24/12/2007 - 09:25

Ông Phan Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Cần Thơ:

Phá thế "độc canh" xuất khẩu hàng hóa mới phát triển ổn định và bền vững

Năm 2007, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuất khẩu (XK) hàng hóa đến trên 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 10 thị trường so với năm 2006. Điều này góp phần nâng kim ngạch XK hàng hóa năm nay của thành phố vượt 1,9% kế hoạch năm và tăng 16,2% so với cùng kỳ 2006. Song, theo nhận định của ngành hữu quan, phần lớn các mặt hàng XK của TP Cần Thơ còn nhỏ lẻ, chưa đa dạng về mẫu mã - chủng loại, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp... ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bền vững, nhất là trong thời điểm bước sang năm thứ 2 Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

* Về những thuận lợi cơ bản của XK hàng hóa năm 2007, trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Phan Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Cần Thơ, cho biết:

- Năm 2007, các mặt hàng XK chủ yếu của địa phương tiếp tục phát triển; giá một số mặt hàng nông, thủy sản XK tăng cao so cùng kỳ. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp XK trên địa bàn thành phố năng động, chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, đổi mới trang thiết bị, cải tiến công nghệ, kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động thực hiện tốt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu khách nước ngoài... Đây là những mặt thuận lợi thúc đẩy tiếp tục XK tăng trưởng, đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đã đề ra.

* Thưa ông! Vậy vì sao có lúc ngành thương mại thành phố nhận định: tổng kim ngạch XK khó đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2007?

- Vâng! Có thể nói, đạt được kim ngạch XK 525,8 triệu USD, vượt 1,9% kế hoạch năm và tăng 16,2% so với cùng kỳ 2006 là một nỗ lực lớn của ngành thương mại và các ngành hữu quan, nhất là các doanh nghiệp. Bởi tình hình XK hàng hóa của thành phố 9 tháng đầu năm có phần trầm lắng, kim ngạch đạt thấp so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do giá cả nguyên, nhiên liệu trên thị trường trong nước và thế giới tăng cao, giá cả biến động tăng mạnh, giá đô-la Mỹ giảm so với đầu năm đã làm tăng giá sản phẩm, hạn chế sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường, đe dọa hiệu quả XK bị hạn chế. Mặt khác, thị trường XK cạnh tranh ngày càng gay gắt, các rào cản thương mại (chống bán phá giá, vệ sinh an toàn thực phẩm...) diễn ra phổ biến ở nhiều nước, mức độ ngày càng khắt khe hơn đã gây khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến XK thủy sản. Đặc biệt, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa diễn biến khá phức tạp đã làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất và chất lượng lúa hàng hóa ở Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL gây bất lợi cho người trồng lúa. Các hợp đồng thương mại XK gạo phải tạm ngừng theo chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo an ninh lương thực. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu XK chung, vì kim ngạch XK gạo luôn chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng cơ cấu ngành hàng XK của thành phố.

* Thưa ông, có phải do gạo mất ưu thế, kim ngạch XK phải dựa vào thế mạnh thứ hai của TP Cần Thơ là thủy sản?

- Tôi xin đơn cử một vài số liệu: 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK thủy sản đạt 105 triệu USD; 9 tháng tăng lên 186,3 triệu USD và chiếm trên 50% trong tổng kim ngạch XK hàng hóa. Điều này có nghĩa, sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản có ảnh hưởng rất lớn đến tổng kim ngạch XK của toàn thành phố. Những tháng cuối năm tình hình XK thủy sản có nhiều thuận lợi, do nhu cầu các nước nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh để chuẩn bị cho các dịp lễ, tết như Noel, Tết Dương lịch... tăng cao. Cơ hội này đã giúp các doanh nghiệp chế biến thủy sản XK làm cuộc bứt phá đạt giá trị 281 triệu USD trong năm 2007, tăng 22,17% so với kế hoạch. Sự nỗ lực vượt bậc này góp phần làm tổng kim ngạch XK toàn thành phố vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

* Nhưng, như vậy liệu XK hàng hóa của TP Cần Thơ có “ổn” nếu quá “phụ thuộc” vào thủy sản?

- Trong những năm qua, XK hàng hóa ở TP Cần Thơ ai cũng có thể nhìn thấy: có tăng trưởng, có phát triển nhưng thiếu tính ổn định và bền vững. Nguyên nhân chính như đã nhận định: ngoài gạo, chúng ta quá chăm bẵm vào ngành hàng thủy sản. Năm nay, trong khi XK gạo gặp khó, thủy sản bị rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu (vấn đề chống bán phá giá, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...) thì XK hàng hóa của thành phố gần như “không lối thoát”. Các ngành hàng khác quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đa dạng về mẫu mã - chủng loại, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp... Điều này làm các mặt hàng được đánh giá là “thế mạnh” như hàng nông sản - nông sản chế biến, may mặc, giày dép... chưa có thị trường ổn định, cạnh tranh gay gắt với hàng sản xuất từ Trung Quốc, kim ngạch đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Do vậy, chỉ khi nào XK thủy sản ổn định thì XK hàng hóa của thành phố mới ổn định. Nhưng với những gì đang diễn ra, thì rào cản kỹ thuật, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm... còn tiếp tục là những bài toán khó cho XK thủy sản không riêng gì ở TP Cần Thơ, chắc chắn rằng sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định và bền vững của tăng trưởng XK hàng hóa.

* Việc quá “chăm bẵm” vào thủy sản sẽ gặp nhiều bất lợi. Có cần phải phá thế “độc canh” này không, thưa ông?

- Theo tôi, phải phá thế “độc canh” của XK thủy sản như hiện nay thì XK hàng hóa của TP Cần Thơ mới có thể phát triển ổn định và bền vững được. Không chỉ ở TP Cần Thơ, cả vùng ĐBSCL là nơi sản xuất ra nhiều loại rau quả ngon, nổi tiếng. Tuy nhiên, việc XK những mặt hàng nông sản này vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn do lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh, sản lượng không nhiều, thị trường chưa ổn định... Hiện nay, rau quả ngoại đang tràn ngập thị trường, việc tiêu thụ nội địa càng khó khăn hơn. Còn ngành may mặc, giày da, nhiều năm nay chúng ta cũng chưa cải tiến được mẫu mã, chưa nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường. Tôi nói như thế để hiểu rằng, phá thế “độc canh” thủy sản trong XK cần phải có thời gian. Để chuẩn bị “dài hơi” cho việc này, ngành thương mại thành phố đang triển khai xây dựng Chiến lược phát triển xuất khẩu của TP Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa XK .

* Thưa ông, trong bối cảnh cả nước tiếp tục hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, năm 2008 này và những năm tiếp theo, làm gì để XK của TP Cần Thơ đạt được chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước”?

- Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đã XK hàng hóa đến trên 77 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua WTO, sự giao thương ngày càng được mở rộng, nhưng cạnh tranh hàng hóa cũng sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn. Để XK hàng hóa đạt chỉ tiêu kế hoạch 461 triệu USD năm 2008 và định hướng những năm tiếp theo, ngành thương mại tập trung vào những giải pháp cụ thể sau: Tăng cường hơn nữa công tác thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và dự báo tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, nội dung cam kết gia nhập WTO, chính sách nhập khẩu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp tăng cường hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế, tăng cơ hội giao thương, giảm chi phí trung gian để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao hơn nữa về chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo uy tín với khách hàng trên thị trường. Đồng thời, đầu tư chiều sâu để sản xuất sản phẩm chế biến tinh, chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng của hàng XK...

*  Xin cảm ơn ông!

HÀ TRIỀU (thực hiện)

Chia sẻ bài viết