14/12/2017 - 09:57

Nông thôn TP Cần Thơ qua số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016
Kỳ 4: Cơ cấu lại lao động trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản 

Đến ngày 1-7- 2016, có 140.057 hộ bao gồm hộ nông thôn và các hộ thành thị của TP Cần Thơ thuộc đối tượng Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 TP Cần Thơ (Tổng điều tra). Trong đó có 91.841 hộ nông lâm thủy sản (NLTS), chiếm 65,57% tổng số hộ điều tra; 44.433 hộ công nghiệp xây dựng - thương mại dịch vụ (CNXD - TMDV), chiếm 31,72%. Trong khi đó, năm 2011 số hộ thuộc đối tượng điều tra là 134.266 hộ; trong đó có 105.387 hộ NLTS; 27.359 hộ CNXD - TMDV. Trong đó, hộ NLTS khu vực thành thị có 32.253 hộ và khu vực nông thôn có 59.588 hộ. Quy mô, lao động và cả trình dộ lao động trong nông nghiệp nông thôn đã được cơ cấu lại, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích…

Thu hoạch dâu hạ châu ở huyện Phong Điền. Ảnh: QUANG ĐĂNG

Nếu phân theo ngành sản xuất chính, thành phố có 89.765 hộ nông nghiệp, chiếm 97,74% trong nhóm hộ NLTS; hộ thủy sản có 2.065 hộ, chiếm 2,25% trong nhóm hộ NLTS (tương ứng năm 2011 là 102.311 hộ nông nghiệp, chiếm 97,08%; 3.066 hộ thủy sản, chiếm 2,9%). Ở ngành NLTS, ngành sản xuất chính có 180.631 người trong độ tuổi lao động, chiếm 33,03% trong tổng số nhân khẩu (546.926 người). Lao động trong độ tuổi lao động và trên độ tuổi lao động của hộ NLTS là 212.608 người. Trình độ chuyên môn của lao động NLTS trong độ tuổi lao động: có 3.923 người có trình độ từ sơ cấp trở lên, chiếm 2,17% trong tổng số lao động NLTS (năm 2011 là 4.303/246.350 người, chiếm 1,75%). Trong đó, trình độ từ cao đẳng trở lên có 1.275 người (năm 2011 có 1.326 người). Kết quả trên cho thấy, quy mô của hộ NLTS hiện nay có chiều hướng giảm dần, chuyển sang hoạt động ngành nghề phi NLTS do điều kiện kinh tế phát triển. Song song đó, có nhiều doanh nghiệp thành lập mới hoặc mở rộng sản xuất thu hút nhiều lao động từ hộ NLTS chuyển sang; đồng thời, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động NLTS cũng được nâng cao theo xu hướng phát triển kinh tế thị trường.

Trong số hộ nông nghiệp có 36.026 hộ thuần nông, chiếm 40,13%. Thành phố có 87.320 hộ có nguồn thu lớn nhất từ NLTS, chiếm 97,27%; có 205.147 người trong độ tuổi lao động, trong đó có khả năng lao động là 204.176 người. Có 175.883 lao động hộ nông nghiệp chưa qua đào tạo, chiếm 86,14% lao động trong tuổi có khả năng lao động; có 12.412 người có trình độ từ sơ cấp đến trên đại học, chiếm 6,08% trong số người trong tuổi lao động có khả năng lao động. Tương ứng năm 2011: chưa qua đào tạo 254.278 người, chiếm 93,85% lao động trong tuổi có khả năng lao động; 12.306 người có trình độ từ sơ cấp trở lên, chiếm 4,54%.  Kết quả này cho ta thấy: Một số hộ nông nghiệp do sản xuất kém hiệu quả nên đã chuyển nhượng cho hộ khác sản xuất thành công hơn để các hộ này mở rộng diện tích canh tác, có điều kiện áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao hơn hiệu quả sản xuất nông nghiệp, còn họ chuyển sang các ngành nghề phi NLTS hoặc tìm việc làm mới ở đô thị; trình độ của lao động nông nghiệp hiện nay cũng được đào tạo để nâng cao về chuyên môn, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận và áp dụng các tiến bộ của khoa học vào quá trình canh tác, quản lý sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị đất sản xuất.

Toàn thành phố có 2.065 hộ thủy sản (năm 2011 là 3.066 hộ); trong đó thành thị có 827 hộ, nông thôn có 1.238 hộ (năm 2011 có 1.555 hộ thành thị, 1.511 hộ nông thôn). Trong số hộ thủy sản, có 5.138 người trong độ tuổi lao động, trong đó có khả năng lao động là 4.782 người; có 4.237 người chưa qua đào tạo, chiếm 88,6% số người trong tuổi có khả năng lao động; có 243 người có trình độ từ sơ cấp đến trên đại học, chiếm 5,08% trong số người trong tuổi lao động có khả năng lao động. Số liệu tương ứng năm 2011 là 8.637 trong độ tuổi lao động, 8.182 người có khả năng lao động; chưa qua đào tạo 7.572 người và từ sơ cấp trở lên 355 người, chiếm 4,34%). Trình độ của lao động thủy sản hiện nay được nâng cao, là điều kiện để tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào quản lý, nuôi trồng thủy sản để nâng cao năng suất lao động, đạt hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh.

Nhờ cơ cấu lại, nâng cao trình độ của người sản xuất trong nông nghiệp, thủy sản nên giá trị sản phẩm thu được được nâng lên. Theo đó, nếu như năm 2011, trên 1ha đất trồng trọt 78 triệu đồng thì năm 2016 đạt trên 95 triệu đồng; trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2011 đạt 4.137 triệu đồng thì đến năm 2016 đạt 4.157 triệu đồng.

QUANG ĐĂNG

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết