09/02/2009 - 21:18

Đồng bằng Sông Cửu Long

Nỗi lo cho mùa tôm chính vụ

Chưa bao giờ người nuôi tôm sú ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại lo lắng về chất lượng tôm giống nhiều như hiện nay. Mấy năm gần đây, cứ vào vụ nuôi tôm sú, người nuôi lại gặp cảnh tôm giống không qua kiểm dịch (nhập lậu) và mang mầm bệnh chiếm tỷ lệ cao. Hậu quả là ngày càng có nhiều người nuôi tôm bị thiệt hại nặng…

* Tôm giống kém chất lượng: người nuôi lãnh đủ!

Sau khi kết thúc vụ nuôi tôm sú năm 2008, những ngày đầu năm 2009, nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL đang khẩn trương chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Người dân sên vét, cải tạo ao đìa và những ao nuôi được tẩy trắng xóa màu vôi trên nền đáy, nhiều ao được cán, đầm nén và san ủi đáy bằng phẳng phơi mình trong nắng. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực ĐBSCL, năm 2008 chỉ có khoảng 35 - 50% diện tích nuôi tôm có lãi nhưng lợi nhuận thu được không cao và chỉ bằng 60% so với năm 2007. Nỗi lo lớn nhất của người nuôi tôm sú hiện nay vẫn là chất lượng tôm giống.

Anh Nguyễn Văn Sáu, ấp Động Cao, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết: “Vài năm gần đây, trên diện tích hơn 1,5 ha mặt nước tôi thả nuôi 40.000 - 50.000 con tôm giống mỗi đợt, nhưng chỉ thu hoạch được 150 kg, bán được 12,5 triệu đồng, tương đương 4.500 con tôm thịt (chiếm khoảng 10% số lượng con giống thả nuôi). Có vụ thời tiết không thuận lợi, tôm sú nuôi chỉ mới được 30 - 45 ngày tuổi bị chết đồng loạt, coi như mất trắng. Năm 2008, gia đình tôi rất thận trọng chọn mua tôm giống tốt, được kiểm dịch đạt yêu cầu, ao đìa cải tạo rất kỹ, tuân thủ đúng lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn, các yếu tố môi trường nước (độ mặn, độ pH, độ kiềm,...) khá ổn định, nhưng qua hai đợt thả giống khoảng 100.000 con cũng chỉ sống được 45 - 50 ngày thì bị chết sạch. Tôi bị mất trắng trên 16 triệu đồng về chi phí con giống, thức ăn và cải tạo ao đìa”.

 Chất lượng tôm giống - một trong những nhân tố quyết định thành công trong nghề nuôi tôm sú. Trong ảnh: Thu hoạch tôm sú ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Hoa - ở ấp Giồng Dài, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thả nuôi 150.000 con giống trên diện tích 5.500 m2 theo hình thức công nghiệp, sau 4,5 tháng thu hoạch, bán được hơn 11 triệu đồng. Chị Hoa than phiền bị thua lỗ hơn 8 triệu đồng, do tôm nuôi không lớn, thân tôm đen và bị sần sùi. Mô hình nuôi tôm luân canh trồng lúa của ông Nguyễn Văn Thưởng, ở ấp Bến Cát, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang thả nuôi 50.000 con giống trên diện tích 2.500m2. Song chỉ sau thời gian 5 ngày tuổi coi như bị mất trắng. Sau đó ông tiếp tục cải tạo ao lại và thả nuôi 50.000 con giống nữa, nhưng đàn tôm này vẫn không sống qua được 40 ngày. Như vậy, trong hai lần thả giống cùng với chi phí cải tạo, thức ăn... gia đình ông Thưởng bị lỗ khoảng 7,5 triệu đồng. Còn anh Nguyễn Văn Rô ấp Cây Còng, xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú thả nuôi theo hình thức quảng canh (tôm-rừng), với 3 đợt thả nuôi gần 500.000 con tôm giống trên diện tích gần 10 ha, trong thời gian khoảng 40 ngày tuổi tôm bị bệnh đốm trắng, đỏ thân và đầu vàng chết sạch, bị thua lỗ khoảng 15 triệu đồng,...

Ông Dương Văn Dũng, ở ấp Bàu Sấu, xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú thả nuôi lần đầu 150.000 con giống trên diện tích 20.000 m2 (2 ha) nuôi theo hình thức công nghiệp, sau thời gian 45 ngày tuổi tôm bị bệnh đốm trắng, đầu vàng chết sạch không thu được con nào, mất trắng khoảng 20 triệu đồng, ông tiếp tục sên vét cải tạo ao thả nuôi trở lại lần 2 thưa hơn trước, với số lượng 100.000 con cũng trên diện tích này, nhưng chưa qua 60 ngày nuôi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu của bệnh đốm trắng, đầu vàng và nuôi không lớn, tôm bắt đầu chết dần, gia đình ông Dũng quyết định thu hoạch 1 lần và bán chỉ được hơn 9,2 triệu đồng, ông Dũng than phiền bị lỗ hơn 10 triệu đồng, do tôm nuôi không lớn, phần nhiều 60 - 70 con/kg, thân tôm đen và bị sần sùi do tôm giống có dấu hiệu của bệnh còi...

* Bao giờ hết nạn “tôm giống cà rem”?

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, năm 2008 toàn tỉnh có hơn 26.385 ha nuôi tôm sú chính vụ, trong đó có hơn 8.621 ha nuôi theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp và 17.764 ha nuôi quảng canh cải tiến. Có trên 2,3 tỉ con giống tôm sú được thả nuôi nhưng chỉ có 19,2% số lượng này được kiểm dịch, tương đương 453 triệu con, còn lại 1,907 tỉ con nhập vào từ nguồn không đảm bảo chất lượng, trong đó có cả tôm giống bị nhiễm bệnh. Nguồn tôm giống trôi nổi này được nhiều người ví von gọi là “tôm giống cà rem”.

Cà Mau là nơi có diện tích nuôi tôm sú nhiều nhất khu vực ĐBSCL với hơn 258.000 ha, mỗi năm thả nuôi trên 11 tỉ con giống, song chỉ thu hoạch được khoảng 70.000 tấn tôm thương phẩm, tương đương hơn 3,2 tỉ con giống. Còn lại gần 7,8 tỉ con giống bị hao hụt trong thời gian nuôi do nhiễm bệnh và chết. Tương tự, ở tỉnh Sóc Trăng thả nuôi hơn 5 tỉ con giống, nhưng chỉ kiểm dịch được khoảng 45% tương đương 2,25 tỉ con, số còn lại 2,75 tỉ con nhập ngoài tỉnh về không đảm bảo chất lượng. Còn ở Trà Vinh thả nuôi trên 2,36 tỉ con, nhưng kiểm dịch khoảng 50%, tương đương 1,2 tỉ con (tiêu hủy trên 37 triệu con giống nhiễm bệnh vượt mức qui định), số còn lại phần lớn là kém chất lượng và nhiễm bệnh,... Những năm gần đây, diện tích nuôi, số lượng tôm giống ở ĐBSCL liên tục tăng nhanh, nhưng sản lượng tôm nguyên liệu tăng không đáng kể, thậm chí đáng quan tâm hơn là năm 2008 sản lượng tôm sú thương phẩm cả vùng không tăng mà còn giảm đáng kể, đến thời điểm này sản lượng tôm sú sụt giảm khoảng 60.000 - 70.000 tấn so với cùng thời điểm năm 2007, không đáp ứng đủ nhu cầu cho hơn 22 nhà máy chế biến xuất khẩu trong khu vực.

Mỗi năm, khu vực ĐBSCL có nhu cầu thả nuôi 25- 30 tỉ con tôm sú giống, với diện tích trên 540.000 ha, nhưng nguồn tôm sú giống sản xuất tại chỗ mới chiếm khoảng 30 - 45%, số còn lại phải nhập từ các tỉnh khác về. Số tôm sú giống được nhập vào các tỉnh này được qua kiểm dịch bằng hệ thống PCR chiếm tỷ lệ còn rất ít. Hầu hết chưa qua kiểm dịch nên không đảm bảo chất lượng, không đủ kích cỡ nhưng vẫn được vận chuyển bằng đường thủy hoặc thuê xe dịch vụ len lỏi khắp nơi bán trực tiếp cho người nuôi. Theo đánh giá của cán bộ Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản các tỉnh ĐBSCL, những năm gần đây tỷ lệ tôm sú giống bị nhiễm bệnh chiếm khoảng 50 -60%, thế nhưng số tôm bị tiêu hủy là không đáng kể. Đối với đàn tôm giống khi bị phát hiện có nhiễm bệnh là yêu cầu đại lý giữ lại theo dõi và xử lý bệnh cho tôm, nhưng sau đó vẫn được xuất bán cho người nuôi, thế là những mẻ tôm bệnh như thế này vẫn được thả nuôi, nên việc tôm nuôi bị bệnh lây lan trên diện rộng rồi chết hàng loạt là điều không thể tránh khỏi.

Trong nhiều năm qua ở khu vực ĐBSCL đã tập trung đầu tư mua sắm máy PCR hiện đại và các thiết bị phục vụ kiểm tra mầm bệnh trên tôm sú giống, tôm sú bố mẹ, thành lập các trung tâm cảnh báo quan trắc môi trường các khu vực để theo dõi tình hình diễn biến các yếu tố môi trường theo từng thời điểm khi vào vụ mới. Đồng thời, có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất tôm sú giống sạch bệnh, chất lượng cao, như: ưu đãi miễn giảm thuế sử dụng đất, được hỗ trợ tín dụng đầu tư, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ bản trại sản xuất... Tuy nhiên do nguồn vốn còn hạn hẹp, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đồng thời chưa quy hoạch được vùng sản xuất giống tập trung để hạn chế mầm bệnh lây lan từ các trang trại nuôi tôm thịt xả nước thải ra môi trường công cộng, nên chủ trương này chưa đạt được hiệu quả.

Trước mắt, các tỉnh vẫn cần có giải pháp quản lý thật chặt chẽ nguồn tôm giống từ sản xuất, ương dưỡng tại chỗ và nhập từ ngoài tỉnh, góp phần loại bỏ những đàn tôm giống nhiễm bệnh, kém chất lượng, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho hàng ngàn hộ nuôi tôm ở ĐBSCL.

Bài, ảnh: Nguyễn Dũng

Chia sẻ bài viết