09/05/2023 - 15:32

Nông dân Út Chí chế máy kéo lúa xuất khẩu 

Bài, ảnh: AN NAM

Không được đào tạo bài bản về cơ khí, kỹ thuật chế tạo nhưng với "máu" sáng chế, ông Nguyễn Quang Chí (Út Chí), ngụ ấp Tân Hà B, xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đã chế tạo thành công hàng loạt các loại máy móc đa năng tiện ích. Với thành công này, ông Út Chí không chỉ giúp nhà nông bớt vất vả trên đồng ruộng mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần khẳng định tài năng, trí tuệ của người Việt.

Với bánh xích cao su, máy kéo nông nghiệp do ông Nguyễn Quang Chí chế tạo dễ dàng di chuyển ở mọi địa hình, có khả năng chống lún lầy khi hoạt động trong môi trường lầy lội.

Nhà có 5 chị em, là con trai út trong nhà nhưng ông Út Chí là người nối nghiệp cha làm nghề sửa máy nông nghiệp. Út Chí thường theo cha đi cày đất thuê cho người dân trong xã. Tuổi thơ gắn bó với ruộng đồng, trưởng thành cùng những vất vả của cha mẹ trên ruộng rẫy đã hun đúc trong ông khát vọng tìm ra giải pháp giúp người nông dân bớt phần cơ cực.

Năm 2004, gia đình ông mua máy gặt đập liên hợp để gặt thuê. 3 năm sau đó, nhận thấy cơ giới hóa đồng ruộng là xu hướng tất yếu nên ông Chí bàn với gia đình nhập máy gặt đập liên hợp về bán. "Cũng trong năm đó, máy gặt do Trung Quốc sản xuất hư hỏng liên tục mà không có phụ tùng thay nên tôi quyết định mua máy móc, thiết bị về tự sản xuất phụ tùng. Sẵn giàn đồ nghề, tôi mày mò nghiên cứu, rồi sản xuất được 1 chiếc xe chở lúa đầu tiên", ông Chí kể. Sau những thành công ban đầu từ việc chế tạo máy chở lúa, ông Chí tìm cách và xuất khẩu thành công máy chở lúa sang Philippines, châu Phi, Trung Ðông, Trung Mỹ và Nam Mỹ từ năm 2014.

Nhận thấy đồng đất ở Ðồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm nền hạ yếu, bùn nhão do canh tác lúa 3 vụ/năm nên máy kéo lúa được làm bằng bánh cao su dễ bị lún lầy, khó di chuyển. Vậy là ông Chí lại lao vào nghiên cứu, tìm cách khắc phục nhược điểm của chiếc máy kéo lúa. Với sự cần cù, sáng tạo của một nông dân, ông Chí đã tìm ra giải pháp giúp chiếc máy kéo di chuyển thuận lợi trên mọi địa hình bằng cách thay thế bánh xe cao su bằng hệ thống bánh xích có bề mặt tiếp đất rộng. Với cải tiến này, chiếc máy kéo lúa của ông Chí có khả năng chống lún lầy khi hoạt động trong môi trường lầy lội, nhất là những ruộng có nền hạ yếu hoặc ngập nước.

Máy được ông Chí thiết kế có trọng lượng 2,06 tấn, tải trọng 5 tấn, động cơ diesel với công suất 56kW/2.400 rpm/75HP. Hộp số cơ học với cơ cấu sang số gồm 6 tiến, 2 lùi giúp tốc độ máy di chuyển linh hoạt. Ðặc biệt, chiếc máy kéo này được ông Chí cải tiến sử dụng hệ thống nâng thủy lực 1 chiều giúp nông cụ tự nâng hạ khi gặp chướng ngại vật. Máy đã được cơ quan chức năng giám định, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015. Hiện ông Chí đang hoàn tất thủ tục để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với "đứa con tinh thần" của mình.

Dịp khai trương đầu năm Quý Mão 2023, công ty của ông Chí đã xuất khẩu thành công 2 container với số lượng 18 chiếc máy kéo bánh xích cùng dàn xới sang thị trường Philippines theo đơn đặt hàng từ phía đối tác. Ðây là chiếc máy kéo nông nghiệp cải tiến với tính năng "2 trong 1". Máy tích hợp cả 2 chức năng vận chuyển nông sản và kết nối các nông cụ làm đất trước khi gieo sạ. "Tôi đã lắp thêm giàn đánh rãnh mương, xới đất, đắp bờ mẫu, tích hợp nhiều công năng vào chiếc máy kéo lúa để bà con nông dân có thể làm được nhiều việc hơn, tiết kiệm hơn sức lao động, chi phí…", ông Chí thông tin.

Ðể thỏa niềm đam mê sáng tạo, ông Chí đã đầu tư xưởng cơ khí rộng 6.500m2, đồng thời, đầu tư hệ thống robot chế tạo, trang bị công nghệ sản xuất được nhập khẩu từ các nước tiên tiến trên thế giới. Ông Chí cho biết sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường máy kéo bánh xích trong nước, nâng công suất xưởng chế tạo từ 2 máy/ngày lên 3 máy/ngày.

Chia sẻ bài viết