13/04/2016 - 20:18

Nụ cười “Lý lắc Nam bộ”

Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929 ở Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, là một trong số những tác giả được mệnh danh là "Ông già Nam Bộ". "Lý lắc Nam bộ" là 1 trong 5 cuốn sách của ông được NXB Trẻ ký kết tác quyền và ra mắt độc giả vào cuối năm 2015.
Tập tản văn lôi cuốn độc giả bằng những câu chuyện bình dị nhưng ý nghĩa, lối hành văn mộc mạc, hóm hỉnh và phóng khoáng.

"Lý lắc Nam bộ" tập hợp 39 tản văn được tác giả viết qua nhiều thời kỳ. Dù bối cảnh cách đây vài chục năm hay ở hiện tại, thì những câu chuyện của ông vẫn toát lên đặc trưng phong tục, tập quán, tính cách con người Nam bộ. Ý nghĩa về lối sống, đạo làm người, tình nghĩa vợ chồng… vẫn vẹn nguyên giá trị theo thời gian.

Nhà văn Trần Kim Trắc tỉ tê với độc giả những việc rất đỗi đời thường bằng giọng văn duyên dáng, hài hước và tỉnh như không. Từ chuyện vợ chồng cự cãi đòi bỏ nhau để hai bên sui gia phải đứng ra giải quyết, chuyện xóm giềng từ chỗ thân thiết nhưng chỉ vì chút ranh giới đất đai dẫn đến bất hòa, chuyện đám giỗ ở nhà quê đến chuyện nông dân làm giàu… Lối kể nhẩn nha, chậm rãi nhưng hóm hỉnh của "Ông già Nam bộ" cuốn người đọc theo từng câu chữ để từ đó thấy được nét văn hóa trong sinh hoạt của người Nam bộ; cảm sự hiền lành chân chất, chịu thương chịu khó của nông gia; yêu sự phóng khoáng, mau giận và cũng dễ làm hòa của người dân vùng sông nước…

Đặc biệt, sự "lý lắc" của nhân vật, tình huống được tác giả đan cài khéo léo, gây nên những chi tiết bi hài bất ngờ. Nguyên nhân gì khiến vợ chồng Tám Thành sau khi ly dị một thời gian thì "gương vỡ lại lành" một cách êm thắm? Tại sao khi con gái suýt chết vì tự tử mà người cha lại đứng về phe con rể? Bí quyết nào để con dâu út vốn dở chuyện bếp núc lại có thể vượt qua những chị dâu đảm đang để làm vừa lòng cha chồng khó tính?... Lần lượt những vấn đề này được ông giải thích hợp tình hợp lý trong các truyện "Bức vách ngăn", "Tại sao không cứu?", "Lên ba cân"…

Bên cạnh tiếng cười ý vị là nỗi suy tư, trăn trở của tác giả về chữ hiếu thời nay, về lối ứng xử khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, về thói tham lam, đố kỵ của con người… qua các truyện: "Báo hiếu tầm xa", "Thất học", "Thần khẩu hại xác phàm", "Đúng nhất là bà xã".

Giữa cảm xúc vui, buồn, nhà văn lại khiến người đọc lắng lòng bởi những câu chuyện về tình người, nghĩa vợ chồng son sắt mà ông ghi nhận được trong đời sống thực tế. Đó là chuyện vợ chồng anh Năm Điếc ở ấp Long Hòa, tỉnh Đồng Tháp. Đôi vợ chồng nghèo, bị câm điếc nhưng lại khiến mọi người ngưỡng mộ bởi sự hiếu thảo với đôi bên cha mẹ và hạnh phúc đơn sơ, ấm áp (truyện "Bức tranh quê"). Hay chuyện anh Năm Đen hoàn lương sau khi ra tù, vừa tham gia đội dân phòng, vừa giúp đỡ ba mẹ con lang thang, cơ nhỡ có nơi ăn ngủ, có việc làm kiếm sống qua ngày (truyện "Cóc ổi").

Những bài học làm người, những thông điệp ý nghĩa được tác giả chuyển tải một cách gần gũi, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Đáng quý hơn, những tản văn ấy được viết ra bởi một người trải qua bao thăng trầm, dâu bể cuộc đời. Như nhà văn Nguyễn Khải đã viết trong "Lời bạt": "Một đời người không may mắn mà không có một truyện nào hàm chứa sự bất bình, nỗi oán hận hoặc những nhận xét chua chát, cay nghiệt. Câu văn thật nhẹ, thật thanh thoát và tươi tắn. Và rất vui, không phải là cái vui hồn nhiên, thơ ngây của tuổi trẻ. Mà là cái vui của người đã trải đời, đã nếm đủ mùi tận khổ, dầu là thế được sống trọn vẹn một đời người vẫn là vui lắm, cái tình giữa người với người vẫn ấm áp lắm" (trang 183).

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết