21/05/2010 - 08:04

Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII:

Nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2010

* Chính phủ trình chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh

Sáng 20-5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang có xu hướng phục hồi sau khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế. Ở trong nước, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội trong những tháng đầu năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, góp phần ổn định đời sống nhân dân và từng bước cải thiện phúc lợi xã hội. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Chủ tịch QH nhấn mạnh: Những kết quả đạt được là rất quan trọng, tạo cơ sở để hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2010-năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010) theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Tình hình kinh tế-xã hội trong những tháng đầu năm 2010 còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi thời gian tới phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động nắm bắt và tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, yếu kém, tiếp tục có giải pháp thích hợp để đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững hơn trong năm 2010 và những năm sau.

Để hoàn thành tốt nội dung chương trình, bảo đảm chất lượng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan giúp việc của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp những ý kiến có chất lượng, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2010 trong những tháng đầu năm, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc.

Chính phủ đề nghị tiếp tục kiên định các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch cả năm 2010 mà QH đã đề ra. Để đạt được các kết quả đó, Chính phủ nhấn mạnh một số trọng tâm công tác từ nay đến hết năm: Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; triển khai mạnh mẽ Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các hoạt động văn hóa, xã hội được đẩy mạnh; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tạo môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác phục vụ phát triển đất nước. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực điều hành; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động từ trung ương đến địa phương và tạo sự đồng thuận xã hội cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2010.

Theo đánh giá tổng quát của Chính phủ, năm 2009 là năm khó khăn nhất trong 10 năm gần đây, nhưng nhờ sự nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước, nhân dân và sự giám sát của Quốc hội, chúng ta đã vượt qua khó khăn thử thách, sớm ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng khá, đẩy lùi và kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,83%, cao hơn so với quý I/2009 và của cả năm 2009. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt gần 159 nghìn tỉ đồng, bằng 34,4% dự toán cả năm và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện, góp phần ổn định đời sống nhân dân và từng bước cải thiện phúc lợi xã hội. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng thu được một số kết quả tích cực. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri, cho biết Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với UBTVQH tập hợp được 1.157 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội bày tỏ vui mừng trước tình hình kinh tế của đất nước tiếp tục tăng trưởng ở mức khá, lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội được chăm lo thiết thực, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường...

Cuối phiên họp buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trình bày ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và NSNN năm 200 9; việc triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2010 trong những tháng đầu năm.

* Chiều 20-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSSN) năm 2008; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh và các báo cáo thẩm tra của hai Tờ trình trên.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: ĐSCT Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước, kết nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển ĐSCT sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Nếu không xây ĐSCT thì nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm, tương đương 156.000 hành khách/ngày. Dự báo đến năm 2020, phân bổ cho vận chuyển bằng ĐSCT là 48.000 hành khách/ngày. Với năng lực chuyên chở cao (năng lực chuyên chở một chiều bình quân mỗi năm đạt 50 triệu - 70 triệu người), ĐSCT đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách đến năm 2020, sau năm 2035 và trong tương lai trên trục Bắc - Nam. Phân tích nhu cầu vận chuyển, năng lực chuyên chở, khả năng đáp ứng của các loại hình vận tải đến năm 2030 trên trục Bắc - Nam và dự báo nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt đến năm 2020 cho thấy sự cần thiết phải có tuyến ĐSCT. Theo kinh nghiệm xây dựng tuyến ĐSCT của các nước và khả năng thực tế của Việt Nam, để đưa tuyến ĐSCT đi vào khai thác năm 2020, thì thời gian bắt đầu thiết kế xây dựng Dự án phải được tiến hành muộn nhất vào năm 2012.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trình bày chi tiết 4 phương án đầu tư và cho biết: thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến Vinh khi hoàn thành là 1 giờ 24 phút; chạy tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang là 1 giờ 30 phút; tuyến Hà Nội - Hòa Hưng là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh (chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) và 6 giờ 51 phút với tàu thường đỗ ở tất cả các ga. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 4.170 ha đất và 9.480 hộ cần tái định cư. Tổng mức đầu tư của Dự án sơ bộ được xác định là 1.066.792 tỉ đồng, tương đương 55.853 triệu USD...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc này song song với việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Đặng Vũ Minh cũng cho rằng để thấy được tính khả thi của Dự án, Chính phủ, Chủ đầu tư cần phân tích sâu hơn nhu cầu thị trường vận tải hành khách đối với loại dịch vụ vận tải cao cấp này, những lợi thế vượt trội của việc đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc so với việc đầu tư cho các loại hình giao thông khác. Cần tính toán, rà soát kỹ thời điểm đầu tư hợp lý xây dựng đường sắt cao tốc bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSSN năm 2008, cho biết: năm 2008 quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đạt và vượt dự toán được giao; tỷ trọng thu nội địa đạt 55,8%. Cơ cấu NSSN tiếp tục có bước chuyển biến, ngân sách dành cho đầu tư phát triển tăng khá (đạt 8,1% GDP, chiếm 26,3% tổng chi ngân sách, tính cả chi từ trái phiếu Chính phủ và xổ số kiến thiết, thì chi đầu tư phát triển đạt 31,6% tổng chi NSSN và đạt 10,4% GDP) góp phần thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Nhờ tăng thu, đã tăng chi đầu tư phát triển, tiếp tục thực hiện cơ chế khuyến khích đối với các vùng kinh tế trọng điểm, tăng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên đối với các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bổ sung kinh phí quốc phòng, an ninh; dành nguồn gối đầu cho năm 2009 để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; bội chi ngân sách ở mức đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Mức tăng trưởng thu, chi NSSN trong năm 2008 và các năm trước đã góp phần tích cực để thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2006-2010.

THANH HÒA-PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết