Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH
“”Sợi yêu” là tập thơ đạt đến độ chín, độ sâu cả về nội dung và nghệ thuật, ngôn ngữ và cấu trúc. Thi cảm luôn đầy ắp trong từng tác phẩm. Tác giả đã gói ghém và trang trải được lòng mình qua từng câu chữ, chuyển tải được đầy đủ tình yêu đôi lứa, tình yêu con người và tình yêu quê hương”.
Tập thơ “Sợi yêu” do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Nhà văn Trịnh Đình Nghi đã chia sẻ như thế về tập thơ “Sợi yêu” mới ra mắt của nhà thơ Huệ Thi, hội viên Hội Nhà văn, Chủ nhiệm CLB Văn học TP Cần Thơ.
“Sợi yêu” là một tập thơ nhỏ gọn, chỉ với 42 bài thơ, nhưng để đọc và cảm nhận, hẳn sẽ mất một khoảng thời gian không ít. Trong đó, không chỉ có tình yêu đôi lứa, mà tình yêu con người và tình yêu quê hương cũng được viết bằng những vần thơ hôi hổi xúc cảm, kết nối những “Sợi yêu” đến bạn đọc. Như trong bài thơ chủ đề, nhà thơ Huệ Thi bày tỏ:
“Sợi thương
Sợi nhớ lưng chừng
Cong cong dáng mẹ van đừng xa quê...”
Vậy mà người con gái xứ Quảng ấy đã chọn Cần Thơ làm chốn dừng chân, làm quê hương với tình yêu đong đầy. Người ta nhắc đến Huệ Thi với nhiều vai trò: doanh nhân, nhà thiết kế, người dẫn chương trình, người kinh doanh ẩm thực. Dường như lĩnh vực nào chị cũng để lại dấu ấn không nhỏ. Nhưng sau tất cả, thơ vẫn là tình yêu mãnh liệt trong chị, với một tâm hồn nhạy cảm với thi ca. “Sợi yêu” là tập thơ thứ 8 in riêng của chị. Và đúng như lời chia sẻ của nhà văn Trịnh Đình Nghi, thơ Huệ Thi ngày càng đạt đến độ chín, độ sâu.
Đọc “Sợi yêu”, cũng là những vần thơ nữ tính, những câu thơ khát khao yêu thương như trong các tập trước đó như “Khát khao”, “Bóng quê”, “Đa đoan”, “Ngược dòng”, “Thăng hoa”, “Đỉnh vực”... nhưng cái khác là “độ chín” trong cảm xúc, trong cảm nhận tình đời, tình người. Với tình yêu, trong “Sợi yêu” không còn là những sự “say nắng” hay đắm chìm mà là những góp nhặt kỹ càng:
“Anh đã thương chẳng phải
má em hồng
Thương năm tháng buồn vui
gom nhặt
Thương đôi mắt chứa chan
điều rất thật
Bước phong sương ai lầm lũi đi về”
(“Mình hò hẹn được không”)
Không phải là người sống nội tâm, Huệ Thi luôn tạo cho người đối diện năng lượng tích cực, sôi nổi nhưng ở tuổi ngoài 40, dường như chị nghĩ nhiều hơn về thuở ấu thơ, về cố hương, về tô mì Quảng nơi quê nhà Đại Lộc. Trong “Đêm tha phương”, chị viết như một tiếng thở dài chứa chan:
“Có những chiều gió thổi
mùi hương
Cũng đủ nhớ
Đủ thương da diết
Bóng mái nhà xưa rêu phong
biền biệt
Đất khách quê người thèm
cơm nắm cá kho”
Với tình người, tình đời, “Sợi yêu” cũng góp nhặt những bài thơ rất hay. “Những mãnh vỡ va vào nhau sắc nhọn” là một bài thơ như thế. “Thế thái nhân tình”, chọn sống cho mình hay sống vừa lòng nhau cũng khó, để rồi rốt cùng, Huệ Thi chiêm nghiệm:
“Hãy lắng nghe tiếng lòng thổn thức
Vết thương nào rỉ máu cũng
làm đau
Đến một ngày chùn gối, biết tha thứ
cho nhau
Chừng quá muộn khi màn nhung
đã tắt”
Khép lại “Sợi yêu”, người đọc như mở ra một khoảng không cảm xúc đầy da diết. Buồn có, vui có, rưng rưng có, mỉm cười có và đằng sau những câu thơ hay còn là những cảm xúc tích cực - thương nhau mà sống:
“Hình như chúng mình già lại càng
thấy thương nhau
Bữa cơm nhạt vẫn thấy đời
mật ngọt
Là nhân nghĩa đâu cần lời
thánh thót
Đôi tay già nắm chặt vẫn run run”
(“Thôi anh à, mình thương nhau mà sống”)