04/05/2016 - 21:11

PHÁT HUY HIỆU QUẢ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Với mục tiêu hỗ trợ các đơn vị, địa phương thực hiện công tác cải cách, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đạt hiệu quả cao, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP Cần Thơ đã tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động. Qua đó, nhiều đơn vị, cơ quan nhà nước trang bị, ứng dụng CNTT đạt kết quả rõ nét trên cả 3 lĩnh vực hạ tầng, ứng dụng và nhân lực CNTT...

* Cải cách hành chính từ công tác phụ trách

Theo Sở TTTT TP Cần Thơ, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình Sở đã đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố. Công tác thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện được Sở tăng cường, góp phần hạn chế vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông... Đặc biệt, công tác giải quyết TTHC thuộc các lĩnh vực phụ trách được quan tâm và thực hiện ngày càng nâng cao hiệu quả, tránh phiền hà, mất thời gian chờ đợi của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp...

Mô hình một cửa hiện đại ứng dụng CNTT quận Thốt Nốt giải quyết hồ sơ, TTHC nhanh gọn, tạo sự hài lòng của người dân. 

Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) tại bộ phận một cửa hiện đại của Sở được thực hiện nghiêm túc. Trình độ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp của cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa ngày một nâng lên. Một số TTHC được Sở rút ngắn thời gian giải quyết như: hoạt động cấp phép thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản đã được rút ngắn thời gian giải quyết xuống còn 1 đến 2 ngày (trong khi theo quy định là 4 ngày). Nhờ đó, năm 2015 và quý 1-2016, có 100% hồ sơ cấp phép thuộc các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính và chuyển phát được Sở TTTT trả kết quả trước hẹn, đúng hẹn. Các TTHC thuộc các lĩnh vực trên được Sở đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử, niêm yết tại cơ quan. Để công tác giải quyết TTHC có hiệu quả cao, Sở TTTT thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tại bộ phận TN&TKQ của Sở. Đồng thời, các phòng chuyên môn lồng ghép nội dung kiểm tra thông qua các đợt kiểm tra chéo, các đợt đánh giá nội bộ về hệ thống quản lý chất lượng cải cách TTHC theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

Ông Nguyễn Văn Rảnh, Phó Giám đốc Sở TTTT TP Cần Thơ, cho biết: "Nhờ lãnh đạo Sở quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác CCHC nên thời gian qua không có ý kiến phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Để có được kết quả này, chúng tôi đã thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cả chuyên môn lẫn chính trị cho đội ngũ cán bộ chuyên trách. Bên cạnh đó, vào tháng 5 và tháng 9 hàng năm chúng tôi đều kiểm tra việc thực hiện CCHC tại các phòng, trung tâm thuộc Sở. Qua đó, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan".

* Đến hỗ trợ ứng dụng CNTT

Theo Sở TTTT TP Cần Thơ, trong thực hiện CCHC, CNTT có vai trò như một công cụ giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động, góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình, TTHC, tạo ra phong cách lãnh đạo, cách làm việc mới, cải tiến các hình thức cung cấp dịch vụ công... của cơ quan nhà nước. Do đó, Sở TTTT đã thường xuyên hỗ trợ, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị sử dụng, vận hành hệ thống quản lý văn bản, điều hành tại 23 đơn vị cấp sở và 9 quận, huyện; hệ thống thư điện tử thành phố; một cửa điện tử và dịch vụ công tại 19 đơn vị cấp sở, 9 quận, huyện và 85 xã, phường, thị trấn. Hiện nay 100% các dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước thuộc UBND thành phố đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 1, 2 trên cổng thông tin điện tử, trong đó có 152 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 83 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Với sự hỗ trợ trên của Sở TTTT đã góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC tại thành phố, đặc biệt nâng cao tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa cơ quan nhà nước đạt 60%; mạng truyền số liệu chuyên dùng đến quận, huyện đạt 100%; triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản trên môi trường mạng đạt 100%; tỷ lệ cán bộ, công chức viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trao đổi văn bản đạt trên 65%... Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Sở, mô hình ứng dụng CNTT tại các sở, ngành và quận, huyện phát huy hiệu quả, giúp các đơn vị giải quyết hồ sơ cho công dân được nhanh chóng và minh bạch hơn. Ông Bùi Văn Sang, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Cũng như các địa phương khác, mô hình một cửa hiện đại ứng dụng CNTT của huyện đã đáp ứng được sự công bằng, công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC, giúp tổ chức và cá nhân có thể theo dõi tiến độ giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước ở bất cứ thời điểm nào và ở đâu, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Đặc biệt, thời gian qua được sự hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn sử dụng hệ thống điện tử và dịch vụ công của Sở TTTT, cán bộ tại bộ phận TN&TKQ của huyện đã thành thạo quy trình sử dụng, giải quyết TTHC cho người dân nhanh gọn, có khoa học và hiệu quả hơn".

Ông Nguyễn Văn Rảnh cho biết thêm: "Giai đoạn 2016-2020, Sở TTTT tăng cường bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT trong điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý và kỹ năng quản trị, đảm bảo an toàn thông tin của đội ngũ chuyên trách CNTT trong cơ quan nhà nước; tập trung triển khai đồng bộ các hệ thống thông tin chuyên ngành nhằm phục vụ cho các sở, ngành, UBND quận, huyện trong tác nghiệp, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho tổ chức, công dân… Đặc biệt, Sở TTTT phối hợp cùng các ngành chuyên môn tập trung xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử làm cơ sở đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước thành phố ở mức hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, kết nối thông suốt ổn định, tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử trong những năm sắp tới...".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết