12/04/2020 - 08:14

Phát hiện prôtêin gây ngứa - hướng mới chữa dị ứng da 

Nghiên cứu do chuyên gia Santosh Mishra tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ) làm trưởng nhóm vừa xác định được avb3 - một prôtêin thụ thể thuộc các tế bào thần kinh cảm giác trong da - chính là thụ thể của periostin. Đây là prôtêin hiện diện trong da có thể trực tiếp kích hoạt các tế bào thần kinh gây ra cảm giác ngứa.

Để kiểm chứng mối liên hệ giữa avb3 và periostin, họ cho chuột bị viêm da dị ứng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng thông thường là mạt bụi và nhận thấy việc này làm tăng sản xuất periostin trên da, làm trầm trọng thêm phản ứng ngứa ở con vật. Nhưng khi họ ức chế prôtêin thụ thể avb3, thì tình trạng ngứa ngáy của chuột đã giảm đáng kể. Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện mới có thể giúp kiểm soát triệu chứng ngứa, thậm chí điều trị hiệu quả các bệnh như viêm da dị ứng hoặc chàm bội nhiễm.

Các chuyên gia da liễu cho biết để giảm cảm giác ngứa da và nổi mẩn khó chịu, chúng ta hiện có thể áp dụng một số liệu pháp đơn giản mà hiệu quả tại nhà, như sau:

+ Nha đam. Phần nhựa trong suốt của lá lô hội có thể làm giảm tình trạng ngứa và kích ứng da, do có chứa vitamin B12, canxi, magiê, kẽm, vitamin A, C, E và các axít béo thiết yếu khác.

+ Dầu dừa. Không chỉ giàu chất béo bão hòa, dầu dừa còn có đặc tính sát trùng và kháng viêm, cũng như có khả năng chống ôxy hóa và kháng khuẩn. Do đó, có thể sử dụng dầu dừa làm kem dưỡng ẩm cho da bị ngứa/dị ứng.

+ Dầu tràm trà. Nhờ đặc tính kháng khuẩn, dầu tràm trà là thuốc điều trị hiệu quả các bệnh da liễu. Nhưng lưu ý là cần pha loãng dầu với một loại dầu dẫn khác khi sử dụng.

+ Giấm táo: Giống như dầu tràm trà, giấm táo cũng có đặc tính kháng khuẩn nên có thể dùng để giảm ngứa da đầu, bằng cách bôi giấm táo nguyên chất hoặc pha loãng lên đầu vài lần mỗi tuần. Không dùng khi da bị đứt hoặc đang chảy máu.

AN NHIÊN (Theo ANI, TheHealthSite)

Chia sẻ bài viết