13/12/2017 - 09:32

Nông thôn TP Cần Thơ qua số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 

Bài, ảnh: Quang Đăng

Kỳ 3: Từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại

 

Tính đến 1-7-2016, TP Cần Thơ có 56 trang trại (TT), trong đó 32 TT nông nghiệp và 24 TT thủy sản (năm 2011 có 28 TT, trong đó có 5 TT nông nghiệp, 23 TT thủy sản). Theo số liệu của ngành nông nghiệp thành phố, đến cuối năm 2016, thành phố có 21 TT được cấp giấy chứng nhận kinh tế TT. Đây là điều kiện tạo thuận lợi để TT thụ hưởng và tiếp cận các chính sách của nhà nước trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Giá trị sản phẩm và dịch vụ bán, thu trong năm của TT thủy sản đạt 25.528 triệu đồng/TT. Trong ảnh: Thu hoạch cá tra ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 TP Cần Thơ (Tổng điều tra), đến 1-7-2016, các TT nông nghiệp quản lý và sử dụng 245ha đất, TT nuôi trồng thủy sản là 125ha. Bình quân diện tích đất sử dụng trồng cây hằng năm đạt 3,86ha/TT; trong đó, đất trồng lúa đạt 3,84ha/TT, đất nuôi trồng thủy sản 2,23ha/TT, đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi đạt 1.614 m2/TT.

Do sản xuất kinh doanh vượt khả năng của gia đình, nên hầu hết các TT phải thuê mướn thêm lao động. Quy mô thuê mướn này phụ thuộc chủ yếu vào các loại hình, quy mô sản xuất của từng loại TT. Theo đó, sản xuất nông nghiệp, thủy sản mang tính chất thời vụ, nên lao động thuê mướn của các TT chủ yếu lao động thời vụ, chiếm trên 68%, bình quân 18 lao động thuê mướn/TT. Lao động làm việc thường xuyên đạt bình quân 6,9 người/TT (năm 2011 là 10,57 người/TT). Tuy số lao động làm việc thường xuyên chưa qua đào tạo giảm, nhưng qui mô tỷ trọng số lao động có trình độ trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên cao hơn so năm 2011. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên tăng nhiều (năm 2016 có 20 người chiếm 5,17% tổng số lao động thường xuyên của TT; năm 2011 chỉ có 4 người chiếm 2,7% tổng số lao động thường xuyên của TT). Đặc biệt, hiện nay, có 14 TT sử dụng máy vi tính kết nối internet (tập trung ở TT thủy sản) phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là điều kiện thuận lợi để chủ TT cập nhật thông tin thị trường, các tiến bộ khoa học kỹ thuật có liên quan đến ngành sản xuất của TT, hoặc tình hình kinh tế - xã hội trong nước hoặc trên thế giới để có định hướng đầu tư, phát triển ngành nghề sản xuất.

Kết quả Tổng điều tra cũng cho thấy, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ TT có khuynh hướng thu gọn bộ máy, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động để tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành. Vì thế, giá trị sản phẩm và dịch vụ thu trong năm của TT tăng. Cụ thể: TT nông nghiệp đạt 3.879 triệu đồng/TT và TT thủy sản đạt 25.584 triệu đồng/TT (tương ứng năm 2011 là 1.809 triệu đồng và 23.276 triệu đồng). Giá trị sản phẩm và dịch vụ bán, thu trong năm của TT nông nghiệp đạt 3.915 triệu đồng/TT, TT thủy sản đạt 25.528 triệu đồng/TT (tương ứng năm 2011 là 1.800 triệu đồng và 23.218 triệu đồng). Đối với TT trồng trọt, giá trị sản phẩm và dịch vụ thu trong năm đạt 1.157 triệu đồng/TT; TT chăn nuôi đạt 6.633 triệu đồng/TT. Giá trị sản phẩm và dịch vụ bán và thu trong năm của TT trồng trọt đạt 1.160 triệu đồng/TT và TT chăn nuôi đạt 6.497 triệu đồng/TT. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, phần lớn các trang TT gặp khó khăn thiếu vốn sản xuất, thiếu thông tin về thị trường và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, nguyện vọng của chủ TT là được: hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận với các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khoa học- kỹ thuật…

Việc phát triển kinh tế TT nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý; thông qua phát triển kinh tế TT sẽ góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Để tạo điều kiện cho kinh tế TT ngày càng phát triển ổn định và bền vững, ngành chức năng cần tiếp tục rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế TT; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với phát triển kinh tế TT như vốn, lãi suất ngân hàng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật... Từ đó để khu vực TT tạo ra những sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

(Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết