29/12/2015 - 09:14

Phát huy hiệu quả hệ thống đê bao sản xuất nông nghiệp

Đê bao vùng sản xuất nông nghiệp ở TP Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao giá trị gia tăng nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện trạng hệ thống đê bao ở TP Cần Thơ chưa hoạt động hiệu quả và linh hoạt. Vì vậy, thành phố xây dựng "Quy hoạch xây dựng củng cố hệ thống đê bao sông, rạch các khu vực sản xuất nông nghiệp TP Cần Thơ" (gọi tắt là Quy hoạch) để đảm bảo sử dụng đê bao đa mục tiêu, chủ động thích nghi và ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu.

* Quy hoạch đảm bảo sản xuất

 Gia cố đê bao ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, TP Cần Thơ có nguồn nước khá thuận lợi so với các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL. Vùng sản xuất nông nghiệp của thành phố đều nằm trong vùng ngập lũ của ĐBSCL, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và mưa nội đồng. Hằng năm, ảnh hưởng của thiên tai đến sản xuất và đời sống của người dân rất mạnh mẽ. Ở các khu vực này đã hình thành hệ thống bờ bao nội vùng chủ yếu là để ngăn lũ vào đồng trong thời kỳ đầu lũ để bảo vệ lúa hè thu và tạo thuận lợi cho việc bơm cấp cho đầu vụ đông xuân. Tính đến nay, TP Cần Thơ có khoảng 779km kênh trục và kênh cấp 1; 2.000km kênh cấp 2 và 1.000km kênh cấp 3. Phần lớn đê làm bằng đất có kết cấu mặt nhựa đường, tấm đan bê tông cốt thép, đá sỏi, hoặc đất tự nhiên. Do tính chất và vị trí của đê trong sản xuất nông nghiệp, phần lớn nguồn lực để xây dựng đê chủ yếu là xã hội hóa, phát triển khá tự phát và không tuân thủ quy hoạch về bố trí không gian, hình thức và kết cấu. Vì vậy, ở những đoạn xung yếu, thường xuyên xảy ra sạt lở và bị vỡ đê mỗi khi lũ tràn qua…

Theo đó, Quy hoạch thực hiện từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở các khu vực sản xuất nông nghiệp thuộc các quận, huyện Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Ô Môn, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền và Bình Thủy tổng diện tích là 92.682ha. Về lâu dài, Quy hoạch tạo ra hệ thống thủy lợi hợp lý, tiến tới hoàn chỉnh để có thể hạn chế các thiệt hại do lũ gây ra, tận dụng được các mặt lợi do lũ mang lại. Phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ở mức độ cao chủ động quanh năm, như: cánh đồng lớn, cơ giới hóa nông nghiệp… Đồng thời, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện phát triển nông thôn hiện đại, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ngập úng và khô hạn. Việc thực hiện Quy hoạch góp phần hiệu quả trong kiểm soát lũ, tưới tiêu… nhằm khai thác tài nguyên nước mặt trên địa bàn thành phố một cách hợp lý, bền vững cho từng loại hình sản xuất nông nghiệp, như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… góp phần tăng sản lượng hàng hóa, phục vụ xuất khẩu.

Trong quá trình xây dựng Quy hoạch, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án thực hiện và thống nhất lựa chọn phương án 2: chống lũ triệt để cho kênh trục và kênh cấp 1, kiểm soát lũ theo thời gian cho kênh cấp 2, cấp 3. Phương án này đảm bảo tính linh động cho đặc thù sản xuất và định hướng phát triển ở các vùng khác nhau. Đảm bảo tính kế thừa các dự án đang thực hiện để không xảy ra hiện tượng chồng chéo, trùng lắp quy hoạch; đáp ứng nhu cầu phát triển cho TP Cần Thơ. Sự kết hợp của đê bao chống lũ triệt để ở kênh trục, cấp 1 và đê bao lửng ở kênh cấp 2, cấp 3 cùng với việc xây dựng các công trình thủy lợi liên quan sẽ tạo ra hệ thống thủy lợi hoàn thiện và có thể hoạt động linh hoạt. Tại các đầu kênh cấp 2 nối với kênh trục hoặc kênh cấp 1 được bố trí các cống hở 2 chiều. Tuy nhiên, các cống này chỉ đóng vào các thời điểm nước lũ dâng cao hơn so với mực nước lũ. Vì vậy, giao thông thủy vẫn được đảm bảo và giảm áp lực tải nước cho các kênh trục, kênh cấp 1. Việc bố trí phương án đê bao lửng cho kênh cấp 2 sẽ đảm bảo yêu cầu bảo vệ sản xuất nhưng vẫn đảm bảo bổ sung phù sa và nguồn thủy sinh tự nhiên cho đồng ruộng khi mở cống đầu kênh để lũ tràn đồng qua hệ thống đê bao lửng.

* Tăng khả năng thích ứng

Việc thực hiện Quy hoạch là cơ sở để địa phương hoàn thành chiến lược an ninh lương thực quốc gia, sẵn sàng ứng phó cho những tình huống xấu nhất. Quy hoạch là điểm tựa vững chắc để có những định hướng phát triển chiến lược cho các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực khác. Do vậy, Quy hoạch nhận được sự quan tâm từ các chuyên gia, sở, ngành hoàn thiện và phát huy hiệu quả khi đưa vào thực hiện. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, Quy hoạch còn thiếu luận chứng về tác động của đê bao đối với khu vực ngoài vùng dự án, như các đô thị của thành phố và các vùng dọc theo sông Hậu. Bởi, nếu lũ được ngăn chặn trong vùng sản xuất nông nghiệp thì có khả năng làm tăng độ ngập sâu, thời gian ngập cho các vùng xung quanh. Các đánh giá tác động tích lũy, như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đập thủy điện thượng nguồn, suy giảm nước ngầm, sụt lún đất đều ảnh hưởng đến quy hoạch cần được đề cập. Thời gian thực hiện dự án dài, đơn vị thiết kế cần tính toán lại hệ số chiết khấu trong bài toán kinh tế sao cho phù hợp.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Đơn vị thiết kế tính toán bài toán thủy lực phù hợp, đảm bảo việc ngăn lũ không ảnh hưởng đến các vùng xung quanh. Bên cạnh đó, làm rõ hiện trạng hệ thống đê bao thành phố, quan điểm cần thể hiện củng cố đê bao, không ngăn lũ triệt để, xả lũ cuối mùa. Hướng đến đê bao đa mục tiêu vừa làm đê bao vừa làm giao thông. "Hiện thành phố thực hiện nhiều dự án chống ngập đô thị, cần đặt ra vấn đề liên quan giữa chống ngập đô thị và hệ thống đê bao sản xuất nông nghiệp", ông Mai Như Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, lưu ý đơn vị tư vấn.

Bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho rằng: Quy hoạch cần đề ra mục tiêu cụ thể, chẳng hạn giảm ngập như thế nào từ đó có những định hướng phát triển phù hợp. Đồng thời, có những con số cụ thể, đến năm 2020 đạt được những gì đến thời điểm đó có thể so sánh kết quả đã thực hiện. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cần thống nhất lại danh mục các công trình thực hiện trong Quy hoạch; cơ cấu nguồn vốn, có giải pháp nguồn vốn để thực hiện…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết