23/06/2009 - 21:01

Nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái

Các học viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội - tâm thần Cần Thơ đang thực hiện công đoạn bóc nhãn chai nhựa đã qua sử dụng.

Trung tâm Bảo trợ xã hội - tâm thần Cần Thơ được thành lập từ tháng 5 năm 2005. Hơn 4 năm qua, nơi đây đã là ngôi nhà chung của khoảng 750 lượt người thuộc nhiều đối tượng khác nhau: người già lang thang, trẻ em cơ nhỡ, bệnh nhân tâm thần không nơi nương tựa... Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các nhân viên của Trung tâm đã nỗ lực rất nhiều để làm tốt nhiệm vụ xã hội của mình.

Đến Trung tâm Bảo trợ xã hội - tâm thần Cần Thơ (Trung tâm) vào những ngày đầu tháng 6, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là khoảng 20 học viên đang bóc nhãn chai nhựa, một trong những công đoạn phục vụ việc tái chế nhựa đã qua sử dụng. Các vỏ chai nhựa này được Công ty sản xuất nhựa Đức Hòa, quận Ô Môn, thu lại, đưa đến Trung tâm và sẽ chở về công ty sau khi số vỏ chai này đã được bóc nhãn. Ở đây, tiếng nói cười rộn rã của các học viên làm cho không khí làm việc trở nên thoải mái, nhưng thỉnh thoảng, cũng có những ánh mắt vô hồn nhìn xa xăm, chợt nói cười vô cớ.

Công việc bóc nhãn chai nhựa đã qua sử dụng là một trong những sáng kiến của Ban giám đốc Trung tâm nhằm tạo việc làm cho các học viên. Công việc này không đòi hỏi kỹ năng, vừa đem lại thêm thu nhập cải thiện bữa ăn, vừa là một phương pháp vật lý trị liệu, tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái, góp phần vào tiến trình hồi phục của nhiều học viên tâm thần nhẹ. Qua đó, còn giúp rèn luyện thái độ lao động chân chính và một số kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho các học viên. Ngoài việc bóc nhãn chai nhựa, Trung tâm hiện có 30 máy xe nhang, hỗ trợ các học viên của Trung tâm làm ra trên dưới 100.000 cây nhang mỗi ngày. Mỗi thiên nhang thành phẩm (1.000 cây), học viên được trả 2.000 đồng tiền công. Tuy nhiên, đây là một công việc phụ thuộc vào thời tiết nên cũng gặp không ít khó khăn trong mùa mưa. Khi tôi đến Trung tâm, việc xe nhang cũng đang tạm đình lại vì số sản phẩm lần trước bán chưa hết.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 750 lượt người thuộc đối tượng được bảo trợ. Ông Huỳnh Văn Sánh, Trưởng phòng Tổ chức Hành chánh của Trung tâm, cho biết: “Có khi, Trung tâm tiếp nhận khoảng 20 người/ngày nhưng hiện tại Trung tâm chỉ có 13 nhân viên y tế, 6 nhân viên chăm sóc cho các đối tượng và 13 nhân viên bảo vệ. Trong số gần 400 học viên đang sinh sống tại Trung tâm có khoảng 300 người thuộc đối tượng tâm thần. Vì vậy, để chăm sóc chu đáo tất cả các học viên là một điều hết sức khó khăn. Các nhân viên Trung tâm thường giúp đỡ, chia sẻ công việc với nhau. Vào ban đêm, các nhân viên bảo vệ phải thay nhau trực, đề phòng các học viên tâm thần bị kích động, đánh nhau. Nếu có xảy ra tình trạng trên thì các nhân viên bảo vệ vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ của một nhân viên chăm sóc”.

Có đến đây mới thấy được công việc thầm lặng của các nhân viên Trung tâm, cùng nhau chăm sóc, điều trị cho những mảnh đời bất hạnh. Ông Châu Văn Sậy, Phó phòng Y tế của Trung tâm, tâm sự: “Tôi đã làm ở đây được 3 năm, tuy cực nhưng tôi nghĩ ở đâu cũng là phục vụ nên tôi chọn nơi đây để gắn bó. Lắm lúc mình đi phát thuốc hay chẩn bệnh cho bệnh nhân tâm thần, họ phun nước miếng thậm chí còn bị họ đấm vào mặt, nhưng đó là những chuyện bình thường. Mình đâu thể trách họ được. Bởi vì, sự chăm sóc tận tình của những nhân viên Trung tâm là yếu tố đầu tiên đem lại sự vui vẻ, lạc quan, góp phần làm thuyên giảm dần bệnh tình của các học viên”. Bà Nguyễn Thị Lan, ngoài 70 tuổi, là đối tượng lang thang, được đưa đến Trung tâm hơn 2 tháng nay, bộc bạch: “Mấy cô chú ở đây tốt lắm, cho ăn ngày 3 bữa đầy đủ vì vậy tôi sống rất thoải mái”. Vui chơi giải trí, là một cách trị liệu về tinh thần, được Trung tâm hết sức quan tâm. Mỗi tháng một lần, Trung tâm đều tổ chức sinh hoạt tâm lý cho các học viên. Các ngày lễ, Tết, Trung tâm đều tranh thủ tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí.

Không chỉ chăm sóc bữa ăn, thuốc men, Trung tâm còn quan tâm đến đào tạo nghề và giáo dục văn hóa cho các đối tượng lang thang. Thời gian qua, Trung tâm tổ chức được 2 lớp dạy nghề mộc và 1 lớp sửa xe gắn máy, mỗi lớp có hơn 25 học viên tham gia. Bên cạnh đó, Trung tâm kết hợp với một số giáo viên ở các điểm trường trên địa bàn quận Ninh Kiều phổ cập các lớp 1, 2 và 3, thu hút khoảng 25 học viên tham gia học tập. Tất cả những điều trên nhằm tạo tiền đề cho việc tái hòa nhập cộng đồng của các học viên được dễ dàng hơn. Chỉ tính riêng năm 2008, có khoảng 120 học viên được tái hòa nhập cộng đồng. Tuy khó khăn nhưng các nhân viên Trung tâm cùng chung sức hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều cá nhân, đơn vị. Ông Lê Trọng Hùng quyền Giám đốc Trung tâm, tâm sự: “Có khi, mấy cô bán chuối chiên hay mấy chị bán rau cải ghé qua Trung tâm cho bánh, rau cải, những món quà không nhiều tiền nhưng đó là cả tấm lòng của mấy cô, mấy chị đối với những mảnh đời bất hạnh. Một số nhà thờ và nhà chùa trên địa bàn quận cũng hết lòng vì Trung tâm. Hằng tháng, Trung tâm nhận được sự trợ giúp hai bữa ăn chay dưỡng sinh từ quý chùa. Nhiều nhà hảo tâm khác giúp quần áo cũ, tiền bạc... nhưng họ lại không cho biết tên. Trung tâm hết sức cảm kích những tấm lòng ấy!”.

Được sự quan tâm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, thời gian gần đây, Trung tâm được nâng cấp, sửa chữa một số công trình phục vụ thiết yếu cho công tác chăm sóc và bảo trợ xã hội. Một số gian phòng đã được thay tấm lợp. Theo ông Lê Trọng Hùng: “Nhà bếp của Trung tâm đã xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn trong việc chăm sóc bữa ăn của học viên. Vừa qua, Trung tâm có trình bày sự việc lên cơ quan cấp trên và đã được duyệt kinh phí tu sửa nhà bếp. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, Trung tâm sẽ có nhà bếp mới để phục vụ tốt hơn bữa ăn của học viên”.

Tuy vậy, Trung tâm hiện vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Diện tích trung bình chỗ ở của học viên Trung tâm hiện nay là 2m2/người, trong khi theo Nghị định 68 của Chính phủ phải là 6m2/người. Ông Huỳnh Văn Sánh, Trưởng phòng Tổ chức Hành chánh của Trung tâm, cho biết: “Diện tích chật mà người lại đông, gây khó khăn cho việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng cho học viên. Không gian sống không được thoải mái đã ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh cho học viên, nhất là đối với bệnh nhân tâm thần và bệnh nhân HIV”. Mỗi năm, Trung tâm có 2 đợt cấp quần áo cho học viên, mỗi đợt cấp cho mỗi người 2 bộ đồ để thay đổi hàng ngày. Tuy vậy, học viên ở đây vẫn bị thiếu quần áo do đặc thù các đối tượng ở đây không thể tự vệ sinh cá nhân tốt.

Cũng theo ông Lê Trọng Hùng, Trung tâm đang nhận được sự hỗ trợ kinh phí cho khẩu phần ăn của học viên từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cụ thể, đối tượng lang thang: 8.000 đồng/người/ngày, đối tượng tâm thần: 10.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, các cơ số thuốc phục vụ cho bệnh nhân tâm thần đang được sự hỗ trợ một phần lớn từ Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ. Với giá cả tiêu dùng ở thời điểm hiện nay, Trung tâm đang gặp khó trong việc cân đối chi phí bữa ăn của học viên, làm sao để vừa đủ chi, vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết cho các đối tượng.

Để khắc phục phần nào khó khăn, bên cạnh tạo việc làm cho các học viên, trong khoảng 4 năm qua, ông Lê Trọng Hùng liên hệ với Tổ cơm, cháo, nước sôi từ thiện của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ để xin cháo về bổ sung bữa ăn sáng cho các học viên.

Với những gì đã làm được trong hơn 4 năm qua, Trung tâm Bảo Trợ xã hội - tâm thần Cần Thơ đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen tập thể và cá nhân của các cơ quan trao tặng. Nhưng để thực hiện tốt vai trò bảo trợ xã hội của mình, nơi đây rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các tổ chức, đoàn thể và những tấm lòng nhân ái, cùng chung tay góp sức giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết