(CT) - Chiều 12-8-2023, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình sạt lở và công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ÐBSCL.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của phát triển thiếu bền vững về kinh tế - xã hội tại các quốc gia vùng thượng nguồn và nội vùng ÐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ÐBSCL đã và đang có diễn biến rất phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhân dân khu dân cư ven biển tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN
Từ năm 2016 đến nay, vùng ÐBSCL đã xuất hiện 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km (bờ sông: 666 điểm/744km; bờ biển: 113 điểm/390km). Hiện tại còn 561 điểm nguy cơ sạt lở cao, trong đó bờ sông là 513 điểm/602km, bờ biển là 48 điểm/208km; trong đó điểm đặc nguy hiểm cần làm ngay là 63 điểm/204km (bờ sông 39 điểm/118km, bờ biển 24 điểm/86km).
Ðối với tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, hầu hết các khu vực sạt lở thường xảy ra mạnh, phổ biến ở những vị trí tại đỉnh các khúc sông cong, vị trí phân nhập lưu, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư… Tình hình sạt lở ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi. Sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn (các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long) thường lớn hơn khu vực phía hạ nguồn (các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý một số vấn đề đáng quan tâm: mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng (trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha); xói lở xảy ra quanh năm, trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn (do ảnh hưởng của triều mạnh); xói lở nghiêm trọng trên các sông, kênh nối sông Tiền và sông Hậu do cân bằng nước giữa 2 sông thay đổi; xói lở tập trung nhiều ở sông Tiền, tập trung ở An Giang (75 điểm), Tiền Giang (65 điểm) và Cà Mau 86 điểm…
Tại TP Cần Thơ, gần 8 tháng qua của năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 37 đợt sạt lở ở các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Phong Ðiền, Vĩnh Thạnh (làm bị thương 2 người; sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần và ảnh hưởng nghiêm trọng 21 căn nhà), tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 2.025m với tổng thiệt hại ước khoảng 30,795 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cả trước mắt và lâu dài để khắc phục, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ÐBSCL, bảo vệ tính mạng, tài sản, sinh kế của người dân, các công trình, cơ sở kỹ thuật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển ÐBSCL nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðặc biệt, đề xuất một số cơ chế để huy động nguồn lực, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Trong đó, đề xuất xây dựng đề án tổng thể về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực ÐBSCL; bố trí kinh phí khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; tăng cường công tác quản lý dân cư dọc bờ sông, bờ biển; kiểm soát các hoạt động kinh tế - xã hội hiệu quả, tránh tác động tới môi trường, tự nhiên…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, mục tiêu là phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ÐBSCL; phát triển, bảo vệ, khai thác bền vững đất, rừng, tài nguyên, khoáng sản; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, quy hoạch lại không gian sinh tồn; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.
Thủ tướng đề nghị tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trước mắt, các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống các hộ dân trong khu vực đang bị sạt lở. Chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính và các địa phương rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; tính toán vốn phù hợp, lựa chọn vấn đề nào cấp bách cần thực hiện ngay.

Quang cảnh buổi làm việc.
Về lâu dài, Thủ tướng chỉ đạo cần nghiên cứu làm các dự án mang tính chiến lược, căn cơ, bài bản để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ÐBSCL. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng của sạt lở, sụp lún, ngập úng cho người dân trong vùng, từ đó có hành động ứng phó, ngăn chặn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị quản lý, các cấp chính quyền trong hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời, đúng lúc; có giải pháp cấp bách, lâu dài cho công tác ứng phó sạt lở ở ÐBSCL, trong đó xây dựng và triển khai các dự án vừa bảo vệ, vừa phát triển bền vững vùng, sinh kế của người dân. Huy động mọi nguồn lực từ cấp Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân và hợp tác quốc tế cho công tác ứng phó, ngăn chặn sạt lở, sụp lún, ngập úng; làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng dân cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở; phát triển dự án, công trình đảm bảo tiêu chí 4 trong 1, vừa ứng phó sạt lở, bảo tồn sinh thái, sinh kế người dân và phát triển quỹ đất địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy mô hình hay trong ứng phó sạt lở…
* Trước đó, sáng 12-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác di chuyển bằng trực thăng và thuyền máy để khảo sát khu vực đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; khảo sát kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai Nam Ðông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang; khảo sát kè Hổ Cứ và các điểm sạt lở của tỉnh Ðồng Tháp.
HÀ VĂN