02/06/2013 - 20:54

Vụ lúa hè thu 2013

Nông dân lại thấp thỏm lo “đầu ra”

Cảnh bán lúa đông đúc cho thương lái không còn diễn ra trong vụ hè thu 2013.

Thời điểm này, nông dân trồng lúa ở các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang bước vào thu hoạch lúa hè thu 2013. Năng suất khá cao nhưng giá lúa lại giảm, trong khi chi phí sản xuất đội giá khiến người trồng lúa lo lắng. Lúa chín rụt đồng, nhưng máy gặt đập liên hợp không đủ đáp ứng, nên nông dân như ngồi trên “đống lửa”.

Giá lúa giảm sâu

Mấy ngày nay, bà Trần Thị Đúng, ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chạy đôn chạy đáo đi tìm thương lái để bán lúa. Hỏi thăm giá lúa vụ này, bà Đúng cho biết: “Mấy ngày nay, thương lái nói giá lúa gạo đang giảm mạnh. Tuần trước, lúa IR 50404 còn được 4.200-4.300 đồng/kg, nay chỉ còn 3.900-4.000 đồng/kg lúa đẹp, lúa xấu chỉ còn 3.700-3.800 đồng/kg. Giá thấp như vậy mà thương lái cũng không chịu mua”. Vụ mùa này, gia đình bà Đúng sản xuất được 0,5ha lúa IR 50404, năng suất 35 giạ/công. Theo bà Đúng, chi phí cho mỗi héc-ta lúa khoảng 17-18 triệu đồng, với giá lúa hiện nay, lợi nhuận chỉ còn khoảng 3-4 triệu đồng/ha. Trong khi một vụ lúa phải mất khoảng 3 tháng mới cho thu hoạch. Tính ra mỗi tháng thu nhập của gia đình khoảng 1 triệu đồng, không đủ chi tiêu cuộc sống thường ngày.

Ông Phạm Văn Minh, ấp Chà Là, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trồng 0,8ha lúa IR 50404, năng suất 37 giạ/công. Ông Minh bức xúc: “Giá lúa có lúc tăng lên 6.000-7.000 đồng/kg, nông dân còn thấy ham mà bám ruộng. Năm nay, giá giảm nhiều, thương lái không mặn mà thu mua thời điểm này mà họ đợi giá hạ thêm. Nông dân cũng không dám trữ lúa vì sẽ tốn thêm chi phí vận chuyển, kho chứa và sợ giá còn xuống nữa”. Trước tình hình giá lúa giảm, thương lái không mua khiến nông dân khá bức xúc. Theo ông Minh, giá bán lúa những năm gần đây rất thấp, không đủ bù chi phí sản xuất nhưng người nông dân vẫn phải bám ruộng. Chúng tôi cũng nghe nói đến chính sách liên kết 4 nhà nhưng trên thực tế, lâu nay chỉ có các thương lái đến thu mua lúa mà thôi.

Mới bắt đầu thu hoạch nhưng giá lúa hiện đang giảm mạnh. Tại các nhà máy xay xát Tân Bình (Cai Lậy) và Bà Đắc (Cái Bè) ghe tàu đậu chật kín cả sông, nhưng cảnh mua- bán khá trầm lắng vì giá lúa gạo luôn biến động. Thương lái Phạm Văn Hạnh, ấp Phú Bình, xã Phú Nhuận đang xay xát tại nhà máy Bình Minh, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy cho biết, lúa IR 50404 đang ở mức 3.750-3.850 đồng/kg, giảm 300-400 đồng/kg so tháng trước; lúa hạt dài như: OM 4218, OM 6261, OM 4900 giá từ 4.300-4.400 đồng/kg. Sở NN&PTNT cho biết, vụ lúa hè thu 2013 ở các huyện phía Tây, nông dân xuống giống khoảng 40.000ha, tập trung ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và Châu Thành. Cơ cấu giống lúa được phân bổ 70% lúa chất lượng cao, xuất khẩu; 20% lúa chất lượng trung bình; 10% giống khác. Tuy nhiên, thực tế lúa IR 50404 chiếm tỷ lệ rất cao. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến giá lúa sụt giảm nghiêm trọng. Theo công bố của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa hè thu 2013 của tỉnh Tiền Giang ở mức 4.618 đồng/kg; giá thành sản xuất thực tế vụ lúa hè thu 2012 của tỉnh là 4.276 đồng/kg. Do vậy, giá lúa mà thương lái đang thu mua trên địa bàn tỉnh thì nông dân rất khó có lời.

Lúa chín đầy đồng

Mấy ngày nay, đi đâu cũng thấy nông dân tụm năm tụm ba ở bờ ruộng than thở: Lúa chín đỏ đồng mà không tìm được máy gặt! Trên nhiều cánh đồng không tìm ra một bóng nhân công gặt lúa bằng thủ công. Ông Lê Văn Hải, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, cho biết: “Lúa của tôi chín hơn 3 ngày nay, dưới đất hạt lúa rụng đỏ mà chủ máy cứ hứa ngày này qua ngày kia”. Hiện ông Hải còn hơn 1,5ha lúa IR 50404 chưa kêu được công gặt. Ruộng của  ông Trương Văn Sáu giáp với ruộng của ông Hải vừa gặt xong, ông cho biết: “Gia đình chúng tôi đeo theo máy gặt đập suốt nhiều ngày mới năn nỉ họ cắt được 0,8ha. Chứ ở nhà đợi đến lượt mình thì biết chừng nào”. Còn ông Nguyễn Văn Mạnh, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cai Lậy dù “chạy” theo chủ máy gặt đập liên hợp cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn chưa nhận được lời hứa nào của chủ máy. Giờ lúa chín khô cả cây, hạt rụng đỏ đồng khiến ông Mạnh nhót ruột mỗi khi trời chuyển cơn mưa, nếu để lâu ngày lúa đang trúng chuyển thành thất cũng không chừng.

Chủ máy gặt đập liên hợp Hồ Văn Thành từ tỉnh Đồng Tháp sang huyện Cai Lậy gặt lúa thuê. Ông Thành cho biết hơn 10 ngày nay, trời nắng là 2 máy của gia đình gặt xuyên suốt mà vẫn không xuể, nhiều nông dân đeo theo máy không được, họ phàn nàn. “Chúng tôi hiểu nông dân cũng nôn nóng. Lúa ngã sát đất, gieo sạ thì đồng loạt, thời tiết thất thường, sáng nắng chiều mưa thì làm sao chúng tôi gặt kịp”- ông Thành nói. Tình trạng thu hoạch lúa đồng loạt này khiến giá nhân công gặt lúa bị đẩy lên cao, máy gặt giá rẻ hơn gặt thủ công, nhưng nhiều nông dân dù đã thông qua “cò” máy gặt đập liên hợp mà vẫn không thuê được máy. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 503 máy gặt đập liên hợp, trong đó máy do Việt Nam sản xuất 116 máy, máy ngoại nhập 387 máy. Tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp là 70%, còn lại thu hoạch thủ công và máy suốt lúa 30%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 471 máy gặt lúa xếp dãy, tập trung huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, Chợ Gạo, nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của nông dân khi vào vụ đông ken.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ máy gặt đập không đủ đáp ứng nhu cầu là vào thời điểm thu hoạch rộ thì mưa nhiều, khiến cảnh ùn ứ diễn ra, tình trạng “độc quyền” trên cánh đồng của một số chủ máy cũng khiến cho tình trạng ùn ứ ngày càng tăng thêm. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở tỉnh Tiền Giang mà nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL có diện tích lúa lớn cũng tương tự. Nông dân trồng lúa đang cần chính sách dài hơi để bám ruộng, bởi vài năm gần đây với chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, nông dân vẫn chưa hưởng lợi trực tiếp.

Bài, ảnh: KHẢI CA

 

Chia sẻ bài viết