30/04/2020 - 07:29

Nơi lưu giữ ký ức về Đại thắng mùa Xuân ở Cần Thơ 

Bảo tàng TP Cần Thơ lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý về vùng đất và con người Cần Thơ. Trong đó, không gian trưng bày về “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 tỉnh Cần Thơ” luôn gợi cho khách tham quan bao cảm xúc tự hào.

Một đoạn bích họa tại gian trưng bày “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 tỉnh Cần Thơ”.

Gian trưng bày này đặt ở tầng 2, đối diện Hội trường của Bảo tàng. Ấn tượng khi khách đặt chân vào là sa bàn “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 tỉnh Cần Thơ” đặt ở trung tâm. Những mũi tiến công, địa hình, thế trận… được thể hiện rất rõ ràng, dễ theo dõi, giúp người xem hiểu hơn về thời khắc lịch sử không thể nào quên của dân tộc. Trên vách tường, nổi bật là bức bích họa khổ cực đại, vẽ cảnh quân giải phóng tiến vào giải phóng Cần Thơ trong sự hò reo, vui mừng của đồng bào Cần Thơ. Không khí “đất nước trọn niềm vui” với cờ hoa tung trời được thể hiện rất chân thật trong bức bích họa. Được biết, đây là tác phẩm do họa sĩ Tô Dự lên ý tưởng, phác thảo và tự tay vẽ dưới sự hỗ trợ của các cộng sự. Là một người con của quê hương Cần Thơ, quang cảnh lịch sử ấy được họa sĩ Tô Dự chứng kiến, tổng hợp thêm từ lời kể của nhân chứng và được ông kể lại bằng tranh.

Trong gian trưng bày này, người xem còn xúc động khi được nhìn lại những kỷ vật của các nghệ sĩ Văn công Cần Thơ thời chống Mỹ. Trong đó, có cây đàn violon của nữ liệt sĩ văn công Dương Thị Loan Anh - biểu tượng cho tinh thần quả cảm của Văn công Cần Thơ. Chúng tôi từng được nghe ông Lê Quang Kiên (Ba Kiên), nguyên Trưởng Đoàn Văn công Cần Thơ, người ở bên cạnh cô Loan Anh trong những phút cuối. Theo lời ông Ba Kiên, cô Loan Anh bị trúng đạn từ trực thăng của giặc khi đang dẫn đoàn lãnh đạo Đoàn Văn công Cần Thơ về vàm Cái Nhàu, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, để chọn nơi đóng quân vào năm 1970. Trước khi hy sinh, khoảng năm 1965, cô Loan Anh từng bị bắt và bị giam ở Khám Lớn Cần Thơ. Gia đình vào thăm gởi mía cho cô, cô tưởng tượng đó là cây đàn violon, tay trái bấm nốt, tay phải làm động tác kéo đàn, miệng nhẩm nhạc lý. Khúc mía này khô, cô thay bằng khúc mía khác. Nhờ vậy khi được thả, cô vẫn kéo đàn không một chút lạ tay.

Một hiện vật tiêu biểu nữa là bộ trống “Việt Nam đánh giặc Mỹ” của cố nghệ sĩ Trần Giác, sáng chế năm 1972. Bộ trống là minh chứng cho sức sáng tạo và tinh thần vượt khó của Văn công Cần Thơ giữa thời mưa bom bão đạn. Bộ trống được làm bằng vỏ bom, pháo sáng, ăng-ten, võng dù... là những chiến lợi phẩm thu được. Bộ trống ra mắt lần đầu tiên trong hội nghị chống phá bình định và lễ đón nhận Huân chương Thành đồng Hạng Nhứt của Cần Thơ, rồi trở thành vũ khí tuyên truyền gắn với nhiều lễ mừng công, chiến thắng và phục vụ đồng bào đến tận ngày toàn thắng.

Đến đây, không thể bỏ qua bức ảnh lịch sử được giới thiệu tại gian trưng bày này. Đó là hình ảnh chụp lúc 15 giờ ngày 30-4-1975, đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình), thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa TP Cần Thơ kêu gọi đồng bào nổi dậy giành chính quyền. Hay là hình ảnh lễ mít-tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước tại thị xã Vị Thanh năm 1975. Tại TP Cần Thơ (cũ), lễ mít-tinh mừng sự kiện trọng đại này diễn ra vào ngày 15-5-1975 với hình ảnh dòng người chen kín, giơ cao băng-rôn, khẩu ngữ, mừng Cần Thơ được giải phóng. Nhiều bức ảnh lịch sử khác cũng ấn tượng không kém là Ban Chỉ huy chiến dịch sau khi tổng tấn công chiếm lĩnh hoàn toàn thị xã Vị Thanh, ngày 1-5-1975; bức ảnh chụp cảnh quân giải phóng thu giữ xe bọc thép M113 của Mỹ ở thị xã Vị Thanh, ngày 1-5-1975; quân giải phóng tiến vào phi trường Vị Thanh; bộ đội ta chiếm lĩnh căn cứ hải quân Cần Thơ vào ngày 30-4-1975… Và một bức ảnh minh chứng cho căn cứ lòng dân góp phần làm nên thành công của Đại thắng mùa Xuân tại Cần Thơ là ảnh chụp nhà ông Mạc Thanh Dương (số 132/74, đường Hùng Vương), nơi làm việc của Ủy ban Khởi nghĩa TP Cần Thơ năm 1975.

Những bức tranh đã phai màu đen trắng, những hiện vật đã nhuốm màu thời gian, nhưng đằm sâu trong đó là ký ức, là chiến công đáng tự hào của cha ông. Đó còn là những trang sử sống động để thế hệ hôm nay tìm hiểu, học tập và thêm trân quý truyền thống anh hùng của quê hương, xứ sở.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết