16/02/2019 - 18:37

Ông Trump đương đầu thách thức pháp lý 

Vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Ủy ban Tư pháp Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã mở cuộc điều tra động thái bị cáo buộc “vi hiến” của ông chủ Nhà Trắng.

Người biểu tình bên ngoài Tháp Trump ở New York phản đối tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ảnh: Reuters

Sau nhiều lần cảnh báo, Tổng thống Trump hôm 15-2 đã ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để bảo vệ đất nước khỏi “ma túy, tội phạm và di dân bất hợp pháp tràn qua biên giới từ ngã Mexico”. Nhấn mạnh đây là vấn đề rất cấp bách, ông Trump xác định nước Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia ở biên giới phía Nam và tình hình này phải được xử lý bằng cách này hay cách khác.

Động thái trên diễn ra sau “thất bại nặng nề” về mặt lập pháp của ông Trump khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu mới không gồm ngân sách 5,7 tỉ USD xây tường biên giới mà chủ nhân Nhà Trắng đề xuất. Nhưng với hành động vượt qua Quốc hội lần này, ông Trump đang đứng trước nguy cơ sa vào cuộc chiến pháp lý kéo dài với đảng Dân chủ cũng như gia tăng bất mãn từ các thành viên Cộng hòa không ủng hộ việc sử dụng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động ngân sách có thể từ quốc phòng để xây tường biên giới. Chính nhà lãnh đạo Mỹ cũng dự đoán con đường chông gai phía trước, nhưng ông hy vọng sẽ giành chiến thắng tại Tòa án Tối cao.

Ngay sau phát biểu của Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cáo buộc ông Trump “vi phạm quyền lực” Quốc hội được quy định trong Hiến pháp. Bà Nancy nêu rõ sẽ chống lại hành động của tổng thống bằng mọi công cụ pháp lý sẵn có. Hiện Ủy ban Tư pháp tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã mở cuộc điều tra và trong thư gởi Tổng thống, ủy ban nói rằng tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump thể hiện “sự khinh suất nguy hiểm” đối với việc phân chia quyền lực và trách nhiệm của tổng thống theo Hiến pháp Mỹ. Bức thư đề nghị ông Trump sẵn sàng cho phiên điều trần của Nhà Trắng cùng các quan chức Bộ Tư pháp liên quan vụ việc. Họ cũng yêu cầu các tài liệu pháp lý dẫn đến tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với hạn chót vào ngày 22-2. Ngoài ra, đảng Dân chủ còn lên kế hoạch ra dự luật ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump. Biện pháp này có thể thông qua tại lưỡng viện Quốc hội nếu giành đa số phiếu. Nhưng quyền quyết định lại thuộc về chủ nhân Nhà Trắng và trong tình huống này, ông Trump có thể phải lần đầu tiên dùng quyền phủ quyết trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Quốc hội muốn vô hiệu hóa quyền phủ quyết của tổng thống cần 2/3 số phiếu ủng hộ ở cả hai viện. Diễn biến này sẽ khiến nội bộ đảng Cộng hòa tiếp tục chia rẽ hơn nữa trong giai đoạn từ đây đến thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Nhưng trước mắt, hai bang California và New York đang cân nhắc hành động pháp lý chống lại Tổng thống Trump. Thống đốc đảng Dân chủ của bang California Gavin Newsom mô tả tình trạng khẩn cấp quốc gia là “ngụy tạo”, trong khi Tổng chưởng lý bang New York Letitia James nói rõ bang này không chấp nhận hành động lạm quyền và sẽ đáp trả bằng mọi công cụ pháp lý. Kết quả khảo sát tuần này cũng cho thấy hầu hết người Mỹ phản đối tuyên bố khẩn cấp của ông Trump. Hiện nhiều chủ đất dọc biên giới đã đâm đơn kiện với cáo buộc tuyên bố của tổng thống là “vi hiến” và vi phạm quyền sở hữu đất đai của họ.

Các tổng thống Mỹ đã có 58 lần ban bố tình trạng khẩn cấp kể từ khi Quốc hội thông qua Đạo luật khẩn cấp quốc gia năm 1976. Hiện 31 lệnh vẫn còn hiệu lực. Hầu hết đều nhằm mục đích xử lý khủng hoảng nước ngoài và liên quan lệnh đóng băng tài sản, phong tỏa thương mại hoặc xuất khẩu cũng như hành động chống lại các quốc gia đối thủ. Hai trường hợp tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để sử dụng ngân sách mà không cần cơ quan lập pháp thông qua là cố Tổng thống George Bush vào năm 1990 trong cuộc chiến vùng Vịnh và lần khác bởi con trai ông, Tổng thống George W. Bush vào năm 2001 sau loạt tấn công khủng bố ở New York, Washington và Pennsylvania. Cả hai đều chuyển quỹ quốc phòng phục vụ mục đích quân sự.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ông Trump