Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế khiến hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), đầu tư thực sự gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (Trung tâm), cho biết:
- Diễn biến của dịch bệnh không thể lường trước, nhiều hoạt động XTTM, đầu tư đã được Trung tâm và các đơn vị phối hợp tổ chức cũng như doanh nghiệp (DN) tham gia chuẩn bị rất công phu nhưng phải hủy đột xuất. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, theo các chuyên gia, việc nghiên cứu và phát triển thêm các kênh thương mại mới, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và áp dụng thương mại điện tử (TMĐT) để tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, tăng cường hoạt động XTTM, đầu tư trên môi trường mạng là những biện pháp DN cần chú trọng đẩy mạnh.
Với nhiệm vụ hỗ trợ DN duy trì sự kết nối với đối tác, phát triển thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, Trung tâm nỗ lực tìm giải pháp và nhanh chóng chuyển đổi cách thức XTTM, đầu tư mà cơ bản là ứng dụng CNTT. Trong quá trình triển khai, cộng đồng DN cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng tích cực tham gia vừa “bắt tay” tìm hiểu vừa thực hiện. Qua đó, các DN đã tham gia rất nhiều các hoạt động kết nối cung - cầu trực tuyến do Cục XTTM (Bộ Công Thương) phối hợp với các địa phương tổ chức. Hình thức hoạt động này đã được các đối tác trong và ngoài nước đón nhận; cùng đó, đã tạo thành hệ sinh thái XTTM tương đối hoàn chỉnh, thu hút được sự tham gia, ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức XTTM trong nước và quốc tế, các địa phương, tổ chức hỗ trợ DN, đơn vị hỗ trợ các dịch vụ XTTM, dịch vụ xuất khẩu...
TP Cần Thơ đang từng bước phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch COVID-19. Trong ảnh: Hoạt động tại Công ty TNHH May xuất khẩu Phong Điền. Ảnh: N.H
* XTTM trên nền tảng số được nhận định là “chìa khóa vàng” giúp DN vượt khó. Vậy, hoạt động XTTM thông qua hình thức này đã mang lại hiệu quả như thế nào cho DN TP Cần Thơ, thưa bà?
- XTTM trực tuyến là không gian mở để DN có thể đăng thông tin, tìm kiếm đối tác, mua, bán các sản phẩm các DN có nhu cầu, mà không phải tốn nhiều chi phí và thời gian. Nhất là trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tổ chức các đoàn DN đi XTTM tại nước ngoài, tổ chức các hội nghị xúc tiến tại chỗ gần như không thể thực hiện được, do vậy XTTM trực tuyến được xem là giải pháp hiệu quả. Các DN tại TP Cần Thơ đã dần thích nghi và tiếp cận tốt với những hoạt động XTTM qua hình thức trực tuyến. Nhờ đó, DN không bị gián đoạn việc sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN tìm kiếm, mở rộng thị trường, tồn tại, vượt qua “cơn bão” COVID-19.
Cùng với Cục XTTM, Trung tâm đang nỗ lực chia sẻ thông tin cũng như kết nối các DN tại địa phương với các chương trình của Cục cũng như các trang web, các nhóm kết nối giao thương trên các nền tảng xã hội (Zalo, Facebook, Viber) của các tổ chức XTTM nước ngoài; giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để thường xuyên cung cấp thông tin cho DN nắm bắt kịp thời, không để lỡ cơ hội giao thương. Đồng thời, Trung tâm cũng đang vận hành Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư - Thương mại. Đây là nơi để các DN, nhà đầu tư có thể tham khảo thông tin về các chính sách hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của TP Cần Thơ; kênh tương tác, thảo luận và trao đổi các thông tin liên quan đến đầu tư, thương mại và hội chợ tại TP Cần Thơ; tiếp nhận thông tin để các nhà đầu tư, DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư và hoạt động kinh doanh tại thành phố. Với cách làm này, Trung tâm mong muốn đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT để kết nối, tạo điều kiện cho các DN nắm bắt cơ hội, nhu cầu thị trường, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19.
Mặc dù XTTM trực tuyến mới chỉ phổ biến và được xem như một giải pháp tình thế kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhưng các chuyên gia và DN đều nhận định, đây sẽ là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái XTTM ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ đắc lực cho XTTM trực tiếp, trở thành hình thức XTTM - đầu tư mới, hiệu quả.
* Vậy theo bà, DN cần làm gì để khai thác tốt thị trường thông qua XTTM trực tuyến?
- DN cần phải có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng kinh doanh và xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá trực tuyến chuyên nghiệp. Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong TMĐT rất khốc liệt nên DN cần chủ động chuyển đổi số sớm như xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của công ty mình một cách chuyên nghiệp; tham gia các sàn TMĐT lớn, uy tín trên thế giới. Đối với các DN nhỏ và vừa, tuy nguồn lực có hạn chế nhưng lại có lợi thế do có quy mô nhỏ nên chuyển đổi số sẽ dễ dàng và ở trong phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn so với DN lớn. Yếu tố cần nhất của chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo đến xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự và cuối cùng mới là yếu tố công nghệ.
Còn nhiều DN nhỏ và vừa lúng túng khi tiếp cận và còn tâm lý ngại thay đổi vì chưa hiểu rõ về bản chất của hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng CNTT để xúc tiến xuất khẩu thành công. Vì vậy, DN phải cải thiện tốc độ, năng lực giao tiếp, điều này có thể hiểu là tổng hợp các yếu tố gồm: thành thạo ngoại ngữ, khả năng trao đổi trực tiếp rõ ràng, hiệu quả trong thời gian ngắn để tạo ấn tượng, “ghi điểm” với khách hàng về sự chuyên nghiệp, tin cậy trong kinh doanh. Mặt khác, DN cần nâng cao kỹ năng tìm kiếm, phân tích thông tin và nghiên cứu thị trường trên môi trường mạng, từ đó, nâng cao năng lực nhận biết và quản trị rủi ro trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, để xúc tiến xuất khẩu trực tuyến thành công, ngoài việc làm chủ các kỹ năng XTTM trực tuyến, DN cần linh hoạt vận dụng và kết hợp các hình thức trực tiếp và trực tuyến để luôn có được góc nhìn đa chiều về khách hàng, thị trường, tăng cường năng lực để chủ động ứng phó với các tình huống trong kinh doanh.
* Kế hoạch 190/KH-UBND ngày 16-9-2021 của UBND thành phố về phục hồi, phát triển kinh tế tại TP Cần Thơ giao nhiệm vụ Trung tâm phối hợp các đơn vị tổ chức các chuỗi hội nghị hội thảo, diễn đàn xuất khẩu, thông tin thị trường, thúc đẩy mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến TP Cần Thơ. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này ra sao, thưa bà?
-Trung tâm tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động theo Kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại, hội chợ và sự kiện năm 2021 đã được UBND thành phố phê duyệt. Trong hoạt động XTTM, đầu tư, Trung tâm tập trung vào các thị trường trọng điểm, các nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề thu hút đầu tư của thành phố thông qua các hình thức hội thảo, giao thương trực tuyến. Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại thông qua Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư - Thương mại. Kết nối với hệ thống Thương vụ, Văn phòng XTTM Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp danh sách các mặt hàng có nhu cầu xúc tiến xuất khẩu theo đề xuất của các quận, huyện, DN để các đơn vị này nghiên cứu, triển khai hoạt động XTTM phù hợp.
Dự kiến, Trung tâm sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Đối thoại giữa Chính quyền và Doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ” nhằm trao đổi, lắng nghe ý kiến đóng góp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN. Đồng thời, triển khai số điện thoại đường dây nóng - hotline (1800556849) tiếp nhận phản ánh của DN về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như những nội dung liên quan đến các hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại. Tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa hình thức tổ chức và tham gia các hội chợ, sự kiện trên nền tảng không gian mạng; sử dụng và kết hợp công nghệ tiên tiến thể hiện các hình ảnh số của các sản phẩm, tài liệu, hình ảnh, trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu có nội dung chân thực, chính xác, thu hút khách tham quan...
*Xin cảm ơn bà!
KHÁNH NAM (Thực hiện)