HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)
Trên đường trở về Mỹ sau chuyến thăm Israel kéo dài 7 giờ đồng hồ giữa cao trào chiến sự, Tổng thống Joe Biden cho rằng sứ mệnh khẩn cấp của ông tới Israel đầy rủi ro nhưng đã thành công. Tuy nhiên, có sự hoài nghi về chính xác những gì ông đạt được trong chuyến đi này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại sân bay ở Tel Aviv ngày 18-10. Ảnh: Reuters
Hôm 18-10, Tổng thống Biden nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một rằng ông hài lòng vì đã hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là vấn đề gỡ bỏ rào cản để hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza đang bị phong tỏa.
Theo tờ Politico, ông Biden quyết định tới thăm Israel vì 2 lý do chính: ủng hộ quốc gia đồng minh này và ngăn chặn xung đột leo thang. Tuy nhiên, ông chỉ đạt được mục đích đầu tiên là bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc đối với Israel, chia sẻ trước những đau khổ và mất mát mà nước này hứng chịu trong cuộc xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas.
Ông Biden đã không có cơ hội hoàn thành những mục đích rộng lớn hơn trong chuyến thăm Israel sau khi vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Dải Gaza, khiến hàng trăm người chết tối 17-10, đã khơi mào các cuộc biểu tình tại nhiều quốc gia Arab. Ðó chính là thảm kịch mà chủ nhân Nhà Trắng hy vọng ngăn chặn bằng cách đến thăm khu vực, song chuyến công du của ông diễn ra quá muộn.
Thảm kịch trên đã khiến Tổng thống Biden không thể thực hiện chuyến thăm quan trọng tới thủ đô Amman của Jordan để gặp Quốc vương Jordan Abdullah II, các nhà lãnh đạo Ai Cập và Palestine như dự kiến. Hội nghị thượng đỉnh bàn về Gaza hôm 18-10 đã bị hủy bỏ sau khi xảy ra vụ nổ ở bệnh viện. Cuộc gặp tại Amman rất quan trọng cho nỗ lực của Tổng thống Biden cân bằng sự ủng hộ rõ rệt đối với Israel với nỗ lực hợp tác cùng các nhà lãnh đạo Arab mà ông cần để giúp kiềm chế xung đột hiện nay. Trước đó, Mỹ đã điều 2 tàu sân bay tới gần Israel nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với nước này sau vụ đột kích của lực lượng Hamas làm chết hơn 1.400 dân thường Israel.
Thông tin Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Tổng thống Palestine Mamoud Abbas sẵn sàng phớt lờ ông Biden, cho thấy Mỹ không có nhiều ảnh hưởng ở thời điểm này hoặc hy vọng rằng Washington có thể cứu vãn sáng kiến hòa bình khu vực.
Ðài CNN nhận định Tổng thống Biden có thể đã làm tăng những hoài nghi trong khu vực về vai trò của Mỹ khi ông nói vụ nổ tại bệnh viện ở Gaza dường như do một “nhóm khác” gây ra. Bình luận này có nguy cơ bào mòn hơn nữa khả năng của ông Biden đóng vai trò trung gian vốn cần thiết để xoa dịu căng thẳng trong khu vực. Ông Biden đã ủng hộ tuyên bố của Israel rằng vụ nổ tại bệnh viện là do trúng rocket phóng nhầm của Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) ở Gaza khi rocket đang hướng tới Israel.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestia, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận định Trung Ðông đang chứng kiến một cuộc chiến khác, một cuộc chiến không nguyên tắc, sử dụng lực lượng quá mức nhằm vào dân thường. Theo ông, xung đột Hamas-Israel hiện nay đang gây quan ngại, khi có nguy cơ leo thang thành xung đột toàn khu vực hoặc thậm chí là chiến tranh toàn cầu, nếu tình hình diễn biến xấu.
Ông cũng nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng thể hiện qua con số thương vong, thiệt hại ghi nhận mỗi ngày. Ông đánh giá vụ tấn công bằng tên lửa vào bệnh viện tại Dải Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng là một thảm kịch khủng khiếp. Theo ông, đây là hành động cần bị lên án mạnh mẽ, bởi vụ tấn công diễn ra bất chấp việc bệnh viện và các nhân viên y tế đều được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế. Ông đánh giá đây không phải vụ việc cuối cùng trong chuỗi những diễn biến nghiêm trọng tại khu vực.