07/12/2017 - 21:07

Ở nơi “xứ sở thần tiên”… 

Hàng xóm, láng giềng cùng chia ổ bánh mì chấm nước tương, uống ly cà phê tự pha buổi sáng rồi cùng dọn dẹp đường phố, chia sẻ buồn vui… Chuyện thú vị đó có ở tổ 9 và tổ 9A, khu vực 1, phường An Thới, quận Bình Thủy. Với bà con trong xóm nhỏ này, ngày nào cũng “vui như Tết”, và ví von đó là “xứ sở thần tiên”.

“Chị Hai ơi, rồi chưa? Lẹ qua!”, “Phương, công chuyện rồi chưa con, ghé luôn!”- cô Thạch Kim Lang réo gọi từng người trong xóm mà tay thì loay hoay pha cà phê, rót nước tương để chấm bánh mì… trong sân nhà cô Phan Thị Nga. 

Vậy rồi dì Hai, cô Tư… lần lượt đến, người cầm bọc bánh mì, người cầm lon sữa… hề hà chào buổi sáng. Bữa điểm tâm mà ai cũng nói đùa là “góp gạo thổi cơm chung” nhưng vui vẻ và ấm lòng đến lạ. Câu chuyện của phường, của xóm cứ râm ran trong những tiếng cười nói giòn tan như phá tan không khí yên ắng khi ngày mới bắt đầu. Thấy vậy cô Thu Mai xung phong ca vọng cổ, rồi cô Kim Lang bắt nhịp cho “mấy bà bạn” đồng thanh: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”.

Xong chuyện điểm tâm, mỗi người cái chổi, cây dao chia nhau ra làm vệ sinh đường phố, làm cỏ ven đường. Do tuyến đường thường xuyên được chỉnh trang nên chẳng mấy chốc các cô, các chị đã quét dọn xong, chia tay ra về mà ai cũng rạng ngời niềm vui. Các cô nói, hôm nào làm vệ sinh thì thay cho một buổi tập thể dục.

Cô Thạch Kim Lang, Tổ trưởng tổ phụ nữ 9- khu vực 1, cho biết, 3- 4 năm trước các cô đã nghĩ ra chuyện hùn tiền bỏ heo đất. Cứ khoảng tháng 9 hằng năm thì “mần heo” để thành viên lo chuẩn bị cho con cháu tựu trường, chuẩn bị mừng Ngày 20-10… 

Các cô trong tổ 9 và tổ 9A làm vệ sinh đường phố. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Từ khi thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ và từ khi con hẻm được nâng cấp khang trang, cứ cuối tuần các cô lại rủ nhau làm vệ sinh đường phố, trồng hoa kiểng cả ở nhà mình lẫn những đoạn đất trống. Hoa thơm lấn át cỏ dại, tình láng giềng nhờ vậy cũng thơm thảo, phố phường thì văn minh.

Trong xóm, dù người lớn tuổi như cô Út Kim Anh (71 tuổi), hay người trẻ như chị Mai Phương làm nghề bán nước đá (34 tuổi) cũng hăng say với việc chung. Bữa nào cả xóm ngồi chia nhau ổ bánh mì, ly cà phê thì ai cũng đến đông đủ. Với các cô, “no bụng” là ở cái tình.

Chị Mai Phương tính “tiếu lâm”, luôn khiến các cô cười “đau bụng”. “Nhờ có các cô mà tôi hiểu hơn về tình làng, nghĩa xóm, biết sống trách nhiệm với cộng đồng. Ở đây là “xứ sở thần tiên” rồi!”- chị Phương cười tươi.

Bà con trong xóm nhỏ này, mỗi người một hoàn cảnh: người khá giả, người chức vị, cũng có người kinh tế khó khăn, bệnh tật… Nhưng từ lâu, bà con coi nhau “đồng đẳng” bằng tình nghĩa láng giềng. Bà con hiểu rõ từng gia cảnh của nhau, cuộc sống thế nào… bằng sự cảm thông và sẻ chia như ruột thịt. Như chuyện về cô L. làm thợ may, chồng cô phụ hồ và có cô con gái chưa ngoan.

Tưởng như cô L. đã “bó tay” với con nhưng các cô trong xóm, nhất là cô Thạch Kim Lang, tận tình bảo ban, khuyên nhủ như mẹ hiền mà cô gái ấy đã biết vâng lời, giờ đã có gia đình. Ngay như cô Kim Lang, rất năng nổ chuyện xóm làng nhưng gia cảnh cô khá buồn: con bị tai nạn giao thông bị liệt, chồng cô bị tai biến. Lắm lúc cô Lang cũng buồn nhưng rồi những lời an ủi, động viên của lối xóm giúp cô lấy lại tinh thần.

“Xứ sở thần tiên”- cách ví von không cường điệu mà rất ý nghĩa với bà con trong tổ 9 và 9A này. “Xứ sở thần tiên” không ở xa vời mà ngay trong cách sống, cách sẻ chia của những cư dân ở đó.

Bà Trần Thị Ngọc Lê, Bí thư Chi bộ 3, Đảng bộ bộ phận khu vực 1, phường An Thới, nói: “Chính sự đoàn kết, gắn bó mà bà con tổ 9 và tổ 9A nhiều năm qua thắt chặt tình làng nghĩa xóm, thực hiện tốt các phong trào, nhất là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết