02/06/2019 - 11:59

Phát bệnh vì ám ảnh với dữ liệu sức khỏe 

Dùng các ứng dụng, trang web và thiết bị đeo tay, người ta có thể biết được tình trạng sức khỏe của mình. Song, George Zgourides, nhà tâm lý học Mỹ kiêm bác sĩ y khoa gia đình nói rằng, những dữ liệu mà các ứng dụng, thiết bị theo dõi sức khỏe này mang lại có thể góp phần tạo ra tình trạng lo lắng quá mức.

Ảnh: Time Magazine

Zgourides nhận thấy ngày càng nhiều người quan tâm đến các vấn đề sức khỏe đến nỗi có thể gây trở ngại đến sức khỏe tâm thần, công việc và các mối quan hệ. Nhiều người thậm chí hỏi “Bác sĩ Google” về tình trạng sức khỏe của mình, từ đó họ trang bị một loạt các ứng dụng và thiết bị theo dõi sức khỏe có thể cung cấp dữ liệu về sức khỏe cơ thể một cách tức thời. “Giờ đây bạn có thể theo dõi lượng calorie tiêu thụ, đếm từng bước đi. Tuy nhiên, những người có xu hướng bị ám ảnh bởi những con số đó có thể hình thành những hành vi theo cách không phải lúc nào cũng hữu ích” - Zgourides lo ngại.

Chẳng hạn như trường hợp của Bri Cawsey, huấn luyện viên thể hình tại tỉnh British Columbia (Canada). Khi Cawsey mới  đeo đồng hồ theo dõi sức khỏe Fitbit, cô chỉ đơn giản nghĩ rằng nó là một công cụ thực sự có lợi, giúp theo dõi từng bước chạy của mình. Song, khi bắt đầu theo dõi tất cả mọi thứ, từ lượng calorie, dưỡng chất tiêu thụ đến khả năng sinh sản của cơ thể, cô mới nhận thấy rằng mọi thứ đã vượt qua khỏi tầm kiểm soát của bản thân. Cawsey từ đó trở nên cảm thấy ám ảnh đối với thức ăn đến nỗi nếu không biết rõ lượng calorie và hàm lượng dinh dưỡng của từng món ăn là bao nhiêu, cô đều cảm thấy lo lắng và khó chịu khi đi ăn ở nhà hàng. Cawsey sau đó thừa nhận việc chú ý các tín hiệu từ cơ thể thay vì dựa vào các ứng dụng theo dõi sức khỏe và quá trình tập luyện đã giúp cô hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. “Nếu bạn là một trong những người thường xuyên đeo bên mình một thiết bị theo dõi sức khỏe, hãy thử cố gắng nghỉ ngơi và lưu ý việc bạn cảm thấy ra sao khi không có nó bên mình. Hãy tự ăn những gì bạn thích mà không cần phải Fitbit hoặc MyFitnessPal cho bạn biết bạn nên ăn gì. Dành thời gian để tin tưởng vào bản thân và lắng nghe chính mình sẽ khiến bạn khỏe mạnh hơn” - Cawsey khuyên.

Một trường hợp khác là Wilson, cũng hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Sau khi nhận thấy thói quen được cho là lành mạnh của mình ngày càng trở nên có chiều hướng xấu đi, cô đã không đeo Fitbit nữa. Thay vào đó, Wilson dành thời gian tập luyện để đủ điều kiện tham dự giải chạy danh giá và lâu đời nhất thế giới Boston Marathon, đồng thời khuyên khách hàng của mình cũng nên ngừng đeo Fitbit. “Đây là cảm giác bình yên tuyệt vời. Fitbit đã không còn quan trọng đối với tôi nữa” - Wilson cho biết.

Mối liên hệ không tốt giữa các thiết bị theo dõi sức khỏe và sức khỏe tâm thần từ lâu đã được chứng minh. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke (Mỹ) hồi năm 2015 phát hiện ra rằng việc theo dõi hoạt động của cơ thể có thể làm giảm sự thích thú đối với bất kỳ trò tiêu khiển nào, thậm chí khiến người ta không muốn tham gia khi các thiết bị theo dõi sức khỏe bị tắt. Còn một nghiên cứu hồi năm 2017 được công bố trên tạp chí Eat Behaviors cũng phát hiện, việc sử dụng các thiết bị theo dõi lượng calorie tiêu thụ hoặc quá trình tập luyện của cơ thể có quan hệ với các triệu chứng rối loạn ăn uống ở sinh viên đại học. Trong khi đó, một cuộc khảo sát về những phụ nữ dùng Fitbit cho thấy gần 60% trong số họ cảm thấy như toàn bộ thời gian của mình đều bị thiết bị điện tử kiểm soát, trong khi 30% người khác thì xem thiết bị này như là “kẻ thù”.

TRÍ VĂN (Theo Time Magazine)

Chia sẻ bài viết