Do tác động của dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ 6 tháng đầu năm 2020 ước tính chỉ tăng 1,43% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5-2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục duy trì, từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, với dấu hiệu dần hồi phục rất lạc quan.

Sản lượng cây ăn trái 6 tháng đầu năm 2020 tăng 15,85% so với cùng kỳ. Trong ảnh: Nông dân huyện Thới Lai chăm sóc vườn nhãn Ido.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội TP Cần Thơ diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của thành phố đều suy giảm hoặc tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2019. Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 25.939,35 tỉ đồng, tăng 1,43% so cùng kỳ. Ðây là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm trong 10 năm qua.
Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho biết: Tình hình dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn làm thay đổi đáng kể cơ cấu kinh tế của thành phố trong 6 tháng đầu năm theo hướng tăng tỷ trọng khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I), công nghiệp và xây dựng (khu vực II); giảm tỷ trọng khu vực dịch vụ (khu vực III). Cụ thể, khu vực I chiếm 9,14%, khu vực II chiếm 34,46%, khu vực III chiếm 48,38%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,02%.
Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, hầu hết các ngành trong khu vực dịch vụ này đều sụt giảm so với cùng kỳ. Nửa đầu năm 2020, khu vực dịch vụ giảm 3,28% so với cùng kỳ. Cụ thể như: hoạt động bán buôn, bán lẻ giảm 6,17%; vận tải và kho bãi giảm 13,66%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,03%; du lịch giảm 47,77%; hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí giảm 6,67%; dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng giảm 31%... Ðến đầu tháng 5, các hoạt động trên đã được hoạt động trở lại và mặc dù doanh số tháng 5, tháng 6 tăng cao nhưng không thể bù đắp được cho những thiệt hại ở các tháng trước đó. Do tỷ trọng khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 chiếm 48,38% trong cơ cấu kinh tế, với mức tăng trưởng âm là nguyên nhân chính, trực tiếp ảnh hưởng đến mức tăng chung của cả nền kinh tế thành phố trong 6 tháng đầu năm 2020.
Khu vực II có tốc độ tăng 6,66% so cùng kỳ, trong đó sản xuất công nghiệp tăng 8,07%. Ðây là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19, doanh nghiệp phải đối mặt với các khó khăn từ đầu vào như thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất, đến đầu ra như thị trường tiêu thụ cả xuất khẩu và nội địa bị sụt giảm đáng kể. Một số sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp địa phương: sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ với mức tăng 9,47%; sản xuất đồ uống tăng 5,17%; sản xuất trang phục tăng 5,08%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,59%, sản xuất hóa chất tăng 5,25%, sản xuất thuốc hóa dược, dược liệu tăng 5,09%… Chiếm 34,46% trong cơ cấu kinh tế, với mức tăng trưởng trên ảnh hưởng phần nào đến GRDP thành phố.
Riêng khu vực I tăng trưởng ấn tượng với 2,42% so với cùng kỳ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của lĩnh vực nông nghiệp với mức tăng 4,11%. Do đây là khu vực chịu ảnh hưởng ít nhất của dịch bệnh, lĩnh vực trồng trọt có nhiều thuận lợi. So với cùng kỳ, sản lượng lúa đông xuân tăng 1,24%; sản lượng rau, màu tăng 3,77%; cây ăn trái tăng 15,85%… Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,29%, chủ yếu có sự đóng góp của thuế giá trị gia tăng và các loại thuế sản phẩm khác tăng 6,22%. Riêng thu thuế nhập khẩu tăng 68,51% chủ yếu nguồn thu từ nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm, phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu và nông dược…

Thực hiện đồ họa: T. TRINH
Năm 2020, TP Cần Thơ đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt ở mức 7,82% so với cùng kỳ. Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê, cho rằng: Ðể đạt mục tiêu trên là rất khó! Trong quý III và IV-2020, đòi hỏi mức tăng trưởng kinh tế của thành phố phải đạt từ hai con số trở lên khoảng 11-12%. Song, với tinh thần quyết liệt vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, thành phố phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể của năm 2020. Ðể đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2020 rất cần có những giải pháp đồng bộ, tích cực, nhanh chóng và hiệu quả ngay khi dịch bệnh cơ bản được khống chế. Trong đó, điều kiện tiên quyết nhất thành phố cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan ra cộng động, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, mở lại các hoạt động quốc tế.
Ngành thống kê thành phố đề xuất: Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần gia tăng sản lượng lúa hè thu và thu đông, sản lượng rau màu, cây ăn trái. Song song tập trung tái đàn heo để gia tăng sản lượng thịt heo xuất chuồng từ nay đến cuối năm, góp phần tăng trưởng cho ngành chăn nuôi và đưa chỉ số giá thịt heo giảm xuống. Ðối với lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng và kích thích các ngành sản xuất: vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, giải quyết việc làm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, tuy nhiên khi hoạt động trở lại lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng đột phá cao và nếu có điều kiện sẽ có thể tăng tốc và phát triển nhanh. Vì vậy, cần có các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí để thu hút khách du lịch nội địa và sử dụng các sản phẩm dịch vụ… Ðây là thế mạnh của thành phố cần được quan tâm trong thời gian tới.
Bài, ảnh: T. TRINH