện Kế hoạch số 62/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về phát động phong trào thi đua “Cần Thơ chung sức XDNTM” giai đoạn 2011-2015, thành phố có nhiều nỗ lực trong huy động các nguồn lực XDNTM và đạt được những kết quả nhất định. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2014, tổng nguồn vốn XDNTM của thành phố khoảng 1.047 tỉ đồng. Trong đó, vốn huy động từ DN hơn 86,8 tỉ đồng, chiếm khoảng 8,3%. Do tình hình kinh tế khó khăn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nên vốn huy động từ DN không nhiều. Tuy nhiên, sự đóng góp của DN trong tổng nguồn vốn XDNTM lại có xu hướng tăng. Điều này thể hiện DN đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong việc chung tay, góp sức XDNTM”.

Ông Hồ Bá Tam, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí điện máy Cần Thơ (CAMEMCO), đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Năm vừa rồi, CAMEMCO phối hợp với một số DN và ngân hàng đầu tư xây dựng 5 cầu nông thôn trên địa bàn xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh. CAMEMCO đảm nhiệm phần thi công cầu. Thời điểm thi công rơi vào những ngày cận Tết Nguyên đán, để kịp tiến độ hoàn thành cầu phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của bà con, DN làm luôn cả ngày chủ nhật và làm thêm đến 22 giờ. Với tinh thần cùng XDNTM, phí thi công cầu tại các xã XDNTM của TP Cần Thơ luôn được ưu đãi với giá mềm. Theo ông Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Mỹ Khánh, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, là DN đóng trên địa bàn, công ty luôn có ý thức đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của xã thông qua việc góp tiền làm cầu đường, tặng quà cho các hộ nghèo... Ngoài ra, công ty cũng tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương và 200 lao động thời vụ trong các dịp lễ, Tết...

Thời gian qua, nhiều DN góp phần không nhỏ vào việc thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới. Đơn cử là sự liên kết giữa DN và nông dân trong việc XDNTM gắn liền với thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn”. Trong mô hình này, người nông dân đóng vai trò trung tâm, DN giữ vị trí “nhạc trưởng”, trực tiếp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo trên nền tảng mối liên kết “4 nhà”. Hiện tại, TP Cần Thơ đã tổ chức được một số hình thức liên kết giữa nông dân-DN như: cung ứng lúa giống (Công ty cổ phần Gentraco, Công ty cổ phần Mêkông); phân bón (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ-Đạm Phú Mỹ), thuốc bảo vệ thực vật (Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ-CPC); bao tiêu lúa (Công ty cổ phần Gentraco, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang-Angimex, Công ty TNHH Trung An, Công ty cổ phần Mêkông)...

Cần hài hòa lợi ích các bên

Thực tế XDNTM tại nhiều địa phương cho thấy, nơi nào có sự đầu tư của DN, DN và nông dân liên kết sản xuất thì nơi đó kinh tế có sự chuyển biến tích cực, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. Nhận thức được vai trò “đòn bẩy” của DN trong XDNTM, năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng sau gần 2 năm triển khai thực hiện, DN cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng vẫn chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Một số xã XDNTM ở TP Cần Thơ phản ánh, mục tiêu của DN là lợi nhuận, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, DN khó kiếm lời, thời gian thu hồi vốn dài. Đó là chưa kể đến tình trạng phải đối mặt với nhiều rủi ro như: thời tiết diễn biến thất thường, thiên tai, dịch bệnh... Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và những chính sách đề ra chưa thực sự tạo được sức hấp dẫn đối với DN.

Đơn cử là việc thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn”. Mặc dù được khẳng định là mô hình tiên tiến và đem lại hiệu quả bước đầu nhưng cũng gặp khó trong việc phát triển và nhân rộng. Nguyên nhân chính là do hệ thống kênh mương chằng chịt, bị bồi lắng gây cản trở trong việc thu mua lúa cho nông dân. Theo bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, quận Thốt Nốt, để khắc phục tình trạng nói trên, Công ty vận động bà con tự vận chuyển lúa ra tận nơi thu mua nhưng vẫn không thể giải quyết hết lượng lúa thu hoạch. Do đó, để mô hình “Cánh đồng lớn” thực sự phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, Nhà nước cần có kế hoạch nâng cấp hệ thống thủy lợi theo hướng kết hợp giao thông nội đồng nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa tập trung. Ông Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Mỹ Khánh, huyện Phong Điền cho rằng, để DN mạnh dạn đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, ngoài việc đưa ra những chính sách ưu đãi, hỗ trợ thì Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo, đơn giản hóa các thủ tục và uyển chuyển sao cho phù hợp tình hình thực tế địa phương, tạo điều kiện cho DN duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về XDNTM giai đoạn 2010-2020, cơ cấu nguồn vốn phục vụ phân bổ gồm: vốn từ ngân sách (40%), tín dụng (30%), doanh nghiệp (20%) và nhân dân (10%). Trong giai đoạn đầu XDNTM, nguồn vốn từ ngân sách có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo đà và gây dựng niềm tin để huy động các khoản đóng góp khác. Tuy nhiên, trong điều kiện vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương còn thấp, vấn đề vận động đầu tư và phối hợp chặt chẽ với DN trong XDNTM là hết sức cần thiết. Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa nông dân và DN, từ đó phát huy tối đa hiệu quả mối liên kết này. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tìm hiểu, rà soát nhu cầu, nguyện vọng của các DN để tham mưu cho UBND TP Cần Thơ đề ra cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về XDNTM. Mỗi cá nhân trong xã hội đều có nhiệm vụ vận động các DN, mạnh thường quân... nhằm đa dạng hóa nguồn lực XDNTM”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết