05/10/2019 - 09:09

Ông Trump đề nghị Trung Quốc điều tra đối thủ 

Giữa lùm xùm luận tội, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần nữa “mời” nước ngoài can thiệp bầu cử Mỹ khi công khai kêu gọi Trung Quốc điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden - đối thủ chính trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Tổng thống Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Tổng thống Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Ông Trump đang đối mặt thách thức luận tội sau đề nghị tương tự trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo đảng Dân chủ, đây là “dấu hiệu rõ ràng” cho thấy Tổng thống Trump lạm dụng quyền lực, tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước ngoài nhằm gây tổn hại cho đối thủ.

Phát biểu hôm 3-10, ông Trump chỉ trích cuộc điều tra luận tội là “vô bổ”, rằng không chỉ Ukraine mà Trung Quốc nhân đây nên mở cuộc điều tra nhà Biden. Cách đây vài ngày, ông Trump cáo buộc con trai cựu Phó Tổng thống Mỹ là Hunter Biden nhận từ Trung Quốc 1,5 tỉ USD vào quỹ đầu tư sau khi đến nước này cùng cha mình năm 2013. Tuy không đưa ra bằng chứng nào trong khi Hunter Biden luôn phủ nhận mọi hành động sai trái, ông Trump vẫn tin rằng những gì xảy ra ở Trung Quốc “cũng tệ” như đã diễn ra ở Ukraine. Mặc dù chưa trực tiếp đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở cuộc điều tra, ông Trump úp mở đây là chuyện mà Nhà Trắng bắt đầu nghĩ đến.

Trong khi đó, truyền thông Mỹ cùng ngày tiết lộ Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm hồi tháng 6 với ông Tập đã thảo luận về hai đối thủ tiềm năng trong cuộc bầu cử năm 2020: Joe Biden và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.

Chiến thuật của ông Trump

Tổng thống Trump đưa ra yêu cầu với Trung Quốc ngay lúc Hạ viện Mỹ tiến hành thẩm vấn nhân chứng đầu tiên trong cuộc điều tra luận tội. Lời đề nghị táo bạo này cho thấy tỉ phú New York sẽ còn hành động như thể chuyện yêu cầu nước khác điều tra đối thủ tranh cử là bình thường. Nó khiến mọi người nhớ lại năm 2016, thời điểm ông Trump “nhờ” Nga xâm nhập hệ thống email cá nhân của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton khi bà giữ chức ngoại trưởng. Đây được xem là động thái vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Mỹ khi một chính trị gia kêu gọi chính phủ nước ngoài tấn công đối thủ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây là chiến thuật mà ông Trump đã vận dụng thành công. Theo đó, việc phơi bày các cuộc đối thoại bí mật đáng ngờ được cho giúp chủ nhân Nhà Trắng giành lấy ủng hộ và đập tan các cáo buộc về hành vi bất chính hoặc cản trở công lý.

Joe Biden lên tiếng bảo vệ vai trò tại Ukraine

Tối 3-10, ông Biden đã đưa ra một lời giải thích chi tiết về công việc của ông trên cương vị Phó Tổng thống. Ông khẳng định “đã thực hiện một chính sách hoàn toàn minh bạch trước toàn thế giới” khi hối thúc sa thải trưởng công tố Ukraine Viktor Shokin. Ông cũng cho biết thêm rằng chính sách này của chính quyền Tổng thống Barack Obama khi đó đã nhận được sự ủng hộ của các chính phủ phương Tây, những nước cũng nhận định ông Shokin là nhân vật không có năng lực hoặc có thể tham nhũng.

Trước đó, ông Biden đã gọi việc ông Trump gây sức ép với Tổng thống Zelenskiy điều tra cha con ông “là một sự dối trá mới”, đồng thời nhấn mạnh không có bằng chứng nào cho thấy nhà Biden làm điều gì sai trái.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết