23/01/2013 - 20:37

Phát huy thế mạnh công nghệ thông tin

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức mới đây, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin (CNTT), đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của nước ta...

*Định hướng phát triển

 Ký kết hợp đồng tài trợ 21 máy tính xách tay giữa đại diện Dự án ADOC (Đài Loan) và Trung tâm Công nghệ Phần mềm TP Cần Thơ nhân dịp khai trương Trung tâm Cơ hội số APEC (ADOC) tại TP Cần Thơ trong tháng 9 vừa qua.

Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: Hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu, cần ưu tiên đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020… Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng: CNTT là một trong những động lực phát triển, đang được ứng dụng ngày càng sâu rộng và là yếu tố không thể thiếu trong đời sống kinh tế-xã hội. Nhiều Chương trình và đề án ứng dụng CNTT, thúc đẩy phát triển CNTT đã được triển khai trong cả nước.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã có định hướng phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020; triển khai Chương trình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, phát triển chính phủ điện tử, thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về phát triển hạ tầng ứng dụng CNTT; định hướng phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020… Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT, cho biết: Công nghiệp CNTT có vai trò rất quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin đồng bộ. Các doanh nghiệp CNTT cung cấp các thiết bị phần cứng điện tử, thiết bị viễn thông nhằm xây dựng hạ tầng viễn thông; các phần mềm điều khiển, phần mềm ứng dụng chuyên ngành viễn thông; các dịch vụ phần cứng, phần mềm và đặc biệt là các dịch vụ nội dung số cho viễn thông, internet, thiết bị di động cá nhân… Ngoài ra, các doanh nghiệp CNTT còn cung cấp các thiết bị phần cứng điện tử, máy tính, các phần mềm ứng dụng, hệ thống thông tin và dịch vụ CNTT nhằm xây dựng hạ tầng thông tin cho chính phủ điện tử; hạ tầng thông tin cho an ninh, quốc phòng; xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia (công dân, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp); hạ tầng CNTT trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, y tế, văn hóa; hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng đô thị; hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, định hướng phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020, ngành TT&TT sẽ tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ nhằm xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về công nghiệp CNTT. Đến năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, thay thế dần các chi tiết nhập khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch tích hợp, làm chủ thiết kế và sản xuất được một số sản phẩm phần cứng mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong số 15 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Quy mô và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT Việt Nam được nâng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa. Hình thành được một số sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số mang thương hiệu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu... Các giải pháp phát triển công nghiệp CNTT trong thời gian tới như: Tập trung nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực CNTT tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho các tổ chức và doanh nghiệp. Ngoài ra, nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT xây dựng và ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế (CMMI, ISO…), xây dựng và phát triển các vườn ươm doanh nghiệp CNTT; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước…

*Cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin, các địa phương đã nêu lên nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy phát triển CNTT trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cho rằng: Nguồn lực rất quan trọng để phát triển CNTT là vốn, nhất là ngân sách nhà nước. Trong khi đó, CNTT là hạ tầng duy nhất không nằm trong mục lục ngân sách hàng năm, đây là nghịch lý. Đề xuất ghi vốn phát triển CNTT vào mục lục ngân sách Trung ương hàng năm, đồng thời nguồn kinh phí của Bộ TT&TT bố trí cho phát triển CNTT. Đối với ngân sách địa phương phải kết hợp được với kinh phí khoa học công nghệ, hàng năm Nhà nước dành 2% ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ, trong khi CNTT có nhiều điểm tương đồng với khoa học công nghệ. Thời gian qua, các tỉnh, thành đã tập trung ứng dụng CNTT nên cũng rất cần thêm nguồn kinh phí. Riêng đối với TP Hồ Chí Minh đang có Công viên Phần mềm Quang Trung hoạt động hiệu quả. Thành phố quyết định sẽ xây dựng thêm Công viên Phần mềm Quang Trung thứ 2, cũng như có ý định xây dựng chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung (đây là thương hiệu quốc gia). Thành phố rất mong muốn các tỉnh ủng hộ chủ trương này xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung tại các địa phương. Thời gian qua, mảng phần mềm rất được coi trọng nhưng ngược lại công nghệ phần cứng của Việt Nam gần như bị bỏ quên. Nhưng công nghệ phần cứng đã có những tín hiệu tốt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2012 Intel đã xuất khẩu với doanh thu 4,1 tỉ USD, Sam sung trên 10 tỉ USD... Nếu chúng ta phát triển được vi mạch (bộ não của các thiết bị điện tử) sẽ thoát được khỏi công nghiệp lắp ráp như hiện nay...

Theo Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ Nguyễn Trung Nhân, thời gian qua, thành phố đã tích cực triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng dụng CNTT. Các tập đoàn lớn như: VNPT, Viettel cũng đã tham gia cùng thành phố triển khai các dự án tại địa phương. Thành phố mong muốn triển khai nhiều chương trình, dự án hơn nhưng nguồn lực còn hạn chế. Do đó, rất cần Trung ương hỗ trợ cho địa phương, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực CNTT, kinh phí...

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng: Ngành CNTT và truyền thông đang phát triển nhanh và ổn định, kể cả những năm khó khăn. Năm 2012, tăng trưởng CNTT trên 20%, mức tăng trưởng ấn tượng trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, phát triển ngành CNTT và ứng dụng của CNTT vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, đặc biệt nhận thức về vai trò của CNTT đối với các cấp, các ngành và các doanh nghiệp còn yếu. Trong khi CNTT là ngành hạ tầng quan trọng nhất trong điều kiện hội nhập và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả như hiện nay.

Để triển khai Nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng về CNTT, đưa nước ta xứng tầm với các nước về CNTT, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương cần quán triệt và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CNTT, coi CNTT là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững cho đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, có hành động cụ thể để triển khai thực hiện nhận thức đó. Cần huy động các nguồn lực, bên cạnh các nguồn lực nhà nước thì nguồn lực xã hội hết sức lớn để phát triển CNTT. Phải xây dựng nền CNTT vững mạnh, đáp ứng nhu cầu trong nước và thị trường quốc tế; đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng các doanh nghiệp chủ lực về CNTT ngang tầm với khu vực và thế giới; đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp CNTT tập trung, khu công viên phần mềm để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, trong đó có những quốc gia hàng đầu về CNTT như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Bộ TT&TT tiếp tục lưu ý trách nhiệm và chức năng quản lý nhà nước để xây dựng các thể chế chính sách phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch bố trí nguồn nhân lực, nguồn vốn tập trung phát triển hạ tầng thông tin. Đối với các thành phố lớn như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ cần thúc đẩy phát triển CNTT phù hợp với các chương trình của Chính phủ...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết