09/08/2021 - 10:49

Nỗi niềm “Ở đậu trong nhau” 

“Ở đậu trong nhau” (NXB Hội Nhà Văn, 2021) là tập thơ thứ 3 của chàng thi sĩ miền Tây với bút danh Khét (tên thật Trần Đức Tín). Nỗi niềm của một người xa quê với bao tâm sự chất chứa vơi đầy trong từng câu thơ, giúp tác giả trải lòng qua từng nhịp cảm xúc trào dâng…

Quê ở Cà Mau, lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh nên cảm giác cô đơn, chông chênh cùng nỗi nhớ quê luôn thường trực trong tác giả. Đó là khi anh thốt lên “Tuần này tôi có hẹn với mông mênh/ Sài Gòn bạt mạng cũng mình ên/ em ạ” (“Sài Gòn bạt mạng cũng mình ên”). Để rồi khi thả nỗi buồn trên những con phố lạ, Khét lại quay quắt nỗi nhớ quê, bởi “Ở đây/ Không có cánh bằng lăng nào kịp tím/ Ai xẻ thân tao đi ở đậu quê người/ Đêm xa xứ thèm nghe câu vọng cổ/ Tao biết chứ/ Má tao già rồi/ rơi mất/ nhịp song lang” (“Tao nhớ quê”). Nỗi niềm ấy càng day dứt, càng cứa sâu vào lòng khi trong tình yêu, anh cũng là kẻ “ở đậu” mà thôi: “Tôi thương em vì nắng mưa bất chợt/ Ở đậu trong nhau qua nửa đời giông bão/ Còn đôi tay khờ xé rách mộng/ tìm nhau” (“Ừ, em cứ bỏ chồng”).  

Tập thơ là tiếng lòng của người di trú luôn đau đáu hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Quê hương trong thơ Khét vừa cụ thể, vừa nên thơ, với những điều quen thuộc: dòng sông, bến nước, con đò, là câu hò đồng nội, mái lá đơn sơ, là tiếng con cúm núm kêu buồn hay trò chơi chuồn chuồn cắn rốn… Nhưng có lẽ, điều tạo nên dáng hình của quê nhà chính là người mẹ. Thế nên, hình ảnh người mẹ trong thơ Khét luôn lấp lánh những yêu thương, đong đầy miền nhớ: “Tôi nhớ dáng mẹ ngồi gạn lại phù sa/ Dạy em biết giấu cái thẹn thùng con gái/ Biết bông bưởi nồng nàn/ Biết cười duyên hò hẹn/ Biết đợi cây dầm nguôi buồn gõ vào nước mênh mông” (“Nụ cười đồng bằng”). Khi trời vào mùa bão, đứa con ở xa cứ đon đót giật mình trong đêm lo lắng: “Ở quê nhà/ Cha mẹ ổn hay không/ Bão có giật giông đau cái kèo cái cột/ Mưa có dột mẹ mang đêm ra hứng/ Làm gì còn cái thau nào không đầy buồn/ Đôi mắt mẹ rưng rưng” (“Mùa bão”). Bởi “Mùa mưa quê nghèo trùng trùng thâm quầng lên mắt mẹ” (“Chạy đi cánh đồng”). Tất cả niềm thương nỗi nhớ ấy được tác giả gom góp mang vào một giấc mơ để “Mẹ không già đi/ Và chúng ta thở trong nhau, em ạ/ Giấc mơ cũng chẳng phải giấc mơ nữa/ Như chiều nay tôi qua phà nghe lòng bớt buồn hơn” (“Không phải giấc mơ”).

Bên cạnh những niềm riêng, Khét cũng trăn trở với những vấn đề nóng của xã hội, những câu chuyện không của riêng ai. Đó là khi con người nghi ngờ, mất niềm tin vào cuộc sống trong lúc dịch bệnh hoành hành; là nỗi đau mất mát, chia ly trong thiên tai, bão lũ; là những dư âm đắng chát của chất độc da cam trong thời bình; hay có khi chỉ là cái giật mình tiếc nuối của những người đánh rơi tuổi trẻ giữa hư không…

Thơ Khét không bị gò bó trong một khuôn khổ hay nhịp phách của công thức nào. Vẫn có những vần thơ lục bát nhẹ nhàng, vần điệu chỉn chu, nhưng đa phần là những câu thơ tự do dạt dào tình cảm. Hình ảnh trong thơ anh cũng vừa lạ, vừa quen, vừa khiến người đọc ấn tượng như: “Cánh có trắng mang củi lửa ra đồng đốt bớt chút long đong” (“Chạy đi cánh đồng”), “Quả đất lười quay kẹt lại trong bụi ô rô cuối xóm” (“Không phải giấc mơ”), “Ai gội tóc bên hiên cho chạnh lòng con cúm núm/ Ta xỏ cả cửu long vào chiếc lìm kìm đêm tháng hạ/ Khâu lại câu hò gãy nhịp dưới bến sông” (“Che em qua suối”).

Ðọc thơ Khét, có lúc chìm trong mênh mang ký ức ngọt ngào hay nỗi buồn man mác của kẻ ly hương; lúc lại day dứt những phận người không trọn vẹn; khi lại cuộn trào những ước mơ và khát khao bùng cháy về tình yêu, về những điều tươi đẹp… Để rồi cùng hòa vào những cung bậc yêu thương, những nỗi niềm trong tâm hồn của chàng thi sĩ nặng tình với quê hương.    

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết