06/03/2013 - 20:09

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Nông dân quen dần với xu hướng chuyển đổi giống lúa mới

Trong nhiều năm qua, năng suất, sản lượng lúa ở vùng ĐBSCL không ngừng tăng lên nhờ sự liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa. Bà con nông dân ngày càng thích nghi và biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, nhân giống lúa tạo ra năng suất, sản lượng vụ sau cao hơn vụ trước. Năm 2012, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL ước đạt 24,6 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so năm 2011, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với sản lượng hơn 7,2 triệu tấn, đạt trị giá hơn 3,2 tỉ USD. Lúa đông xuân 2012-2013 đang vào vụ thu hoạch được đánh giá là vụ lúa trúng mùa, năng suất bình quân ban đầu trên 7 tấn/ha. Đạt được kết quả đó là do nông dân thường xuyên quan tâm sử dụng giống lúa mới, giống lúa chất lượng cao.

 Hiện nay, hầu hết diện tích lúa ở ĐBSCL đều thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, vừa nhanh, tiết kiệm chi phí, công lao động... Ảnh: QUỐC TRUNG

Đến hẹn lại lên, ngày 22-2-2013, trên đồng lúa khảo nghiệm vụ đông xuân 2012-2013, Viện Lúa ĐBSCL tổ chức hội thảo "đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2012-2013" với sự tham gia của hơn 510 nông dân và cán bộ nông nghiệp từ các tỉnh ĐBSCL, Quảng Ngãi, Bình Thuận cùng với các nhà nghiên cứu giống lúa Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ tham gia bình tuyển giống lúa mới. Vụ đông xuân 2012-2013, Viện Lúa ĐBSCL có 171 giống lúa được gởi đi mạng lưới khảo nghiệm 13 tỉnh, thành trong vùng. Trong đó, đánh giá phẩm chất 31 giống lúa triển vọng; 66 giống lúa thuộc bộ khảo nghiệm Quốc gia; 49 giống thuộc các bộ khảo nghiệm Viện A0, A1, A2; 10 giống khảo nghiệm Viện bộ đặc sản và 14 giống khảo nghiệm Viện bộ giống cho vùng khó khăn. Riêng ruộng lúa khảo nghiệm Viện Lúa ĐBSCL đang nhân 21 giống lúa phổ biến triển vọng. Kết quả bình chọn từ 213 phiếu đánh giá của các bộ nông nghiệp và nông dân các tỉnh có 10 giống lúa OM có triển vọng tốt nhất đề nghị sớm phổ biến nhân rộng: Giống lúa "Hoa hậu" xếp hạng nhất 1/OM2012 - chiếm 53,5% phiếu chọn; hạng nhì 2/OM 10636 - chiếm 52,6%; hạng ba 3/OM9582 - chiếm 50,7%; tiếp theo là OM8017 - chiếm 38,5%; OM 9921 - chiếm 30%; OM9684 - chiếm 26,7%; OM20 - chiếm 24%; OM 10373 - chiếm 19,2%; OM 121 - chiếm 16,1%; và OM 9818 - chiếm 12%.

Năm 2012, Viện Lúa ĐBSCL chọn được 15 giống lúa mới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Ngoài ra, qua kết quả khảo nghiệm bộ giống do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo đã xác định được 23 giống triển vọng đưa vào Bộ giống khảo nghiệm quốc gia. Anh Nguyễn Minh Khôi, một nông dân dự hội thảo, cho biết: Vụ lúa đông xuân năm nay, anh làm 3 ha với giống lúa OM2517, kết quả năng suất trúng 11 tấn/ha lúa tươi, tương đương vụ đông xuân năm trước. Năm nay, chi phí tăng cao do hao tốn thuốc bảo vệ thực vật trừ rầy và bệnh đạo ôn nhiễm nhiều hơn. Anh đến với hội thảo nhằm tìm kiếm giống lúa đông xuân mới có tính kháng sâu bệnh mạnh mẽ hơn để thay thế giống cũ… Một số nông dân ở vùng bị ảnh hưởng lũ như: Chợ Mới, Tân Châu (An Giang), Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Hồng Ngự, Thanh Bình (Đồng Tháp) cũng tìm đến tìm giống lúa hè thu mới ngắn dưới 90 ngày để tránh lũ. Một nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Vùng đất của anh làm lúa 3 vụ nên nông dân muốn có giống lúa mới, chất lượng gạo ngon cơm hơn thay thế giống IR50404. Ông Từ Bá Đạt, nông dân ở huyện đầu nguồn lũ Châu Phú (An Giang), nhận xét: Sau khi qua vài vụ canh tác giống lúa thơm Jasmine 85, OM 4900, tôi thấy nhiễm sâu bệnh nặng hơn so với giống TLR378 cùng đưa ra xen kẽ trong dòng lúa thơm, vì ít bệnh. "Nên chăng Viện Lúa nghiên cứu giống lúa thơm có khả năng kháng sâu bệnh để bà con sản xuất như giống OMCS 2012. Mặt khác, để đối phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), giống OM 10252 chịu phèn, mặn tốt, lá đẹp, bông lúa rất tốt rất cần đưa ra sản xuất thực tế cho vùng ven biển để xem khả năng chống chịu mặn ra sao..." - anh đề xuất. Còn anh Phan Quốc Thứ, cán bộ nông nghiệp huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), nhận xét: Vụ đông xuân năm nay Viện Lúa ĐBSCL bố trí nhiều giống lúa có tính kháng sâu bệnh nhiều như: OMCS2012, OM8582, OM9918… hạn chế được bệnh đạo ôn, cháy bìa lá. Hơn nữa, vùng đất Hậu Giang do đặc thù gieo sạ trễ, lúa bệnh đạo ôn nhiều nên cần Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu đưa ra những giống lúa mới có khả năng kháng bệnh này. Bên cạnh đó, trước tình hình mặn xâm nhập mùa vào khô nên các vùng lúa ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, TP Vị Thanh… rất cần bổ sung thêm giống lúa thích nghi.

Theo Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2012 một số đối tượng dịch hại gia tăng như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, nhện gié, rầy nâu sâu cuốn lá, nhưng nhờ quản lý tốt dịch hại nên hạn chế khả năng gây hại, bảo vệ được năng suất và sản lượng lúa của vùng. Tuy nhiên, sự bộc phát và thay đổi độc tính của nhiều loại dịch hại vẫn luôn là mối quan tâm sản xuất lúa ở ĐBSCL. Hơn nữa, do ảnh hưởng BĐKH, xâm nhập mặn; nhu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nên đất trồng trọt trong đó có đất lúa sẽ giảm diện tích. Do đó, nhu cầu giống lúa mới là một trong những giải pháp cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Hưng Phú - Quốc Khánh

Chia sẻ bài viết