12/11/2009 - 09:02

Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ

Nơi gieo mầm cách mạng...

Nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ - Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ), ngày 10-11-2009, ngay tại thị trấn Cờ Đỏ, nơi thành lập Chi bộ đầu tiên này, Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học: “Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của Chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng Cần Thơ và trong vùng”. Với sự dày công tìm hiểu, nghiên cứu, hơn 400 bài viết gửi về cùng với những ý kiến tâm huyết trình bày tại hội thảo đã giúp làm sáng tỏ hơn các vấn đề về quá trình ra đời, vai trò lịch sử và ảnh hưởng của Chi bộ Cờ Đỏ đối với phong trào cách mạng trong vùng giai đoạn 1930-1931 và những năm tiếp theo; đồng thời, giúp người đọc, người nghe hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của những nhà cách mạng tiêu biểu có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng ở địa phương và khu vực giai đoạn này...

Chi bộ đầu tiên ở Cờ Đỏ - Ô Môn (1929).
Tranh của Tô Dự 

Bằng những nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, các đại biểu đã tái hiện và khẳng định bối cảnh ra đời của Chi bộ Cờ Đỏ. Đó là vào đêm 10-11-1929, tại một căn chòi ngang lẫm lúa của đồn điền Cờ Đỏ (do chủ Tây Paul Eméry cai quản), thuộc làng Thới Đông, tổng Thới Bảo, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, đồng chí Hà Huy Giáp - Ủy viên Ban Chấp hành Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang - được Đặc ủy phân công về Ô Môn phối hợp cùng đồng chí Nguyễn Văn Nhung (quê ở Long Hồ - Vĩnh Long, trước làm thư ký Tòa khâm sứ ở Phnom Penh) và đồng chí Bảy Núi (từ Cà Mau được điều lên Ô Môn, trước làm thư ký Bưu điện Biên Hòa) đã thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, do đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư. Nhiều ý kiến, tham luận tại hội thảo có chung nhận định: Việc Đặc ủy chọn nơi đây để xây dựng tổ chức Đảng đầu tiên của tỉnh Cần Thơ là phù hợp, bởi nơi đây hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho sự ra đời này. Tham luận của tác giả Bùi Hải Dương, khoa Dân vận - Trường Chính trị TP Cần Thơ, phân tích: Thứ nhất, Đồn điền Cờ Đỏ là nơi tập trung những mâu thuẫn sâu sắc, cao độ giữa nông dân tá điền với chủ điền Tây, đó là điều kiện thuận lợi để vận động và giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng và làm cách mạng. Thứ hai: Do có mâu thuẫn sâu sắc giữa tá điền và chủ điền Tây nên các phong trào đấu tranh của tá điền ở đồn điền này ngày càng mạnh và rộng rãi, đòi hỏi phải có sự thống nhất lãnh đạo của Đảng nhằm đưa phong trào đấu tranh của quần chúng đi vào có tổ chức để đạt hiệu quả cao hơn. Thứ ba: Trong thời gian này, chủ điền Tây đã cho xây dựng một lẫm lúa lớn, các cơ sở cơ khí, nhà máy xay xát... chúng đã thuê mướn hàng ngàn lao động làm thuê, đây là điều kiện thuận lợi để các đồng chí cán bộ của Đảng dễ dàng thâm nhập hoạt động mà kẻ thù khó phát hiện. Thứ tư: Sau một thời gian gây dựng phong trào, tuyên truyền vận động quần chúng, các cán bộ cách mạng được quần chúng tín nhiệm và che chở. Điều này cho thấy đây là nơi thuận lợi để xây dựng và phát triển phong trào, là ngọn cờ, là cái nôi để nhân rộng ra các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Theo các đại biểu, chủ trương vô sản hóa của Đảng ta, thể hiện qua việc đưa các cán bộ, đảng viên đi sâu sát quần chúng nhân dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân để hiểu rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, từ đó vận động họ tham gia các phong trào cách mạng, là một bài học vẫn còn nguyên giá trị trong công công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta hiện nay.

Nhận xét về giá trị lịch sử đối với sự ra đời của Chi bộ Cờ Đỏ, nhiều ý kiến thống nhất rằng: Sự ra đời của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ là phù hợp với quy luật tất yếu của lịch sử; khẳng định sự đúng đắn và sáng suốt của việc vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của phong trào cách mạng ở Cần Thơ. Ông Lư Văn Điền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: “Sự ra đời của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ thực sự đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân lao động, những người cùng khổ bị áp bức, bóc lột thậm tệ, có được người chỉ đường, dẫn dắt đứng lên đấu tranh đòi quyền sống”. Tham luận của ông Lư Văn Điền cũng đi sâu phân tích bối cảnh và điều kiện hoạt động của Chi bộ Cờ Đỏ. Với số lượng đảng viên ít ỏi, thực lực cách mạng mong manh, non yếu như thế mà phải đương đầu với một thế lực thù địch mạnh hơn gấp nhiều lần, có cả một hệ thống công cụ đàn áp khốc liệt; cảnh máu chảy, đầu rơi, chết chóc, tù đày là một hiển nhiên và đó cũng là sự thử thách, thể hiện sự chọn lựa “thà chết chứ không chịu làm nô lệ” của những người đảng viên Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ lúc bấy giờ. Ông Lư Văn Điền nhận định: “Tồn tại và phát triển trải qua 80 năm của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ đủ để nói lên khí phách anh hùng, bản lĩnh chính trị và tính tiên phong chiến đấu của người đảng viên Cộng sản”.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo”Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của Chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng ở Cần Thơ và trong vùng”.

Thông qua những chứng cứ, tư liệu và nhân chứng lịch sử, hội thảo cũng đã phân tích, bổ sung thêm chi tiết, các sự kiện lịch sử để chứng minh chi bộ Cờ Đỏ ra đời có tính chất lịch sử rất quan trọng, có tác dụng mạnh mẽ trong phong trào đấu tranh cách mạng ở Cần Thơ. Theo ông Võ Hùng Vĩnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Ô Môn (nay là quận Ô Môn), sự ra đời của Chi bộ Cờ Đỏ đã làm bùng cháy ngọn lửa cách mạng ở Cờ Đỏ, gieo “hạt giống đỏ” để bay đi khắp bốn phương, kêu gọi và lãnh đạo nhân dân đứng lên cứu nước. Ông Phan Thanh Trí (Ba Rép), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Ô Môn, nhận xét: “Từ khi có Chi bộ Đảng lãnh đạo, nhân dân trong vùng được tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn con đường phải đoàn kết, đấu tranh chống chế độ thuộc địa của thực dân Pháp và bọn phong kiến địa chủ, giành lấy chính quyền về tay nhân dân...”. Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, dưới sự dẫn dắt của Đảng đã dẫn đến cao trào đấu tranh, cụ thể là cuộc biểu tình của nhân dân ở năm làng: Thới Đông (Cờ Đỏ), Thới Lai, Thới Thạnh, Thới An, Phong Hòa... Từ Chi bộ đầu tiên, trong quận Ô Môn đã thành lập thêm bốn Chi bộ Đảng ở Phong Hòa, Thới Thạnh, Thới An và Trường Thành... Không chỉ tác động thúc đẩy phong trào cách mạng ở Cần Thơ, sự ra đời của Chi bộ Cờ Đỏ còn tác động mạnh mẽ đến nhiều địa phương trong vùng như Đồng Tháp, An Giang... Vào cuối tháng 11-1929, tại vàm Bù Hút, chi bộ ở Bù Hút (làng Phong Hòa, tỉnh Đồng Tháp) được thành lập. Vào cuối năm 1929 đầu 1930, các chi bộ Đảng tiếp tục được thành lập như chi bộ làng Vĩnh Xuân (quận Cầu Kè - tỉnh Trà Vinh), chi bộ làng Thới An (Ô Môn), An Bình, Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái, Bình Thủy (Châu Thành). Tại thị xã Cần Thơ các chi bộ Nhà Đèn, Sở Vệ Sinh (ghép), chi bộ Trường Collège de Can Tho cũng được thành lập. Ngoài ra, các tổ chức quần chúng của Đảng như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên, Phụ nữ phản đế cũng được tổ chức ở nhiều nơi, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đã tập hợp được một lực lượng đông đảo nhân dân, đẩy mạnh phong trào đấu tranh quần chúng.

Một vấn đề được các đại biểu tập trung nhiều ở buổi hội thảo là cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của một số nhà cách mạng tiêu biểu trong giai đoạn này, đặc biệt là cuộc đời, phẩm chất và khí tiết cách mạng của người Bí thư Chi bộ đầu tiên của tỉnh Cần Thơ: đồng chí Hà Huy Giáp. Phân tích vai trò của đồng chí Hà Huy Giáp trong giai đoạn này, nhiều ý kiến nhận định: đồng chí Hà Huy Giáp đã đồng thời hoàn thành cả hai sứ mệnh, vừa là nhà tuyên truyền vận động cách mạng nhiệt thành, vừa là nhà tổ chức cách mạng năng động, giàu nhiệt huyết cách mạng. Đặc biệt, trong việc thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Cờ Đỏ, đồng chí là người chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị và cả về mặt tổ chức. Không chỉ thế, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hà Huy Giáp đã nêu cao chí khí và luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nhận xét: “Từ buổi đầu tham gia cách mạng đến cuối đời, đồng chí Hà Huy Giáp đã giữ trọng danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, một lòng một dạ phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng”. Thạc sĩ Lê Thị Minh Thu, Trưởng bộ môn Lịch sử, Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, nêu ví dụ: “Tại phiên tòa đại hình “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương” vào đầu tháng 5-1933, thường gọi là “Vụ xử khổng lồ” (Procès monstre) kết án 121 chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Trước tòa, đồng chí Hà Huy Giáp và các đồng chí, từ vị trí bị cáo, họ đã nêu cao dũng khí, biến thành người tố cáo, sử dụng những lời phản bác đanh thép để phủ nhận những lời cáo trạng hoàn toàn vu khống của bản cáo trạng”. Cô Nguyễn Thị Hồng Hiệp, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, người có dịp tiếp xúc và làm việc với đồng chí Hà Huy Giáp thì luôn giữ ấn tượng và sự khâm phục về một người cán bộ lãnh đạo sống giản dị, thân ái và chân tình với mọi người. Cô Hồng Hiệp phát biểu: “Tấm gương đồng chí Hà Huy Giáp về tinh thần phục vụ sự nghiệp cách mạng trên bất cứ lĩnh vực nào đồng chí phụ trách, đức độ tận tụy, hy sinh, cuộc sống giản dị, phong cách gần gũi quần chúng, quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ mãi mãi soi sáng để chúng ta học tập, noi theo”.

Thông qua những tư liệu, chứng cứ lịch sử, các ý kiến và tham luận đã phân tích, bổ sung thêm chi tiết các sự kiện lịch sử và khẳng định vai trò, ý nghĩa và giá trị lịch sử của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ và về đồng chí Bí thư Chi bộ Hà Huy Giáp; ghi nhận tầm vóc, vai trò lịch sử của Chi bộ Đảng đầu tiên của Cần Thơ, không chỉ ảnh hưởng đối với phong trào Cách mạng ở Cần Thơ mà cả các tỉnh miền Hậu Giang. Đặc biệt, một lần nữa, khẳng định Cờ Đỏ - một trong những cái nôi cách mạng của Cần Thơ và miền Hậu Giang - là một trong những nơi đi đầu trong các cuộc cách mạng, không những trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nhấn mạnh: “Điều mong muốn lớn nhất của Thành ủy sau cuộc hội thảo này là phát hiện thêm những giá trị mới, thu thập thêm tư liệu để tiếp tục khẳng định vai trò lịch sử của Chi bộ Cờ Đỏ, ghi nhớ và biết ơn sâu sắc các bậc cách mạng tiền bối, từ đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, củng cố thêm bản lĩnh chính trị, sẵn sàng vượt qua khó khăn thách thức trong mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân để phấn đấu xây dựng Cờ Đỏ nói riêng và TP Cần Thơ nói chung là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH, xứng đáng là thành phố động lực của vùng ĐBSCL như Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã khẳng định”.

Bài, ảnh: HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết