11/06/2021 - 19:42

Nước Mỹ đã trở lại? 

Theo khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, Mỹ đang dần lấy được lại danh tiếng trên trường quốc tế kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền đầu năm nay.

Kết quả công bố hôm 10-6 cho thấy, đa phần người dân ở 16 quốc gia tham gia khảo sát tán thành lãnh đạo đương nhiệm của nước Mỹ hơn là cựu Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Biden (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Getty Images

Nhìn chung, nhiều người vẫn coi Mỹ là “đối tác đáng tin cậy” và hơn 60% đối tượng được hỏi ở mỗi nước tin tưởng Tổng thống Biden sẽ giải quyết tốt các vấn đề thế giới. Trong khảo sát tương tự hồi năm ngoái, tới 83% cho biết họ không tin ông Trump có thể đưa ra quyết định đúng đắn và ở thời điểm cuối nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, chỉ 34% duy trì quan điểm tích cực về nước Mỹ so với trung bình 62% dành cho chính quyền hiện nay.

Tuy quan điểm ủng hộ Mỹ có nhiều thay đổi thuận lợi nhưng khác nhau ở từng khu vực. Chẳng hạn tại Anh, 64% có cái nhìn tích cực với Washington so với 41% dưới thời ông Trump nắm quyền. Tỷ lệ này cũng được cải thiện ở nhiều quốc gia châu Âu khác như Pháp, Ðức, Ý và Hà Lan. Ở Úc và Singapore, khoảng 50% người tỏ ra ủng hộ Mỹ trong khi chỉ 42% người New Zealand theo quan điểm này.

Khảo sát được công bố giữa thời điểm Tổng thống Biden đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu, mang theo sứ mệnh hàn gắn quan hệ với các đồng minh truyền thống và trấn an đối tác về nền dân chủ xứ cờ hoa vẫn hoạt động hiệu quả. Ðây là một phần trong nỗ lực của chính trị gia 78 tuổi nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi “kỷ nguyên Trump” và xây dựng lại vị thế của Washington trên toàn cầu. Song, theo khảo sát mới rồi, chỉ duy nhất Ðức là quốc gia có đa số người dân tin quan hệ với Mỹ được cải thiện trong vài năm tới. Còn lại những nước khác, phần lớn mọi người cho rằng mối quan hệ với Mỹ vẫn như cũ. Ðánh giá về tình trạng dân chủ và hệ thống chính trị Mỹ cũng ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng phần lớn người dân ở 16 quốc gia đều đồng ý Mỹ từng là “ngọn cờ đầu” cổ vũ dân chủ, tự do và nhân quyền nhưng đã mất đi vị thế trong những năm gần đây.

Trước những rào cản đe dọa nỗ lực tái thiết quan hệ và sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đồng minh, Tổng thống Biden hiện đang công du Anh đã thể hiện cách tiếp cận khác biệt so với một “Nước Mỹ trên hết” dưới thời Trump. Theo đó, ông khẳng định các liên minh của Mỹ không phải được xây dựng trên ép buộc hay duy trì bằng sự đe dọa mà tất cả đều dựa vào “lý tưởng dân chủ và tầm nhìn chung về tương lai, nơi mọi tiếng nói đều được coi trọng”.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Anh ngày 11-6, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) xác định đây là thời điểm các nền dân chủ lớn cần hợp lực và gánh vác trách nhiệm, nghĩa vụ nhân đạo giúp người dân thế giới được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ.

Theo cam kết, Washington sẽ viện trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech với giá trị ước tính 3,5 tỉ USD cho 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình mà không kèm theo điều kiện ràng buộc. Dự kiến, 200 triệu liều đầu tiên được phân phối vào cuối năm nay và 300 triệu liều vào tháng 6 năm sau. Trong khi đó, Anh cũng tuyên bố G7 sẽ mở rộng sản xuất vaccine COVID-19 để cung cấp ít nhất 1 tỉ liều trên toàn cầu thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.

MAI QUYÊN (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết