08/07/2021 - 08:27

Ông Biden hối thúc người dân tiêm vaccine 

Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa thúc giục người dân nước này tiêm vaccine COVID-19, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa biến thể Delta dễ lây lan.

Khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi đầu năm nay, chỉ khoảng 3 triệu người Mỹ được tiêm vaccine đầy đủ. Ảnh: UPI

“Gõ cửa từng nhà”

Bất chấp việc Mỹ sẽ có gần 160 triệu người được tiêm phòng đầy đủ trước cuối tuần này, Tổng thống Biden cho rằng hàng triệu người vẫn chưa được chủng ngừa. “Vì vậy, cộng đồng và bạn bè của họ sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Ðiều này thậm chí còn đáng lo ngại hơn bởi biến chủng Delta”, chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh trong bài phát biểu hôm 6-7. Song song đó, ông Biden cũng công bố nỗ lực mới nhất nhằm tăng tỷ lệ tiêm vaccine, chỉ 2 ngày sau khi Mỹ không đạt được mục tiêu tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho 70% người trưởng thành xứ cờ hoa trước Quốc khánh 4-7 (chỉ đạt khoảng 67%).

Trong nỗ lực mới, chính quyền Mỹ sẽ tập trung vào việc thúc đẩy khả năng cung cấp vaccine tại những địa điểm như văn phòng bác sĩ và các công sở. Ðội ngũ của ông Biden cũng dốc sức đưa vaccine đến tay các bác sĩ khoa nhi và những người chăm sóc sức khỏe trẻ em, với mục tiêu có thêm trẻ trong độ tuổi 12-18 được chủng ngừa trước khi chúng trở lại trường học vào mùa thu tới. Ngoài ra, Mỹ cử cả lực lượng đi đến từng cộng đồng, khu phố để khuyến khích dân chúng tiêm vaccine. Theo đó, những người làm nhiệm vụ “gõ cửa từng nhà” sẽ cung cấp thông tin về tính an toàn và hiệu quả của vaccine cho những người chưa tiêm chế phẩm này.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky, hiện có khoảng 1.000 hạt, chủ yếu ở vùng Ðông Nam và Trung Tây chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng chưa tới 30%. Các bang có tỷ lệ tiêm vaccine dưới mức trung bình ghi nhận số ca nhiễm mới cao gấp 3 lần so với các bang có tỷ lệ tiêm vaccine trên mức trung bình. CDC cho rằng số ca mắc mới tăng cao tại những nơi này là do sự lây lan của biến thể Delta. Trước tình hình trên, chính quyền ông Biden đã huy động các đội phản ứng nhằm hỗ trợ những bang có tỷ lệ tiêm vaccine thấp trong công tác phòng chống và đối phó với sự lây lan của biến thể Delta.

Biến thể Delta (được phát hiện lần đầu ở Ấn Ðộ) đã xuất hiện tại 96 quốc gia. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, độ nguy hiểm của biến chủng Delta chủ yếu ở khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh). Tháng rồi, Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci cảnh báo biến thể Delta là “mối đe dọa lớn nhất” đối với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của nước này.

Hiện nay, biến thể Delta chiếm hơn phân nửa số ca nhiễm mới ở Mỹ. Dữ liệu của CDC cho thấy biến thể này đã tăng từ 30,4% trong tổng số ca mắc mới giai đoạn ngày 6 đến 19-6 lên 51,7% trong giai đoạn 20-6 đến 3-7. Trong khi đó, biến thể Alpha hiện chiếm 28,7% số ca nhiễm mới ở Mỹ. Theo các chuyên gia y tế, cách phòng ngừa các biến thể tốt nhất là tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

Nhiều người e ngại vaccine

Tuy nhiên, lưỡng lự tiêm vaccine được cho là nguyên nhân khiến Mỹ bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng. Việc phản đối tiêm chủng vẫn diễn ra đặc biệt mạnh mẽ trong các thành viên đảng Cộng hòa. Cuộc thăm dò của các Hãng tin Washington Post/ABC News cho thấy 86% đảng viên Dân chủ và 54% đảng viên độc lập đã nhận ít nhất một liều vaccine, trong khi tỷ lệ này ở đảng Cộng hòa chỉ là 45%.

Khảo sát trên cũng chỉ ra có tới 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ chưa tiêm phòng khẳng định sẽ không hoặc có thể không tiêm vaccine. 73% số người được hỏi cho rằng giới chức y tế đã phóng đại rủi ro do biến thể Delta gây ra, trong khi 79% tin rằng họ có ít hoặc không có nguy cơ mắc COVID-19.

Trong số gần 10.000 ca tử vong ở Mỹ hồi tháng rồi, khoảng 99,2% nạn nhân chưa được tiêm chủng và chỉ có 0,8% đã được tiêm chủng. Chuyên gia Fauci nhấn mạnh không có loại vaccine nào là hoàn hảo, nhưng nó có thể phòng ngừa và giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.

Mỹ hỗ trợ Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna

 Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tuyên bố của Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Paski tại cuộc họp báo sáng 7-7 (giờ Việt Nam) cho biết trong tuần này, Việt Nam sẽ nhận được 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna.

Một quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết vaccine sẽ được chuyển cho Việt Nam thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới và các nước đối tác dẫn đầu, là một phần trong chiến lược “nhằm chấm dứt đại dịch trên thế giới”.

Trước đó, tại cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ngày 28-5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước tiếp cận vaccine thông qua chương trình COVAX, trong đó có 80 triệu liều vaccine mà Mỹ sẽ cung cấp cho thế giới.

Ngày 5-7, Mỹ đã chuyển một triệu liều vaccine tới Malaysia. Theo thông báo của Nhà Trắng tuần trước, Indonesia cũng sẽ sớm được nhận 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Các nước khác sẽ nhận được một phần trong số 80 triệu liều từ Mỹ bao gồm Campuchia, Lào, Papua New Guinea, Philippines và Thái Lan. Đến nay, Mỹ đã giao tổng cộng chừng 40 triệu liều vaccine cho các quốc gia và vùng lãnh thổ.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, VOA)

Chia sẻ bài viết