Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ vừa đưa ra xét xử vụ án giết người, với bị hại và bị cáo là anh em ruột. Chỉ vì mâu thuẫn tranh chấp chút quyền lợi khi mua bán đất đai mà người mất mạng, kẻ vào tù. Trong những vụ án thế này, đau đớn hơn cả là các bậc sinh thành, chứng kiến con cái “nồi da xáo thịt” dai dẳng nhưng từ đầu không có giải pháp thỏa đáng. Đến khi bi kịch xảy ra, không còn cứu vãn được nữa.
Tiết trời âm u cùng cơn mưa dầm cuối tháng 9 làm không khí phòng xử án thêm nặng nề. Vợ bị hại Nguyễn Văn Thái (29 tuổi) còn rất trẻ, ngồi cạnh cửa sổ, gương mặt u buồn. Góc bên này là cha mẹ Thái và bị cáo Nguyễn Văn Thơ (43 tuổi), phía sau là vợ Thơ, liên tục kéo áo lau nước mắt. Những người từng sống cùng nhà, ăn chung mâm, cùng chia sẻ ngọt bùi, nay ở hai tâm thế khác nhau, phía nào cũng tổn thương dai dẳng.
Cha mẹ bị cáo Nguyễn Văn Thơ buồn bã tham dự phiên tòa.
Nội dung vụ án khá đơn giản. Biết cha mẹ định chuyển nhượng cho Thơ khoảng 2.500m2 đất ruộng, với giá 150 triệu đồng, Thái không chịu vì cho rằng quá rẻ. Thái yêu cầu cha mẹ chuyển nhượng cho mình để sang, bán người khác giá cao hơn. Từ đó, hai bên thường xuyên xảy ra cự cãi, đôi lúc Thái có lời lẽ không hay với anh ruột. Sau này, Thơ trả lại đất theo yêu cầu của mẹ, chỉ xin chuyển nhượng một phần để làm lối đi, lấy nước phục vụ canh tác hoa màu, với giá 60 triệu đồng. Thái biết chuyện, lại ngăn cản. Trưa 15-5-2018, sau khi đi nhậu về, Thơ đến nhà mẹ ruột trao đổi vấn đề này, lại gặp Thái, tiếp tục xảy ra cự cãi, đánh nhau. Thái nói sẽ không cho Thơ sử dụng lối đi, không cho lấy nước canh tác…
Tức giận, Thơ bỏ về nhà, rồi ra nhà bếp lấy con dao mũi nhọn giấu vào người, quay lại nhà mẹ ruột. Thấy Thái đang nằm trên võng, Thơ bước tới, tiếp tục cự cãi, rồi xông vào đánh Thái. Lúc hai bên ẩu đả, Thơ lấy dao thủ sẵn, đâm hai nhát vào người Thái. Mọi người can ngăn, Thái được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong trên đường đi, còn Thơ bị bắt chiều cùng ngày. Kết luận giám định pháp y cho thấy nạn nhân chết do choáng mất máu cấp, sau vết thương đứt thủng phổi trái và động mạch vùng cuống phổi, do vật sắc nhọn gây ra.
Phiên tòa đong đầy nước mắt, hỏi đến người nào trong gia đình cũng khóc, như có dịp xổ tung bao uất ức kìm nén. Cha mẹ Thơ sắp bước vào tuổi 60, độ tuổi đáng lẽ được hưởng phúc sum vầy bên con cháu, lại tham gia phiên xét xử con trai tội giết người, đau đớn hơn nữa người chết cũng là con mình. Mẹ Thơ tức tưởi: "Chồng tôi cũng có phần lỗi. Là người đứng tên chủ quyền đất, nếu ổng nghe tôi phân chia rạch ròi từ đầu, làm giấy tờ đàng hoàng, ai có phần nấy, đâu ra nông nỗi. Con nào cũng là con, tôi sinh con chớ đâu sinh lòng. Gặp tình cảnh con cái xào xáo, làm mẹ nhưng tôi bất lực, không khuyên giải được. Giờ chuyện đã lỡ, mong tòa xét án nhẹ để Thơ sớm về với gia đình, đi làm nuôi con và nuôi cháu".
Nghe mẹ nói, Thơ rớt nước mắt, trình bày: "Trước đây, anh em thường xảy ra mâu thuẫn, Thái nhỏ nhưng hay ức hiếp bị cáo, nhịn hoài không được. Hôm đó, nghe Thái thách thức, trong khi có rượu, bị cáo lỡ đâm em nhưng thật lòng không hề muốn. Bị cáo rất hối hận, xin lỗi cha mẹ và em dâu vì làm mọi người buồn khổ!".
Tòa phân tích chỉ vì mâu thuẫn cự cãi trong việc chuyển nhượng đất mà anh em dùng vũ lực, gây hậu quả đau lòng. Trong vụ này, người lớn có phần lỗi không giải quyết dứt điểm, để xung đột ngày càng lên cao và hậu quả là anh em kẻ chết, người ngồi tù. Đây cũng là bài học trong giải quyết mâu thuẫn gia đình. Nếu không có khả năng hòa giải thì nhờ pháp luật can thiệp, bảo vệ, không nên bốc đồng, hành xử bạo lực, hại người, mang họa vào thân. Tòa nhận định hành vi của bị cáo Thơ nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng tính mạng con người, gây mất an ninh trật tự địa phương, cần phải có mức án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe. Tuy nhiên, xét bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, lỗi một phần của bị hại. Gia đình bị hại có đơn yêu cầu giảm nhẹ tội cho bị cáo nên có căn cứ để tuyên phạt bị cáo ở mức khởi điểm khung hình phạt 12 năm tù, đồng thời, phải chu cấp nuôi con bị hại đến tuổi trưởng thành.
Trong lúc tòa xử, tôi gặp hai con trai bị cáo Thơ chơi ngoài sân. Các cháu xin nghỉ học, theo mẹ để được gặp cha. Con lớn của Thơ học lớp 9, sớm biết phụ giúp việc nhà, chăm sóc ruộng vườn; em trai học lớp 4, cũng rất ngoan. Các cháu kể, cha mẹ cực lắm, đi làm mướn cả ngày nên anh em tự đi học và trông nhau. Mỗi lần các cháu đi thăm cha bị tạm giam, cha đều khuyên ráng học. Các cháu hứa sẽ ngoan đợi cha về… Còn con Thái vì mẹ đi làm xa, cha mất, chưa có điều kiện đến trường. Trước tình cảnh các cháu nội côi cút, cha mẹ Thơ và Thái quá đau lòng.
Kết thúc phiên tòa, hai vợ chồng già tóc điểm bạc và hai con dâu bước chân trĩu nặng, mỗi người mỗi hướng. Mong rằng, sau vụ việc này, khi nỗi đau dịu lại, người trong cuộc suy nghĩ thấu đáo, sớm hóa giải giận hờn, gắn kết tình thân, vì "một giọt máu đào hơn ao nước lã"…
Bài, ảnh: KIỀU CHINH