03/11/2020 - 20:34

Nước Mỹ gọi tên Trump hay Biden? 

Nói như các chuyên gia, chưa có kỳ bầu cử nào trong lịch sử Mỹ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt như năm nay, khi cuộc khủng hoảng đa chiều bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 “đốt lửa” cho cuộc đua giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden “nóng” đến giờ chót.

Cả ông Trump (trái) và Biden đều quyết tâm giành chiến thắng.

►Trump và Biden chia nhau chiến thắng ở hai điểm bỏ phiếu đầu tiên

Rạng sáng 3-11 (theo giờ Mỹ), tức đầu giờ chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, cử tri ở 2 thị trấn nhỏ gồm Millsfield và Dixville Notch thuộc bang New Hampshire đã trở thành những người đầu tiên đi bỏ phiếu.

Theo CNN, kết quả kiểm phiếu tại chỗ cho thấy tại Millsfield, Tổng thống Trump nhận được 16 phiếu ủng hộ, trong khi ông Biden chỉ giành được 5 phiếu. Còn tại Dixville Notch, ứng viên Biden giành được 5 phiếu, trong khi ông Trump không được phiếu nào.

Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump cũng giành chiến thắng tại Millsfield với 16 phiếu ủng hộ, còn ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ được 4 phiếu. Trong khi đó, bà Clinton đánh bại ông Trump ở Dixville Notch với 4 phiếu ủng hộ.

Trước giờ G bầu cử, hầu hết thăm dò đều nghiêng về ông Biden, bao gồm những bang chiến địa nằm trong mục tiêu bảo vệ của đảng Cộng hòa. Khảo sát tuy được thực hiện trong giai đoạn cuối trước ngày 3-11, nhưng nhiều chuyên gia cho biết sẽ rất liều lĩnh nếu đưa ra nhận định thắng - thua cụ thể trước “trận chung kết”, bởi Tổng thống Trump vẫn có khả năng “đảo ngược tình thế” giống như đã làm cách nay 4 năm trước đối thủ Clinton.

Với tự tin, Tổng thống Trump trước người ủng hộ ở thành phố Fayetteville (Bắc Carolina) hôm 2-11 khẳng định “kiểu gì chúng ta cũng thắng”, đồng thời bác bỏ các kết quả thăm dò mà ông gọi là “giả mạo”. Về phần mình, ông Biden tuyên bố: “Ðây là thời điểm để Donald Trump cuốn gói về nhà. Chúng ta đã thấy đủ sự hỗn loạn, những dòng tweet, sự giận dữ, căm ghét, thất bại và vô trách nhiệm” - cựu Phó Tổng thống chỉ trích.

►Cử tri Mỹ coi trọng điều gì?

Trong các kỳ bầu cử trước, người dân Mỹ nhìn chung quan tâm nhiều đến chính sách kinh tế, phúc lợi xã hội và việc làm. Nhưng năm nay, đại dịch COVID-19 không chỉ đảo lộn mọi thứ mà còn trở thành một trong những yếu tố quyết định đường đua vào Nhà Trắng. Trong các cuộc khảo sát về 3 vấn đề quan trọng nhất mà Mỹ đang đối mặt, 44% người tham gia trên toàn quốc đã chọn COVID-19, tiếp theo là kinh tế, việc làm và phí sinh hoạt với tỷ lệ 43% và 31% chọn tham nhũng chính trị.

Ðối với ứng viên Biden, đề xuất giải quyết nạn phân biệt chủng tộc, đoàn kết nước Mỹ và đặc biệt là cách tiếp cận đại dịch hoàn toàn trái ngược với Tổng thống Trump đã giúp ông giành lấy ủng hộ từ cử tri. Hôm 2-11, ông Biden cam kết sẽ hành động để kiểm soát COVID-19 “ngay trong ngày đầu tiên” nếu đắc cử. Ngược lại, phe Cộng hòa được tin tưởng hơn khi bàn đến vấn đề quản lý kinh tế. Ngoài thành công “cài” ba thẩm phán có xu hướng bảo thủ trong Tòa án Tối cao, việc ông Trump luôn thể hiện mình là người duy nhất có khả năng duy trì trật tự công cộng, cùng những giá trị truyền thống so với đối thủ Biden theo tư tưởng cánh tả cấp tiến đã giúp ông củng cố lòng tin ở nhóm cử tri trung thành.

►Đảng Dân chủ phòng bị

Sau nhiều tháng làm việc cùng luật sư, giới chuyên gia và những tổ chức về hiến pháp, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết Quốc hội đã chuẩn bị nhiều phương án đề phòng Tổng thống Trump “gây hỗn loạn” sau bầu cử. Ðây là kịch bản không mong muốn nhưng sẵn sàng được tiến hành nếu cần thiết, bà Pelosi nói thêm. Tuyên bố của người đứng đầu Hạ viện được đưa ra sau nhiều tháng tổng thống bị tố “tấn công tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, thiếu tôn trọng Hiến pháp và nền dân chủ nước nhà”.

Theo đó, ông Trump tuy không đưa ra bằng chứng nhưng liên tục đề cập với cử tri về nguy cơ gian lận lá phiếu trên diện rộng. Ngoài từ chối cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình nếu thua cuộc, ứng viên đảng Cộng hòa còn xác nhận lên kế hoạch cho cuộc chiến pháp lý để ngăn các bang kiểm phiếu sau ngày bầu cử. Tuy ông Trump gần đây bác khả năng tuyên bố chiến thắng sớm ngay trong đêm 3-11 (ngày 4-11 theo giờ Việt Nam) nếu chiếm đa số phiếu ở những bang quan trọng, bà Pelosi cảnh báo bầu cử không phải trò chơi trẻ con và hành vi của ông Trump có thể bị xem là “vi hiến”.

Cử tri đi bầu tại Dixville Notch, bang New Hampshire. Ảnh: AFP

Về khả năng một trong hai ứng viên có thể yêu cầu phủ nhận kết quả bầu cử, Giáo sư Tiến sĩ Meena Bose tại Ðại học Hofstra ở New York cho biết luật pháp Mỹ cho phép ứng viên tổng thống có quyền không công nhận kết quả bầu cử. Trên thực tế, tình trạng đó đã xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Thậm chí, vấn đề tranh cãi kết quả kiểm phiếu có thể phải đưa ra tòa án của bang hay tòa án liên bang nếu được yêu cầu. Bà cho biết nếu kết quả về phiếu bầu phổ thông và phiếu bầu đại cử tri quá khác biệt thì tranh chấp có thể xảy ra. Ngoài ra, vấn đề kiểm phiếu ở những bang chiến địa như Florida, Pennsylvania và cả Texas cũng có thể là nguyên nhân khiến một trong hai đảng quyết định không công nhận kết quả bỏ phiếu. Như vậy, khả năng một đảng phủ nhận kết quả trúng cử của đảng còn lại có xảy ra hay không phụ thuộc kết quả thắng cử của một bên có thuyết phục và áp đảo không.

►Các bang huy động vệ binh quốc gia

Cùng với quan ngại ông Trump “giở trò”, CNN cho biết giới chức trách liên bang dự kiến dựng một hàng rào thép không thể bám xung quanh khuôn viên Nhà Trắng trong ngày bầu cử để phòng ngừa biểu tình bạo động lan rộng thành bất ổn dân sự, thậm chí nổi dậy có vũ trang. Hồi mùa hè, hàng rào tương tự đã được dựng lên quanh tòa nhà chính phủ khi làn sóng biểu tình chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc diễn ra trên cả nước.

Không chỉ ở Nhà Trắng, tờ Guardian ghi nhận bầu không khí bất an dường như bao phủ khắp thủ đô Washington khi mọi người chuẩn bị tinh thần cho nguy cơ bất ổn sau khi có kết quả bầu cử. Theo đó, nhiều doanh nghiệp bắt đầu gia cố cửa hàng, Ðại học George Washington còn kêu gọi sinh viên và nhân viên dự trữ thực phẩm, vật tư và thuốc men ít nhất cho một tuần.

Các cơ quan thực thi pháp luật cũng trong tình trạng sẵn sàng nếu người chiến thắng không sớm được xác định. Cụ thể, báo cáo của tờ Daily Beast tiết lộ hơn 100 nhân viên từ Cục Nhà tù Liên bang đang trong trạng thái trực chiến chống bạo loạn. Ở nhiều bang như Massachusetts, Arizona và Oregon, thống đốc nơi đây đã yêu cầu lực lượng vệ binh quốc gia sẵn sàng làm nhiệm vụ nếu xảy ra biểu tình lớn dẫn đến xung đột trong cuộc bầu cử. Theo tờ Military Times, có hơn 3.600 quân nhân đã nhận được lệnh điều động.

Theo các công ty cá cược, bầu cử Mỹ 2020 là sự kiện cá cược lớn nhất mọi thời đại với ước tính 1 tỉ bảng Anh được “nướng” vào các sàn giao dịch. Betfair Exchange tại Anh cho biết, có người đã đặt cược tới 1 triệu bảng (1,3 triệu USD) vào chiến thắng của ông Biden. Hầu hết số tiền cược được đặt bên ngoài nước Mỹ vì cá cược chính trị là bất hợp pháp ở xứ cờ hoa.

Giáo sư Tiến sĩ Meena Bose tại Đại học Hofstra ở New York nhận định nhiều khả năng nước Mỹ sẽ không thể sớm có kết quả bầu cử, bởi việc kiểm nhiều loại phiếu bầu - cả trực tiếp và qua bưu điện - sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhất là khi các quy định bỏ phiếu và kiểm phiếu ở mỗi bang không giống nhau.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết