30/03/2011 - 21:52

Giá xăng, dầu tăng:

Nông, ngư dân trước bài toán khó: "Lời - lỗ"

Bộ Tài chính vừa quyết định tăng giá xăng thêm 2.000 đồng/lít lên mức 21.300 đồng/lít, dầu diezel tăng thêm 2.800 đồng/lít lên mức 21.100 đồng/lít vào tối 29-3; nông dân, ngư dân ở ĐBSCL lại lo lắng trước bài toán “lời- lỗ”. Bởi giá thành sản xuất chắc chắn sẽ tăng, gánh nặng đầu ra, lãi suất ngân hàng… chồng thêm cho nông dân, ngư dân nhiều cái khó.

* Giá thành sản xuất sẽ tăng

Tàu đánh cá cặp bờ biển Kiên Giang.
Ảnh: THÀNH NGUYỄN. 

Chú Lê Hoàng Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Gia đình tôi vừa xuống giống 2,6ha lúa hè thu. Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất vụ hè thu này. Vụ hè thu lời rất meo, năng suất lại thấp, ước tính chi phí đầu tư vụ hè thu này dao động từ 2,5-3 triệu đồng/công lúa (1.000m2). Dù giá lúa đang ở mức cao, nông dân cũng rất phấn khởi vì vừa trúng mùa, trúng giá vụ đông xuân, nhưng giá xăng dầu tăng, cũng đồng nghĩa với các chi phí đầu vào sẽ tăng theo, nông dân lại khó trăm bề”. Ông Thắng cho biết, vụ đông xuân 2010- 2011, những ruộng lúa thu hoạch sớm, bán được giá, lời cao; mức đầu tư khoảng 2 triệu đồng/công, nhưng nông dân huyện Cờ Đỏ bán lúa được 5-6 triệu đồng (lúa Jasmine giá 6.600- 6.700 đồng/kg). Còn những ruộng lúa thu hoạch vào cuối tháng 3-2011 bị mưa ngập, lúa ngã, giá công cắt tăng gấp đôi, lên mức 400.000đồng/công. Theo tính toán của ông Thắng, trung bình 1ha tốn khoảng 100 lít xăng (bơm nước), đợt điều chỉnh giá xăng lần này, nông dân tốn thêm 200.000 đồng nữa trên một héc-ta, nhưng mức chênh lệch này không lớn so với trước khi điều chỉnh giá xăng. Điều mà nông dân lo lắng là giá các chi phí đầu vào khác (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thu hoạch...) sẽ tăng theo, nếu không khéo tính, nông dân có nguy cơ thua lỗ, dù giá lúa ở mức trên 5.000 đồng/kg.

Mặc dù giá xăng dầu được điều chỉnh tăng tối 29-3, nhưng theo phản ánh của một số nông dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, họ vẫn khó mua xăng, dầu phục vụ bơm tát ruộng lúa đang bị ngập do cơn mưa trái mùa mấy ngày qua. Một số cây xăng tuyến biên giới vẫn đóng cửa với lý do “hết xăng, cúp điện”... Anh Hồ Minh Tẻo, nông dân ở ấp 4, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, than vãn: “Tôi còn hơn 5ha lúa chuẩn bị vài ba ngày nữa là gặt, nhưng từ sáng đến giờ (ngày 30-3) chạy khắp 3 cây xăng trong xã vẫn không mua được. Tôi cần mua xăng, dầu bơm nước trong ruộng ra để còn cắt lúa, nếu để vài ba ngày nữa là lúa trúng thành thất luôn”. Theo anh Tẻo, anh phải chạy khắp các tiệm tạp hóa trong xã để chia từng lít xăng, dầu với giá cao (dầu 20.500 đồng/lít, xăng 23.000 đồng/lít), nhưng cũng chỉ gần chục lít, không thấm vào đâu so với nhu cầu. Lượng xăng dầu mà anh Tẻo chia được do các chủ tiệm tạp hóa tới tận Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang mua về. Không riêng gì anh Tẻo, mà nhiều nông dân huyện vùng Đồng Tháp Mười cũng gặp không ít khó khăn vì chờ mua xăng, dầu thu hoạch lúa đông xuân, bơm nước cho lúa hè thu 2011 mới vừa gieo sạ.

Tàu cá nằm bờ

Tỉnh Kiên Giang có đội tàu khai thác thủy sản lớn nhất cả nước, ngư dân đang rất lo lắng và không ít bạn thuyền đã bỏ biển lên bờ mưu sinh.

Ông Trần Văn Thành, chủ cặp cào đôi ở huyện Châu Thành (Kiên Giang), cho biết: “Sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều tàu chỉ mới kết thúc một chuyến biển, nhưng hai lần điều chỉnh tăng giá dầu diezel làm ngư dân không kịp trở tay. Chỉ cần điều chỉnh vài trăm đồng mỗi lít dầu cũng làm xáo trộn hoạt động khai thác hải sản của ngư dân ở đây”. Theo tính toán của các chủ ghe cào ở tỉnh Kiên Giang, nhiên liệu tiêu thụ cho mỗi chuyến biển khoảng 1.000 lít/ngày/cặp cào đôi. Chuyến khai thác biển khoảng 30 ngày, tiêu tốn khoảng 30.000 lít dầu, tăng giá dầu đợt này sẽ tăng thêm chi phí nhiên liệu gần 100 triệu đồng/chuyến. Tổng cộng hai đợt tăng giá dầu, chi phí ra khơi của một cặp tàu đôi đã tăng thêm trên 200 triệu đồng. Trong khi ngư trường đánh bắt ngày càng thu hẹp, nguồn hải sản không dồi dào như trước, chi phí tăng, ngư dân khó mà bù đắp nổi.

CÀ MAU
Tái diễn cảnh khan hiếm xăng, dầu

(CT)- Gần 1 tuần qua, ngư dân Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) lo lắng vì xăng, dầu tiếp tục khan hiếm. Chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Vĩnh Toàn, khóm 1, Sông Đốc, cho biết: “Gần 10 ngày nay, chỉ bán dầu cho “mối ruột”, vì không đủ dầu. Mỗi tháng cơ sở của tôi tiêu thụ trên 300 ngàn lít dầu nhưng đầu tháng 3 đến nay, lượng dầu nhập về ít không đủ bán cho các chủ tàu”.

Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, xác nhận thông tin trên và cho biết thêm: Nguyên nhân thiếu xăng, dầu theo các doanh nghiệp là do các công ty đầu mối thiếu nguồn cung không đủ hàng để phân phối về cho các doanh nghiệp bán lẻ. Nếu kéo dài tình trạng này, con nước sau Sông Đốc sẽ có nhiều tàu cá không có dầu để ra khơi.

H.T

Theo ông Thành, vùng biển Kiên Giang rộng lớn, nhưng lượng tàu đánh bắt xa bờ cũng khá nhiều, tàu đánh cá ở các tỉnh miền Trung cũng hoạt động trên ngư trường này. Vì thế, các tàu phải chia sẻ ngư trường với nhau, có khi phải kéo dài chuyến đi biển đến 45 - 60 ngày, thậm chí nằm lại ngư trường lâu hơn để đánh bắt đầy tàu mới trở về đất liền. Chuyến biển kéo dài, chi phí tăng thêm vùn vụt, sẽ có nhiều tàu cá nằm bờ vì không chịu nỗi mức tăng này. Một số chủ tàu ở Kiên Giang đã chủ động “sống chung với bão giá” bằng cách kéo dài mỗi chuyến biển lên 5-6 tháng, tổ chức đội “tàu tải” cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước đá, nước ngọt và trung chuyển thủy sản từ ngư trường vào cảng. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ làm giảm khoảng 2.000 lít dầu từ bờ ra ngư trường và ngược lại cho chuyến biển. Đây chỉ là giải pháp tình thế, vì bạn thuyền khó chấp nhận điều kiện sống xa gia đình suốt nửa năm. Đó là chưa kể điều kiện khắc nghiệt ở ngư trường, khó khăn chồng chất cho hoạt động nghề cá ở Kiên Giang.

Hiện nay, nhiều tàu đánh cá vẫn đang hoạt động tại ngư trường, nên chưa đánh giá được hiệu quả của chuyến biển. Nhưng nhiều chủ tàu cho rằng, sau chuyến biển này, tàu khó trở lại ngư trường do giá đầu vào tăng nhanh. “Bỏ biển là điều khó khăn đối với các chủ tàu, ngư phủ. Chi phí đầu tư phương tiện trị giá hàng tỉ đồng không thể phơi nắng, phơi sương. Nhưng mỗi chuyến biển trở về mà lỗ thì bạn thuyền cũng chán nản vì thu nhập thấp. Có lẽ, đành phải chấp nhận nằm bờ”- bà Trần Kim Ngọc, chủ tàu ở Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết.

Do vậy, giải quyết bài toán “lời- lỗ” một cách hài hòa, hợp lý để họ an tâm sản xuất, đảm bảo cuộc sống rất cần sự chia sẻ của các bộ, ngành và cần một quyết sách vĩ mô.

MIÊN HẠ-GIA BẢO

Chia sẻ bài viết