28/01/2020 - 15:29

Online… nhé! 

Thật lòng mà nói, ban đầu bản thân tôi còn “ngại” mua sắm hàng hóa qua kênh online, hay “quẹt thẻ” khi giao dịch tại các siêu thị, nhà hàng, quán ăn… Bởi hàng hóa online chỉ thấy qua hình ảnh (cũng không ít người bị lừa, được giao hàng không đúng như lời giới thiệu); không biết có bị đánh cắp tài khoản, mất tiền thì “toi”! Nhưng qua vài lần trải nghiệm về những tiện ích - cái được khi thanh toán điện tử không chỉ tiện lợi, nhiều dịch vụ còn được tích lũy điểm… rồi “mê” dần từ lúc nào không hay!

Tiện ích đến mọi nhà

Ship đến tận nhà không kể gần xa!

Anh Nguyễn Thành Lộc, chuyên viên tín dụng ở Ngân hàng Vietbank chi nhánh Cần Thơ, là một trong những “tín đồ” giao dịch online, từ quần áo đến đồ dùng điện tử, điện thoại có giá trị chục triệu đồng vẫn tin tưởng kênh giao dịch này. Ngược lại, phía nhà cung cấp cũng đã ghi lại nhật ký giao dịch của vị khách “VIP” này chưa lần nào “bom” hàng bao giờ, rất uy tín. Và đương nhiên kèm theo là các chính sách ưu đãi; hoặc khi có những sản phẩm nào giảm giá “sốc” sẽ nhắn tin ngay cho vị “thượng đế” này. Theo anh Lộc, giao dịch qua kênh thương mại điện tử, người mua chỉ cần ngồi ở nhà, nghiên cứu thông số kỹ thuật, dễ dàng nhận ra sản phẩm cùng loại “mạnh, yếu”, chất liệu ra sao so với các thương hiệu… lại không mất nhiều thời gian, công sức đi đến cửa hàng để chọn lựa (đương nhiên, đến tận nơi mua sắm vẫn có thú riêng của nó)… Giới công sở bây giờ chỉ cần “chạm” vào điện thoại là có ngay ly trà sữa, cà phê, cơm phần hay các món ăn truyền thống đến tận nơi làm việc…

Ở xã vùng sâu như quê tôi (xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) mấy năm nay được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn xã nông thôn mới. Giờ đây internet, mạng 3G, 4G cũng không còn xa lạ với “người nhà quê” nữa! Tôi điện thoại hỏi anh chạy xe Grab chuyển hàng cho nhà tôi ở địa chỉ theo hướng dẫn không, anh trả lời tỉnh queo: “Anh cứ nói đi, chỉ cần em mở Google Maps ra là tìm được thôi, anh yên tâm!”. Công nghệ 4.0 đã về tận vùng quê, việc mua bán trao đổi hàng hóa trong “thế giới phẳng” thuận lợi hơn nhờ công nghệ số.

Thương mại điện tử trăm hoa đua nở!

Các công ty vận chuyển hàng sẽ phục vụ khách hàng tận nơi.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Nam Á chính thức đưa robot OPBA vào phục vụ khách hàng. Đây là nhà băng Việt đầu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao dịch. Robot OPBA sẽ tư vấn mọi thắc mắc theo nhu cầu của khách hàng thay vì phải đợi chờ xếp hàng tại quầy. Với những cử động đã được lập trình, robot này có khả năng nhận diện khuôn mặt khách hàng bằng tính năng Face ID, chủ động chào hỏi hỗ trợ người đến giao dịch. Đặc biệt, khi cần trao đổi trực tiếp với nhân viên ngân hàng, robot sẽ đưa ra lựa chọn và hướng dẫn khách hàng đến quầy giao dịch theo đúng nhu cầu của khách... Đầu tư con robot chỉ tốn chi phí một lần, robot lại làm việc không kể giờ giấc, không cần ăn uống, lương bổng… Những ưu thế này của robot sẽ dẫn đến sự cạnh tranh khắc nghiệt về vị trí việc làm giữa con người và robot. Đó cũng là một trong những xu hướng mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra. Từ đó, những doanh nghiệp nào sớm đầu tư vào lĩnh vực này sẽ có sức hấp dẫn với khách hàng muốn có những trải nghiệm mới.

Anh Hồ Việt làm Giám đốc một công ty phân phối của hãng điện thoại Nokia cho cả vùng ĐBSCL, trụ sở đóng tại Khu dân cư Thới Nhựt, quận Ninh Kiều, đã hơn 10 năm. Từ đầu năm 2019, anh đã rời bỏ công việc có thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng này, để thành lập công ty vận chuyển hàng hóa và thu hộ. “Trên thị trường hiện nay có hàng trăm doanh nghiệp tham gia lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và thu hộ, nên cạnh tranh rất dữ. Nhưng với công nghệ phát triển, nếu biết vận dụng, đầu tư khai thác tốt thì vẫn có “đất sống”” - anh Việt chia sẻ. Đơn vị của anh chọn vận chuyển hàng hóa có giá trị lớn và thu hộ. Nhưng cái mới để cạnh tranh là hàng hóa trên đường đi được định vị, nếu người nhận muốn biết hàng đang đến đâu công ty có thể cung cấp thông tin chính xác… Đương nhiên mọi giao dịch đều qua internet, email… tiết kiệm tối đa thời gian đi lại của khách hàng.

Hiện nay, lĩnh vực vận chuyển hàng hóa có hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ đang tham gia thị trường: GrabExpress, NowShip, SpeedLink, bên cạnh những tên tuổi trong nước đã quá quen thuộc: Viettelpost, VNPost… Lĩnh vực vận chuyển hàng hóa online sẽ tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, đang phát triển vũ bão như hiện nay. Bây giờ thông qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube,  Instagram… người ta vẫn có thể “vô tư” chào hàng mua bán để kiếm lời. Đó có thể là một em học sinh, sinh viên ở nhà trọ vẫn có bán được hàng online, cho đến những chủ cửa hàng nhỏ lẻ cũng khai thác lĩnh vực hấp dẫn này mà không cần thuê mặt bằng, mặt tiền đường lớn, hoàn toàn trên không gian mạng.

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh mẽ, đáp ứng xu thế của thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh theo hình thức online, thương mại điện tử cũng làm phát sinh các vấn đề trong quản lý nhà nước nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng. Do đó, cần nghiên cứu, phân loại ra các nhóm để triển khai đồng bộ giải pháp quản lý thuế lĩnh vực thương mại điện tử.

Sự phát triển của công nghệ số, xu hướng mua sắm trực tuyến qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đang là tất yếu,  toàn cầu hóa. Mở ra cơ hội cho những ai muốn thay đổi hình thức kinh doanh, còn khách hàng được hưởng thụ dịch vụ “tận răng”... là thành quả mà khoa học kỹ thuật và công nghệ đang mang lại.

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết