25/11/2022 - 12:45

Phận người Kurd tại Trung Đông 

HẠNH NGUYÊN

Mazloum Abdi, chỉ huy nhóm vũ trang Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo ở miền Bắc Syria, đang kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngăn chặn kế hoạch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Vị này cho rằng cuộc tấn công sẽ tàn phá miền Bắc Syria và cản trở cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cầu cứu Mỹ

Hiện trường vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria hôm 20-11. Ảnh: CGTN

Hiện trường vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria hôm 20-11. Ảnh: CGTN

Trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Politico, Tướng Abdi phàn nàn Mỹ hành động chưa đủ để ngăn cản Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe dọa phát động chiến dịch quân sự xuyên biên giới nhằm trả đũa vụ đánh bom đẫm máu ở Istanbul tuần rồi. Qua đó, vị chỉ huy SDF thúc giục Washington gia tăng sức ép lên Ankara.

Tướng Abdi lưu ý rằng trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden khẳng định sẽ không phản bội người Kurd như cách cựu Tổng thống Donald Trump đã làm khi ra lệnh rút lính Mỹ khỏi miền Bắc Syria vào tháng 10-2019, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự “Mùa xuân Hòa bình” chống lại người Kurd ở Syria. Mỹ hiện duy trì khoảng 900 lính ở Syria và đang phối hợp với SDF, dẫn đầu là các tay súng người Kurd thuộc lực lượng Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), trong cuộc chiến đối phó tàn dư IS.

Bình luận của Tướng Abdi được đưa ra vài ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một loạt vụ không kích dữ dội trên khắp miền Bắc Syria và Iraq để trả thù vụ đánh bom làm chết 6 người ở Istanbul hôm 13-11. Hôm 22-11, Tổng thống Erdogan cam kết sẽ nhổ tận rễ “những phần tử khủng bố”, ám chỉ YPG ở Syria và đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Iraq đứng sau vụ tấn công trên. Tuy nhiên, các nhóm vũ trang này phủ nhận sự liên quan.

Theo tờ DW, người Kurd được coi là dân tộc đông nhất thế giới không có quốc gia độc lập của riêng mình. Cộng đồng này gồm khoảng 35 triệu người chủ yếu theo Hồi giáo Sunni sinh sống ở khu vực rộng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran và Armenia. Họ có cùng văn hóa và nói một trong 2 phương ngữ chính của tiếng Kurd. Tuy nhiên, người Kurd không có những người đại diện ở nước ngoài, các chính sách hoặc đơn vị phòng vệ chung. Điều này khiến họ càng có nguy cơ hứng chịu các cuộc tấn công từ những quốc gia trong khu vực, mà cũng có lý do riêng khi nhắm vào cộng đồng người Kurd.

Người Kurd tại Syria, Iraq

Chiến dịch sắp tới của Ankara nhiều khả năng sẽ nhắm vào thành phố Kobani ở miền Bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Manbij cùng những khu vực khác. Sân bay Kobani từng đóng vai trò là trung tâm hậu cần chính cho cuộc chiến chống IS cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” tháng 10-2019. Chiến dịch này đã khiến hơn 70 dân thường ở Syria, 20 người tại Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và 300.000 người phải di tản. Còn trong loạt vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và Iraq cuối tuần qua, ít nhất 184 người Kurd đã chết, bao gồm dân thường và chiến binh.

Giới quan sát nhận định Tổng thống Erdogan có thể lên kế hoạch tấn công trên bộ để buộc những người Kurd trong khu vực tránh xa biên giới nước này nhằm dọn chỗ tái định cư cho những người tị nạn Syria vốn trốn chạy cuộc nội chiến. Động thái này có thể giải quyết thái độ thù hận dâng cao nhắm vào người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm đối tượng liên quan đến tỷ lệ ủng hộ đang sụt giảm của ông Erdogan trong nước, giữa lúc khủng hoảng kinh tế cũng như trước thềm bầu cử tổng thống vào năm tới.

Còn các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq vừa rồi thì tập trung vào vùng núi Qandil thuộc biên giới Iraq - Iran, nơi được cho là đặt trụ sở chính của PKK, vốn bị Ankara coi là tổ chức khủng bố. Hơn 30 tay súng PKK đã thiệt mạng trong 25 cuộc oanh tạc.

Ngoài ra, những người Kurd tại Iraq còn hứng chịu cuộc tấn công từ Iran. Hôm 21-11, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào cái gọi là “cơ quan đầu não và trung tâm của thuyết âm mưu, huấn luyện và hoạt động tổ chức của các nhóm ly khai chống Iran”, khiến 26 người thiệt mạng. Tehran đổ lỗi cho lực lượng người Kurd đối lập sống lưu vong tại vùng biên giới bán tự trị của Iraq gây ra làn sóng biểu tình liên quan cái chết của cô Jina Mahsa Amini (người Kurd) tại Iran những tháng qua.

 

Chia sẻ bài viết