10/11/2010 - 08:45

Ông Obama trở lại xứ sở thời thơ ấu

Tổng thống Indonesia và phu nhân (phải) tiếp ông Obama và bà Michelle Obama. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (9-11) đã tới Thủ đô Jakarta bắt đầu thăm chính thức Indonesia trong 2 ngày. Đây là chặng dừng chân thứ hai (sau Ấn Độ) và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chuyến công du châu Á kéo dài 10 ngày của ông. Chuyến đi này hứa hẹn mang lại cho ông chủ Nhà Trắng nhiều cảm xúc, bởi nơi này vẫn còn lưu lại những kỷ niệm thời thơ ấu của ông.

Ông Obama từng sống ở Thủ đô Jakarta trong 4 năm từ lúc 6 tuổi tới 10 tuổi hồi những năm 1960. Theo kế hoạch, ông Obama sẽ đến thăm ngôi trường cũ, nơi những bạn học bản xứ vẫn thường gọi ông với biệt danh là “Barry” (ám chỉ người chạy như con vịt). Ông Obama sẽ dành thời gian đến thăm nhà thờ Hồi giáo Istiqlal lớn nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, ông còn có bài phát biểu ngoài trời, dự kiến thu hút đông đảo công chúng là người Hồi giáo. Đây là cơ hội mới để lãnh đạo nước Mỹ bày tỏ thiện chí với thế giới Hồi giáo như đã từng bộc lộ tại Cairo (Ai Cập) tháng 6-2009, nơi ông đề nghị “một khởi đầu mới với thế giới Hồi giáo, dựa trên lợi ích và sự tôn trọng lẫn nhau”.

Indonesia là quốc gia có nhiều người Hồi giáo sinh sống nhất thế giới, đông hơn tất cả các nước Hồi giáo ở Trung Đông gộp lại. Người dân Indonesia coi ông Obama như một người lãnh đạo không chỉ có khả năng hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo, mà còn là người có sự hiểu biết đặc biệt về đất nước mà ông đã từng sinh sống khi còn là một cậu bé. So với thời ông Bush còn làm Tổng thống, hình ảnh nước Mỹ ngày nay trong mắt người dân Indonesia đã được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2008 chỉ có 37% số người Indonesia được hỏi có ý kiến tích cực về nước Mỹ thì con số này năm 2009 đã tăng lên tới 63%. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, 56% số người Indonesia được hỏi tỏ ra không hài lòng chính sách của ông Obama đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Có thể nói, người dân Indonesia đã bớt phấn chấn hơn so với 2 năm trước khi ông Obama được bầu làm tổng thống. Dẫu vậy, Indonesia vẫn là một đồng minh đang lên của Mỹ. Theo ông Ben Rohdes, phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng phụ trách vấn đề truyền thông, nước Mỹ xem Indonesia là quốc gia dân chủ mới nổi, một đối tác rất quan trọng cho các lợi ích chiến lược trong tương lai của Mỹ tại châu Á và trên thế giới. Indonesia là thành viên của Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20). Với Mỹ, đất nước này là một đối tác thương mại tiềm năng, khi dân số đông đứng thứ 4 thế giới với hơn 227 triệu người tiêu dùng nhưng chỉ mới nhập khẩu từ Mỹ khoảng 6 tỉ USD hàng hóa/năm, đứng hàng thứ 37 trong danh sách các thị trường xuất khẩu của Mỹ.

Dự kiến, Tổng thống Barack Obama và người đồng nhiệm nước chủ nhà Susilo Yudhoyono sẽ ký hiệp ước “Đối tác toàn diện” mà hai nước đã thỏa thuận cách đây một năm. Hiệp ước này là nền tảng để Mỹ và Indonesia tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục, văn hóa và chống biến đổi khí hậu.

PHÚC NGUYÊN (Theo AP, AFP và Reuters)

Tổng thống Indonesia và phu nhân (phải) tiếp ông Obama và bà Michelle Obama. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết